Vấn đề là, Chelsea không cảm thấy nhất thiết phải gặp rắc rối trong chuyển nhượng nếu bị BTC Premier League “sờ gáy”, hơn nữa trong tay Mourinho còn rất nhiều cầu thủ cánh xuất sắc.
Chính Mourinho từng nói: “Quyền lực của bóng đá là bạn có thể làm mọi điều mình muốn trong khuôn khổ bóng đá”. Chelsea từng cuỗm tay trên của Liverpool trong vụ Willian và Mohamed Salah bằng cách lách luật. Mourinho tất nhiên cũng ủng hộ FIFA khi tổ chức quyền lực nhất của bóng đá thế giới không cấm... sở hữu thứ 3 (cũng tức là mở rộng thành sở hữu thứ 4, 5, 6...).
Mấu chốt của vấn đề kể trên là: 1/chuyện hoa hồng; 2/chuyện cùng hợp tác đào tạo. Đây là hai quy luật tất yếu trong xã hội hiện đại, thuộc mọi ngành nghề và là nhu cầu cấp thiết. Bóng đá không thể đi chệch quy luật ấy, dù Premier League tự hào rằng “đã cấm chuyển nhượng có sở hữu thứ ba”.
Vụ Mascherano – Tevez chỉ cho thấy Premier League khi mất bò mới lo làm chuồng, mà thật ra làm chuồng cũng không chặt. Nếu West Ham chịu cung cấp những giấy tờ cần thiết trong vụ chuyển nhượng Tevez (mà theo Kia Joorabchian, chủ MSI là công ty sở hữu thứ 3 với Mascherano và Tevez, thì “chẳng có gì phải giấu giếm cả”), những rắc rối đã không xảy ra, tất nhiên Premier League cũng chưa tính đến chuyện cấm “đối tác thứ 3”.
Nhưng, cấm bằng cách nào và có hiệu quả hay không lại là vấn đề mà những nhà điều hành bóng đá Anh chưa có câu trả lời rốt ráo, trong khi phần còn lại của thế giới công khai chấp nhận nó với điều kiện: mọi bên liên quan thương thảo êm đẹp, tránh xung đột vì nếu có chẳng bên nào có lợi.
Markovic về Liverpool thay vì Chelsea
Ít người biết MSI và Joorabchian đang là “sở hữu thứ 3” với 60 – 70 cầu thủ, ngoài ra còn có mối liên hệ chặt chẽ với một loạt công ty, đối tác khác cũng là “sở hữu thứ 3” của rất nhiều ngôi sao bóng đá khắp thế giới. Thống kê cho thấy có không dưới 30% số cầu thủ chuyên nghiệp đẳng cấp cao có liên quan đến “đối tác thứ 3”. Mối quan hệ ấy thực chất không phải là cấp số cộng mà là cấp số nhân, tức mức độ phát triển sinh sôi đến mức chóng mặt rất khó kiểm soát.
Nhiều người tự hỏi vì sao chuyện chuyển nhượng cứ hay bị xé to trong khi chính FIFA lại xảy ra hàng loạt vụ scandal, tham nhũng chưa được giải quyết rốt ráo. Thượng bất chính tức hạ tất loạn, FIFA không thể dùng bất kỳ lý do nào (cả về mặt bóng đá lẫn xã hội) để cấm các đại diện cầu thủ (agent) tham dự sâu, chi phối đời sống bóng đá. Agent có khắp mọi môn thể thao, mọi lĩnh vực đời sống. Tiền hoa hồng (khoảng 900 triệu euro, chiếm 30% tổng giá trị chuyển nhượng Hè của bóng đá châu Âu năm 2013 theo điều tra của UEFA) là phần chia xứng đáng cho người môi giới (hay người trung gian) trong các vụ giao dịch mà người bán và người mua cần đến “đối tác thứ 3” để tìm đến nhau.
Trong bóng đá, “đối tác thứ 3” không chỉ là cò cầu thủ. Đó còn là nhà đầu tư đúng nghĩa, vì không ai biết khi bỏ tiền đầu tư (tức đánh cược vào sự phát triển của một tài năng trẻ) chắc chắn không có rủi ro. Công ty Gestifute của siêu cò Jorge Mendes hí hửng mua quyền sở hữu hình ảnh của Bebe khi cầu thủ này đến M.U, nhưng bây giờ vụ đầu tư của Gestifute chẳng phải giống một đống cổ phiếu tưởng “hot” hóa ra chỉ còn là mớ giấy lộn đó sao?
Siết chặt cung cách quản lý thay vì đổ lỗi cho hiện tượng mới là cách ứng xử tốt nhất, hiệu quả nhất cho cái gọi là “điệp vụ hoa hồng” mà Joorabchian, Mendes và nhiều nhà kinh-tế-bóng-đá giỏi giang khác đang hưởng lợi nhờ biết dung hòa luật bóng đá và luật đời sống.