Crystal Palace vốn không phải là đội bóng có tiềm lực tài chính vững mạnh. Vài năm trước, CLB này từng thoát khỏi nguy cơ phá sản vào phút cuối, nhờ được một số nhà đầu tư mua lại. Crystal Palace hiện có tới 4 chủ sở hữu, gồm Jeremy Hosking, Martin Long, Steve Parish, Stephen Browett và mỗi người sở hữu 25% cổ phần. Các ông chủ của Crystal Palace về cơ bản đã đồng ý với mức giá 70 triệu bảng mà Josh Harris đưa ra. Vụ đổi chủ này có thể sẽ hoàn tất trong vòng 3 tuần nữa.
Josh Harris sắp trở thành ông chủ người Mỹ thứ 6 tại Premier League mùa này. Trước đó, những doanh nhân tới từ đất nước cờ hoa đã nhanh tay thâu tóm Arsenal, Man United, Liverpool, Sunderland và Aston Villa. Tất cả trong số này đến với Premier League không phải vì bóng đá mà là để kiếm lợi nhuận. Những ông chủ như Stan Kroenke (Arsenal), John Henry (Liverpool) hay gia đình Glazer (Man United) đều là những doanh nhân chuyên kinh doanh trong lĩnh vực thể thao. Ông chủ tương lai của Crystal Palace - Josh Harris - cũng là một chuyên gia ở lĩnh này. Hiện tại, Harris đang có cổ phần ở CLB bóng rổ Philadelphia 76ers thuộc NBA (giải bóng rổ nhà nghề Mỹ) và đội hockey New Jersey Devils.
Việc các doanh nhân người Mỹ đổ xô đến Premier League không phải là tín hiệu tích cực với bóng đá Anh. Điều đầu tiên dễ nhận thấy nhất là các CLB sẽ đi theo các chỉ tiêu kinh doanh hơn là thể thao. Có thể thấy rõ điều đó ở Man United, khi nhà Glazer đem đến cho họ cả đống nợ và có giai đoạn đầu tư rất hạn chế trên thị trường chuyển nhượng. Tình hình cũng diễn ra tương tự ở Arsenal, khi ông chủ Kroenke hài lòng với một vị trí trong Top 4 mà vẫn thu được lợi nhuận, hơn là bỏ tiền ra nâng cấp đội hình. Điều đó báo trước một tương lai không mấy tươi sáng cho Crystal Palace.