Đầu tàu Suarez
Đã có quá nhiều bài viết phân tích về lối chơi của Luis Suarez, khả năng tiểu xảo, thính nhạy ghi bàn, sức quấy rối khó chịu cùng phong cách thi đấu khiến mọi hàng thủ phải e sợ. Bài viết hôm nay xin nói về một phạm trù khác mà ít ai để ý từ khi anh chuyển sang Anh Quốc: sức ảnh hưởng.
Trong một ngày mà Steven Gerrard gặp chấn thương, Daniel Agger ốm và phong độ không ổn định, Brendan Rodgers đã tiết lộ sẽ trao băng đội trưởng của Liverpool - một CLB vĩ đại – trong trận đấu này cho Suarez. Và những gì anh làm được hoàn toàn xứng đáng với chiếc băng ấy trên tay.
Chúng ta đã nói nhiều về thành tích thi đấu cá nhân của anh nên xin chỉ tóm tắt bằng một thống kê so sánh vui (có thể Andre Villas-Boas sẽ không thấy thoải mái) sau trận Tottenham 0-5 Liverpool trước khi chuyển chủ đề:
Tottenham |
|
Luis Suarez |
16 |
Số trận |
11 |
15 |
Bàn thắng |
17 |
207 |
Số lần dứt điểm |
57 |
7% |
Tỉ lệ chuyển hóa |
30% |
96 |
Số phút/bàn |
58 |
50% |
Tỉ lệ chiến thắng |
64% |
1.69 |
Số điểm/trận |
2.09 |
So sánh kết quả thi đấu giữa CLB Tottenham và cầu thủ Luis Suarez
Hai pha ghi bàn đẳng cấp của Suarez là điều không thể bàn cãi, nhưng những gì anh đã làm cho các đồng đội thì thật tuyệt vời.
Joe Allen tắc bóng thành công 6 lần - nhiều nhất trận và bao quát toàn bộ trung tuyến, tạo điều kiện để Jordan Henderson dâng cao và liên tục “xộc nách” Tottenham; Raheem Sterling khiến cho Spurs phải thay hậu vệ trái ngay sau hiệp một nhưng rồi cũng không thể kèm nổi vì đôi chân nhanh thoăn thoắt; Jon Flanagan băng lên vô-lê cực khó để ghi bàn. Gần như tất cả những cái tên gây lo ngại nhất bên phía Liverpool đã tỏa sáng.
Và đặc biệt hơn khi tất cả những thành tích của các cá nhân này đều có sự hỗ trợ từ Suarez. Anh chủ động lùi sâu cùng Allen lên bóng dần dần, đột phá cùng Sterling, chọc khe cho Henderson và tạt cho Flanagan. Có lẽ số cầu thủ làm được mọi thứ trên sân cùng một lúc như thế đếm không hết ngón tay trên một bàn tay.
Trong trường quay của Sky Sports sau trận, huyền thoại Jamie Carragher cho rằng Suarez đã “khơi dậy sự tự tin của toàn đội”. Đó là một nhận định hoàn toàn xác đáng. Hãy nhớ lại hình ảnh của Sterling đầu mùa 2012/13, của Henderson thời ở Sunderland, của Allen thời ở Swansea để hiểu rằng điều họ còn thiếu kể từ khi chuyển sang đội bóng áo đỏ đơn giản chỉ là sự tự tin.
Suarez 4 lần tung đường chuyền mang tính chất quyết định, chọc khe thành công 2/3 lần (lần không thành công do Michael Dawson cản phá đã dẫn tới bàn mở tỉ số), tạt bóng chính xác 1 lần duy nhất và trở thành đường kiến tạo. Đó đều là những con số nhiều nhất ở hạng mục “chuyền bóng” theo thống kê của WhoScored trong tập thể Liverpool.
Sau trận, Suarez nói: “Tôi rất mừng vì được đeo băng đội trưởng hôm nay, nhưng màn trình diễn của tập thể còn quan trọng hơn”. Hình ảnh tiêu biểu của Suarez đêm qua không phải khi anh ghi bàn, mà ở phút thứ 33: Moussa Dembele ngáng ngã anh ngay trước vòng cấm địa, nhưng thay vì quay ra xin trọng tài quả phạt, anh vung chân sút trong tư thế... nằm và khiến Hugo Lloris phải căng người cản phá.
Thủ lĩnh không cần băng!
Đầu mùa giải 2009/10 khi Thomas Vermaelen chuyển sang khoác áo Arsenal, chiếc băng đội trưởng của Ajax Amsterdam bỏ trống. HLV đương quyền Martin Jol quyết định trao cho Suarez vì niềm tin rằng sự cần cù và máu lửa trên sân của anh sẽ truyền cảm hứng cho đồng đội. Đây có lẽ là một trong những quyết định chính xác nhất mà Jol từng làm trong nghiệp huấn luyện.
Nghe lời vợ, Suarez cắt mái tóc dài bờm xờm và ra sân với một tinh thần khác hẳn trước đó. Đầu óc và tinh thần của anh trở nên sáng sủa hơn. Các cầu thủ trẻ nhìn theo anh và phấn đấu – đó chính là những gì đã diễn ra trên sân White Hart Lane.
Rất có thể sự trở lại của Gerrard và Agger sẽ khiến cơ hội đeo băng đội trưởng của Suarez giảm đi, nhưng lịch sử bóng đá từng không ít lần chứng kiến những “thủ lĩnh không băng” như Michael Ballack (ĐT Đức 2002), Xavi (Barcelona), Andrea Pirlo (Milan, Juventus). Nhiều khả năng anh sẽ được tăng lương lên 200.000 bảng/tuần - vượt xa mức 140.000 bảng/tuần của thủ quân Gerrard. Xứng đáng cho một cầu thủ tầm cỡ.