Đó là cách quản lý một người làm tất cả: Ferguson chọn đội hình ra sân, lên chiến thuật, mua các cầu thủ, biết từng gia đình của thành viên... đội trẻ, mua bán cầu thủ, đôi khi trực tiếp khảo sát họ.
Theo Martin Samuel thì chính phương pháp quản lý này đã đẩy Man United vào cơn khủng hoảng hậu kỷ nguyên Ferguson, vì họ phụ thuộc hoàn toàn vào Sir Alex, từ những chuyện bé bằng cái kim ở Old Trafford trở đi. Nó tương tự những gì diễn ra tại Arsenal, với quyền lực vô hạn của Arsene Wenger.
Sir Alex
Stewart Robson, một cựu tiền vệ Arsenal, từng mô tả trên talkSPORT rằng HLV người Pháp là một kẻ độc tài: “Steve Bould (trợ lý của Wenger) là một HLV giỏi nhưng lại chẳng được làm gì hết. Arsene Wenger không đảm bảo tốt việc tập luyện.
Ông ta không huấn luyện các cầu thủ, và ông ta không cho phép người khác làm điều đó. Sir Alex thì khác, vì huấn luyện khong giỏi nên ông ấy thường tìm những trợ lý tốt và đảm bảo rằng cánh tay phải của mình không chỉ là một kẻ gọi dạ bảo vâng. Wenger thì chỉ thích áp đặt vì cái tôi quá lớn của ông ta, bởi vì ông ta là một kẻ độc tài”. Thành công của Ferguson với mô hình quản lý một người như thế là điều rất đặc biệt trong bóng đá hiện đại. Những HLV tiêu biểu của phương pháp quản lý kiểu này đã dần cho thấy những hạn chế rõ rệt trong nửa thập kỷ trở lại, như Sam Allardyce, rời Bolton vào năm 2007 sau 8 năm gắn bó; David Moyes, người từng dẫn dắt Everton 11 năm; và Arsene Wenger.
Khối lượng công việc khổng lồ không cho phép các HLV có thể đóng vai Gia Cát Lượng một mình gánh cả giang sơn nữa. Về mặt này, cả Man United và Arsenal đều đã ở phía sau những thế lực mới mẻ như Chelsea hay Man City.
HLV Jose Mourinho
Jose Mourinho, một người cũng nổi tiếng chuyên quyền, vẫn biết chia sẻ công việc tích cực với các trợ lý và giám đốc thể thao của mình, những người trung thành đã theo chân ông từ Porto, Inter và giờ là Chelsea lần thứ hai. Với Man City, họ đặt mục tiêu củng cố bộ máy quản lý kể từ khi tuyển mộ hai cựu giám đốc bóng đá của Barca là Fernando Soriano và Txiki Begiristain.
Man United thời Ferguson và Arsenal của Wenger quản lý bằng con mắt và cảm nhận của hai HLV này, còn Man City và Chelsea quản lý dựa trên một hệ thống cơ sở dữ liệu được lưu trữ cẩn thận. Petr Cech đã từng thú nhận rằng bí quyết bắt phạt đền thành công của anh là các thống kê mà CLB cung cấp, trong khi sau mỗi trận đấu ở Man City, các cầu thủ đều biết dữ liệu của riêng họ.
Vài mùa gần đây, Man United và Arsenal luôn là những nạn nhân quen thuộc của chấn thương. Trong khi đó, Man City là một trong những đội đi tiên phong trong việc ứng dụng phân tích dữ liệu để đề phòng chấn thương, và thực tế là số ca chấn thương của họ thường chỉ bằng 1/3, thậm chí 1/4 so với hai đội kể trên.
Ferguson đã rút lui trong vinh quang, còn Wenger đang phải oằn mình chống đỡ trong một thời đại mà các HLV không thể đóng vai ‘siêu nhân’ được nữa. Và thành bại của CLB hoàn toàn phụ thuộc vào một mình ông, với rủi ro không được chia sẻ một chút nào. Nếu Wenger có dẫn Arsenal xuống địa ngục, thì cơ chế quản lý của CLB này cũng không có một cái phanh nào để ngăn ngừa điều đó xảy ra.