Gần 20 năm trôi qua, quyết định rời khỏi West Ham của Lampard vào mùa Hè năm 2001 vẫn có thể được coi là một trong những “vụ ly hôn” chóng vánh nhất trong lịch sử bóng đá Anh. Có quá nhiều ám ảnh kéo dài ở cả hai phía đến nỗi khó có thể tưởng tượng được khả năng có ngày đoàn tụ.
Trong những năm 1990, dòng họ Lampard là biểu tượng trung thành ở Upton Park. Ông bố Frank Lampard Snr đã cống hiến toàn bộ sự nghiệp chuyên nghiệp 18 năm tại West Ham; là cầu thủ được West Ham đào tạo và đã có những bàn thắng mang tính biểu tượng nhất trong lịch sử của họ: cú đánh đầu hạ Everton trong trận bán kết FA Cup vào năm 1980 để rồi West Ham thắng nốt Arsenal trong trận chung kết.
Mặc dù vậy, người ta đã không còn nhìn thấy Lampard Snr tại SVĐ London từ lâu rồi. Ông thậm chí còn vắng mặt ở sự kiện đổi tên khán đài East Stand thành tên Billy Bonds để vinh danh người đồng đội của ông vào tháng 3 năm nay.
Ông đã không đến Upton Park từ lâu trước khi nó bị phá hủy, ngoại trừ ở lần đầu tiên Lampard cùng Chelsea đến làm khách của West Ham. Ông còn ăn mừng công khai khi Lampard ghi bàn trong một trận derby vào tháng 1/2006.
“Bố của Frank là người West Ham thứ thiệt. Nếu mổ ông ấy ra, trong đó chỉ có màu đỏ tía và màu xanh của West Ham. Mọi bức ảnh chụp khi thằng Frank còn nhỏ, ông ấy đều mặc đồ của CLB. Ông ấy quá yêu West Ham và đó chính là sự ô nhục của CLB này”, ông chú Harry Redknapp, cựu HLV của Tottenham, kể lại với tờ The Athletic.
Để hiểu lý do tại sao nhà Lampard tự tách khỏi West Ham sau năm 2001, hãy đọc cuốn hồi ký “Totally Frank" hay "Frank toàn tập” mà Lampard phát hành vào mùa Hè 2006, tức 5 năm sau khi gia nhập Chelsea.
Trong đó có chi tiết về sự bất bình đã khiến anh và gia đình trở mặt với CLB từng là trung tâm cuộc sống của họ. Lampard đã kể về sự cay độc không giới hạn của một nhóm CĐV West Ham khi cho rằng những thành công của ông tại The Hammers, kể từ khi còn là cầu thủ trẻ đến khi thi đấu chuyên nghiệp, là nhờ quyền lực “con ông cháu cha”, bởi bố là trợ lý HLV, còn ông chú Redknapp là HLV, chứ không phải nhờ tài năng.
Trong các trận đấu, Lampard thường xuyên nghe thấy tiếng la hét của nhóm CĐV này: “Cút đi, thằng mập”, “Ra chỗ của bố mày và chú mày đi” cứ mỗi khi anh chuẩn bị rời băng ghế dự bị để khởi động thay người.
Đến năm 18 tuổi, Lampard trở thành đề tài chém gió của đám CĐV xấu tính, chỉ vì ông bố và ông chú là HLV. Cân nặng của Lampard là một chủ đề châm chọc phổ biến. Ông tự nêu biệt hiệu kinh tởm mà người ta gán cho mình “Thằng Mập” và lạnh lùng một cách kiêu hãnh kể lại những lời đơm đặt về sự lười biếng của mình.
“Anh ấy không mảnh mai như Cristiano Ronaldo nhưng rất cần cù chịu khó luyện tập. Chạy liên tục như điên và biết rõ mình cần làm gì. Lampard là một cầu thủ mạnh mẽ, và có một thể lực kỳ diệu, có thể chạy đến tận cùng thế giới”, Scott Minto, đồng đội của Lampard ở West Ham kể.
Tuy nhiên, những dị nghị về “Lampard bé bự” cứ tồn tại trong suy nghĩ các CĐV West Ham. Và đó là giọt nước tràn ly khiến Lampard phản bội để đầu quân cho Chelsea. Anh muốn thể hiện mình giỏi như thế nào chứ không phải hình dáng trông như thế nào.
“Có một thuyết âm mưu cho rằng HLV Redknapp đã đưa tôi vào đội hình để tôi nhận lương chỉ vì tôi là thằng cháu”, Lampard viết thế. Những xì xào về cái gọi là “con ông cháu cha” vẫn cứ thì thầm ở Upton Park kể từ khi Lampard có trận ra mắt vào tháng 1/1996. Nó như chứng di căn của ung thư.
“Mẹ tôi bị ném vào cổ khi bà ấy ngồi trong khu vực chỉ đạo cùng bố tôi. Các chị gái bị chế giễu trên SVĐ và ngoài phố. Họ thường nói với các chị những câu nhơ bẩn như: Bảo thằng bố và thằng em chó chết của mày cút đi. Tại sao lại khốn nạn thế”, trích tự truyện của Lampard.
“Tôi đã phải thi đấu ở một nơi mà các CĐV la ó, chửi rủa với toàn bộ sự tức giận. Nó bám theo tôi vào cả trong giấc ngủ và chờ sẵn bên thành giường mỗi sớm thức dậy. Tôi sợ ra phố, sợ phải lái xe đến sân tập. Tất cả là địa ngục một cách hoàn hảo”.
Redknapp thậm chí đã phải phủ nhận những cáo buộc về sự thiên vị dành cho Lampard trong cuộc trò chuyện với Terence Brown, chủ tịch của West Ham lúc đó.
Sau đó là cuộc đối đầu nổi tiếng tại diễn đàn NHM, khi một CĐV hỏi Redknapp tại sao không trao cơ hội cho những tài năng trẻ khác, ví dụ như Scott Canham? “À bởi vì anh ta vừa chuyển sang Brentford”, Redknapp đáp trả.
“Chúng tôi nhìn thấy rõ tài năng của Frank và khi những thứ tồi tệ đó ập đến, tôi cảm thấy ái ngại cho Frank và nhà chú Frank Snr. Nếu Frank vẫn ở lại cùng Rio Ferdinand, anh sẽ trở thành một cầu thủ đẳng cấp thế giới”, Minto nuối tiếc.
Thật hài hước, bởi vì CĐV hỏi câu hỏi ngu xuẩn đó chính là chú của Scott, nhưng không hề biết chuyện cháu mình đã rời CLB. Lampard cảm thấy rằng mình bị sỉ nhục, trở nên hoài nghi về tình yêu dành cho West Ham. Anh thấy các CĐV không cần biết anh và Scott ai giỏi hơn ai mà chỉ cần cái cớ để tấn công gia đình mình.
“Không phải CĐV nào cũng ghét Lampard. Như tôi chẳng hạn, luôn yêu quý và khâm phục tài năng của cậu ấy. Thật tuyệt khi có Lampard trong đội. Cậu ấy đã ghi những bàn thắng tuyệt vời. Khi trả lời phỏng vấn luôn nói tốt về CLB. Lampard chẳng làm gì điều có hại ngoài việc cống hiến 100%”, Gary Lawrence, CĐV mua vé mùa suốt 30 năm, nói với The Athletic.
Lampard bỏ qua mọi lời đểu giả của CĐV, nhưng khi CLB sa thải ông chú và bố mình vào tháng 5/2001, anh đã quyết tâm ra đi để đáp đền cay đắng. “Đây không còn là câu chuyện về bóng đá nữa, mà là về gia đình của mình”, Lampard suy nghĩ.
Nhiều người đã khuyên Lampard hãy nén lòng đợi xem HLV mới là ai đã. “Kể cả là Fabio Capello đến thì tôi vẫn cứ đi, tôi đã quá ngán nơi chết tiệt này rồi”. Nhưng không phải là Capello mà là Glenn Roeder được bổ nhiệm một tháng sau đó.
Điều toát lên trong cuốn sách “Totally Frank” là sức mạnh của sự tức giận thể hiện qua những lời nói của Lampard về CLB thời niên thiếu của mình. “Sự thật là gia đình tôi đã cạn tình với West Ham. Những gì đã xảy ra là một cuộc tấn công vào tất cả chúng tôi. Nó vượt xa bóng đá và xâm chiếm cuộc sống của chúng tôi mà không cần quan tâm hay thương xót”.
Mối hận thù giữa Lampard và West Ham ngày càng tăng. Lampard đã ăn mừng mỗi khi CLB này thua trận như khi đám CĐV của The Hammers sung sướng trước vụ Lampard bị gãy chân trong trận gặp Aston Villa hồi tháng 3/1997.
Lần đầu tiên Lampard trở lại Upton Park trong màu áo Chelsea, mỗi khi anh có bóng là tiếng la ó vang lên, vật thể lạ bay như mưa xuống sân. Bà mẹ đã quá lo lắng cho sự bình yên của con trai nên cầu xin Lampard “thân thiện” hơn để tránh bị ám toán. Nhưng Lampard mặc kệ. Và rồi khi Lampard ghi bàn thắng đầu tiên vào lưới West Ham vào tháng 1/2006, chính ông bố Frank Snr đã nhảy lên ăn mừng như trúng xổ số.
Sự biến đổi của Lampard thành tiền vệ ghi bàn vĩ đại nhất trong thế hệ của anh ấy ở Stamford Bridge hầu như không giúp ích gì. Anh khao khát được quay về Upton Park để sút tung lưới đội bóng cũ. Đến tháng 3/2008, Lampard đã 6 lần ăn mừng bàn thắng và 1 lần nhận thẻ đỏ trực tiếp sau va chạm với Luis Boa Morte.
Tháng 3/2013, khi Lampard đánh đầu ghi bàn thắng thứ 200 của mình cho Chelsea trong trận gặp West Ham tại Stamford Bridge. Anh đã ăn mừng với John Terry ngay trước mặt những CĐV đội khách và một cơn mưa tiền xu đã rơi xuống chỗ anh đứng.
Đêm nay, khi HLV Lampard cùng các cầu thủ của mình tiếp đón West Ham, chắc chắn cả gia đình của ông sẽ có mặt trên sân Stamford Bridge để cổ vũ cho Chelsea.
Những Chelskis đã bất tử hóa bàn thắng thứ 200 bằng một bài hát đề cập đến West Ham với biệt danh “Pikey”, nhằm ám chỉ đám Digan lang thang hèn mọn và bị Điều Luật 2010 coi là “phân biệt chủng tộc”. Và có thể nó sẽ được hát vào tối nay.
Hãy cùng chờ đón màn đoàn tụ đầy thù địch của Frank Lampard và West Ham.