10. David Beckham (1992-2003: 394 trận, 85 bàn)
David Beckham là một hiện tượng kỳ lạ. Anh tiến đến hàng ngôi sao thế giới theo con đường không chỉ thuần chuyên môn. Đặc biệt hơn, dù đã kinh qua 4 CLB bóng đá khác nhau, khi nhắc đến Beckham là người hâm mộ nghĩ ngay đến M.U. Cứ nhìn cái cách các khán đài Old Trafford lấp kín cùng những tràng pháo tay không ngớt chào đón Beckham trở lại trong trận đấu từ thiện mới đây là đủ hiểu vị trí của anh trong dòng chảy lịch sử M.U quan trọng đến mức nào.
Là một thành viên trong thế hệ M.U đoạt FA Cup trẻ 1992 nhưng người hâm mộ chỉ thực sự chú ý đến Beckham với cú sút kinh điển từ phần sân nhà vào lưới Wimbledon năm 1996. “Cậu ta từng thử sút như vậy khoảng 10 phút trước khi ghi bàn. Tôi đã nói với trợ lý Brian Kidd rằng nếu cậu ta còn tiếp tục thì sẽ phải rời sân”, Sir Alex chia sẻ vào năm 1996.
Rút cuộc, Beckham ghi một trong những bàn thắng kinh điển của giải Ngoại hạng, còn Sir Alex biết rằng ông đang sở hữu một thiên tài. Tình thầy trò gắn kết lâu năm làm tăng sự khó khăn khi Beckham quyết định chuyển sang Real Madrid năm 2003, để lại sự tiếc nuối còn tồn tại đến tận bây giờ.
9. Wayne Rooney (2004-hiện tại: 497 trận, 237 bàn)
Một trong những điều khiến Sir Alex thành công là khả năng mua bán cầu thủ chính xác của ông. Mùa hè 2004, chiến lược gia Scotland từng một mình đương đầu với BLĐ để bảo vệ quyết định duyệt chi 25 triệu bảng cho một cầu thủ mới chỉ 18 tuổi, Wayne Rooney.
Sau 11 năm cống hiến, Wazza vẫn đang là di sản lớn nhất mà Sir Alex để lại ở Old Trafford. Tài năng, sự nhiệt tình trong thi đấu và đặc biệt là đức hy sinh khiến Rooney nhận được rất nhiều tình cảm từ người hâm mộ. Các khoảnh khắc đáng chú ý của anh có thể kể đến cú nã đại bác vào lưới Newcastle năm 2005, hay pha xe đạp chổng ngược ngoạn mục làm ngỡ ngàng Joe Hart (Man City) 6 năm sau đó.
Với Sir Alex, dù hết mực cưng chiều Rooney nhưng ông thầy lão làng cũng phải toát mồ hôi mới thuyết phục được cậu học trò từ bỏ ý định rời đi vào năm 2010. Để giờ đây, Rooney chỉ còn cách kỷ lục ghi bàn mọi thời đại cho M.U của Sir Bobby Charlton 12 bàn.
8. Gary Neville (1992-2011: 602 trận, 7 bàn)
Gary Neville là mẫu cầu thủ hiếm có trong thời đại này. Người anh nhà Neville nổi tiếng vì sự trung thành, tận tụy và luôn chiến đấu vì logo trước ngực thay vì cái tên ở phía sau. Với hơn 600 trận ra sân trong màu áo đỏ, Neville là một biểu tượng lớn ở Manchester.
Cũng là một thành viên của thế hệ 92 vĩ đại, Neville đã nếm trải mọi vinh quang cùng CLB. Tuy nhiên, màn chia tay của anh không thực sự được như mong đợi. Những chấn thương nghiêm trọng trong giai đoạn 2007-2009 làm sụt giảm nghiêm trọng khả năng của Neville. Có thời điểm, hậu vệ kỳ cựu này mất 17 tháng mới có cơ hội ra sân trong đội hình xuất phát. Biết rằng giới hạn của mình đã đến, Neville thông báo giã từ sự nghiệp vào ngày 2/2/2011.
7. Bryan Robson (1981-1994: 461 trận, 99 bàn)
Không phải là người có tiếng nói trong thương vụ mang Bryan Robson về Old Trafford nhưng Sir Alex lại là người đầu tiên đề cao khả năng lãnh đạo của chàng tiền vệ này. Chính những đóng góp không mệt mỏi của Robson đã xây chắc những nền móng đầu tiên của “Máy sấy tóc” tại Old Trafford, tạo tiền đề cho chức vô địch FA Cup 1990.
Năm 2011, Robson được vinh danh là Cầu thủ xuất sắc nhất mọi thời đại của M.U trong cuộc bình chọn của các cựu cầu thủ Quỷ đỏ. “Người tạo ảnh hưởng” là cụm từ được Sir Alex thường xuyên sử dụng để miêu tả về cậu học trò xuất chúng này.
6. Peter Schmeichel (1991-1999: 393 bàn, 1 bàn)
Bất cứ đội bóng vĩ đại nào cũng cần một thủ môn vĩ đại. Với Sir Alex, ông may mắn khi trong suốt 27 năm tại vị luôn có trong tay những người gác đền tài năng bậc nhất thế giới. Nhưng nếu phải chọn ra người vĩ đại nhất, chắc chắn không ai xứng đáng hơn Peter Schmeichel.
Chuyển tới M.U từ Brondby vào năm 1991 với mức phí 505.000 bảng, Schmeichel được Sir Alex miêu tả là “món hời của thế kỷ”. Sở hữu thân hình khổng lồ nhưng những phản xạ của Schmeichel được đánh giá vào hàng xuất chúng. Các pha cứu thua một tay ở khoảng cách hơn 2 mét so với mặt đất đã trở thành một biểu tượng của Schmeichel.
Vậy nhưng cũng chính tính cách mạnh mẽ và cái tôi quá lớn khiến anh và Sir Alex nhiều lần cãi vã nhau trong phòng thay đồ. Sau mùa ăn ba 1998/99, Schmeichel cương quyết ra đi bất chấp sự thuyết phục từ BLĐ.
5. Roy Keane (1993-2005: 480 trận, 51 bàn)
Cây viết thể thao kỳ cựu Adam Shergold từng miêu tả về Keane: “Thành công trong bóng đá phụ thuộc vào chất lượng. Roy Keane không chạm đến chất lượng, anh ấy định nghĩa chúng”. Khi mang Keane về từ Nottingham Forest, có lẽ bản thân Sir Alex cũng không nghĩ rằng mình lại đem một cá tính mạnh như thế tới Old Trafford.
Keane được kỳ vọng sẽ tiếp bước Robson nhưng tiền vệ người Ireland còn làm được những điều lớn lao hơn nhiều. Nhờ có Keane và tinh thần chiến đấu vô tận, M.U mở ra một kỷ nguyên thành công chứ không chỉ là một hiện tượng nhất thời.
Nói về Keane, người ta nhớ đến những màn va chạm nảy lửa với Patrick Vieira hay sự hy sinh bất chấp không được tham dự trận chung kết khi đối đầu với Juventus tại bán kết Champions League 1998/99. Nhưng cũng giống như nhiều cá tính mạnh khác ở Old Trafford, anh nảy sinh bất hòa với Sir Alex và bị đẩy đi vào năm 2005.
4. Eric Cantona (1992-1997: 185 games, 82 goals)
Trước năm 2000, đa phần các học trò của Sir Alex đều là những cá tính kiệt xuất. Nhưng nếu phải chọn ra một Quỷ đầu đàn thực thụ, người không thể lẫn trong đám đông với cổ áo dựng đứng và khuôn mặt kiêu ngạo thách thức, đó phải là Eric Cantona. Rất ít người dám đến Old Trafford và tự hỏi “Liệu CLB này có đủ vĩ đại cho mình thi đấu?” nhưng Cantona là một trong số đó.
Năm 1992, khi Cantona đến Old Trafford vào tháng 11, M.U đang đứng thứ 10. Nhưng vào tháng 5 năm sau, họ chấm dứt 26 năm mòn mỏi chờ danh hiệu quốc nội với 10 điểm nhiều hơn nhóm bám đuổi. Hiệu ứng Cantona là quá mạnh mẽ.
Ngoài tài năng trên sân cỏ, Cantona còn ghi dấu ấn bằng cú kung-fu nổi tiếng vào người CĐV Crystal Palace, Matthew Simmons vào năm 1995. Án phạt cấm thi đấu 8 tháng của FA chẳng khiến Cantona mềm hóa cá tính điên khùng của mình. Năm 1997, King Eric tuyên bố giải nghệ dù đang ở thời đỉnh cao bất chấp sự can ngăn từ người hâm mộ, các đồng đội, BLĐ cho đến bản thân Sir Alex.
3. Cristiano Ronaldo (2003-2009: 292 trận, 118 bàn)
Năm 17 tuổi, Ronaldo đến Old Trafford và được giao ngay chiếc áo số 7 huyền thoại. Nhiều người nói Sir Alex đã quá vội vàng khi tin tưởng vào khả năng của cậu nhóc còi cọc đến từ Lisbon. “Họ nói Ronaldo sẽ chẳng bao giờ sánh ngang với Cantona hay Beckham nếu cứ chơi bóng như vậy. Còn tôi chỉ im lặng và để thời gian trả lời”, Sir Alex nhớ lại.
Và chính chàng trai đấy là người mở toang cánh cửa trở lại thời kỳ đỉnh cao của M.U. 6 năm ở Old Trafford, Ronaldo từ một tiền vệ cánh màu mè trở thành cầu thủ tấn công xuất sắc nhất châu Âu với kỹ thuật hoàn hảo, nguồn thể lực sung mãn, tốc độ bứt phá và khả năng dứt điểm siêu hạng từ bóng sống cho tới cố định. Nói không quá, anh hoàn thiện hơn nhiều so với những người từng mặc áo số 7 trước đây.
Mùa 2007/08, Ronaldo bùng nổ với 42 bàn thắng và là động cơ chính giúp M.U chinh phục thành công cú đúp Ngoại hạng Anh và Champions League. Sir Alex đã rất muốn giữ Ronaldo trở thành biểu tượng trọn đời ở Old Trafford nhưng hào quang từ Madrid có sức cám dỗ quá lớn.
Mùa hè 2009, sau một năm ở lại cống hiến “nốt” cho M.U, Ronaldo chuyển sang Bernabeu để có thể cạnh tranh sòng phẳng với Leo Messi.
2. Paul Scholes (1993-2011 và 2012-2013: 718 trận, 155 bàn)
Với một người dị ứng sự nổi tiếng như Scholes, M.U có lẽ là một bến đỗ không thích hợp. Bởi vì khi càng thu mình khiêm tốn, tài năng trên sân cỏ càng khiến Scholes nhận được sự kính trọng lớn lao từ giới chuyên môn và người hâm mộ. Nếu phải tập hợp những lời khen của các ngôi sao trên thế giới nói về Scholes thì người ta có thể in thành sách.
Sẽ là thừa thãi nếu tiếp tục nói về tài năng của Scholes trên sân cỏ. Chỉ cần nhìn cái cách Sir Alex phải lục đục mời lại một lão tướng đã giải nghệ hơn 1 năm quay lại thi đấu, sau đó tỏa sáng và giành chức vô địch vào cuối mùa là đủ để hiểu tầm vóc của Scholes lớn lao như thế nào. Hơn 700 trận đấu, 155 bàn thắng cùng trên 20 danh hiệu lớn, những thông số chẳng làm Scholes mảy may bận tâm vì chỉ cần được chơi bóng đã là điều hạnh phúc với cầu thủ sinh ra ở Salford này.
1. Ryan Giggs (1990-2014: 963 trận, 168 bàn)
Sẽ có rất nhiều ý kiến trái chiều nếu chọn ra học trò xuất sắc nhất của Sir Alex. Nhưng nếu để chính chiến lược gia huyền thoại này lựa chọn, chắc hẳn ông sẽ chỉ đích danh Ryan Giggs. Nói đến M.U của Sir Alex là nói đến Giggs. Thời gian thi đấu chuyên nghiệp của danh thủ Xứ Wales này trùng khớp với triều đại thành công kéo dài hơn hai thập kỷ của Quỷ đỏ. Ngay cả đến khi Sir Alex đã nghỉ hưu, Giggs vẫn còn duy trì được một năm thi đấu trước khi chính thức chia tay nghiệp cầu thủ.
Sẽ có nhiều người nói “sống lâu lên lão làng” nhưng chất lượng bóng đá mà Giggs cung cấp cho đến ngày cuối cùng chạy trên sân cỏ vẫn là thứ chuẩn mực. Từ một ánh chớp kinh hoàng bên hành lang trái, Giggs chuyển dần vai trò vào trung lộ theo thời gian nhưng vẫn thích nghi được với lối chơi chung của tập thể. Điều đó khẳng định tư duy vượt trội bất chấp hạn chế về thể chất của Giggs.
Điều này là nguyên nhân chính khiến Sir Alex nhắm Giggs như sự kế vị trong tương lai. Dưới thời David Moyes cũng như Van Gaal, tư duy bóng đá và kinh nghiệm của Giggs về M.U đã giúp ích nhiều cho các HLV. Với việc đang học tập miệt mài các kinh nghiệm huấn luyện từ Van Gaal, cái ngày mà Giggs chính thức ngồi vào ghế nóng tại Old Trafford chắc sẽ không còn xa.
VIDEO: 10 học trò xuất sắc nhất tại M.U của Sir Alex: Ronaldo lọt top 3
NỘI DUNG SẼ XUẤT HIỆN TẠI ĐÂY Độ cao sẽ thay đổi tùy theo nội dung đã xuất bản |