NGUỒN CẦU THỦ VÔ TẬN
Cách đây 5 năm (tức năm 2009), khi bản báo cáo của tờ Placar (Brazil) cho biết, có 1.021 cầu thủ Brazil rời quê nhà ra nước ngoài thi đấu, LĐBĐ Brazil (CBF) đã nhóm họp khẩn cấp với nội dung: “làm thế nào khắc phục tình trạng chảy máu cầu thủ”. Một trong những kiến nghị được đưa ra là tăng cường chất lượng bóng đá trong nước, nhưng thực tế thì chất lương giải VĐQG Brazil ngày càng xuống cấp, các SVĐ vắng khán giả bất chấp tổng doanh thu mỗi năm vào khoảng 200 triệu bảng. Mới đây, đích thân Tổng thống Brazil, bà Dilma Roussell đã lên tiếng kêu gọi Bộ Thể thao và CBF cần ngăn chặn sự bất ổn của bóng đá quốc nội.
Bất chấp những khó khăn, nguồn cầu thủ Brazil vẫn là số 1 theo đánh giá của TTCN quốc tế. Uy tín, phẩm chất kỹ thuật và truyền thống lâu đời cũng như sự dồi dào về tài năng đã khiến các cầu thủ Brazil vẫn được ưa chuộng khắp thế giới, từ các quốc gia có sự thuận lợi về ngôn ngữ (như BĐN, hay những năm trước là TBN) cho đến những quốc gia nhỏ (như các quốc gia khu vực Đông Nam Á) hoặc không thuận lợi về thời tiết (như các nước Bắc Âu).
BẤT ỔN VÀ NHỮNG NỖI LO
Theo điều tra của FIFA, trong năm 2013, có hơn 1.550 cầu thủ Brazil ra nước ngoài thi đấu, chiếm 13% trên tổng số các vụ chuyển nhượng quốc tế (12.309 vụ). Brazil ngày càng xuất khẩu cầu thủ nhiều hơn qua mỗi năm, nhưng chất lượng không đi kèm với số lượng. Bằng chứng là số cầu thủ Brazil hồi hương đạt con số kỷ lục trong năm 2013: 672 người. Có hai luồng ý kiến xung quanh vấn đề này. Một là, các CLB Brazil có nguồn tài chính dồi dào hơn trước nên mới chiêu mộ cầu thủ bản địa hồi hương. Hai là, vì xuất khẩu ồ ạt nên chất lượng kém, vì thế số lượng hàng kém chất lượng bị trả về quê nhà cao kỷ lục.
Theo chuyên gia bóng đá uy tín của Brazil, ông Johan Kfouri, thì ý thứ hai thuyết phục hơn, bởi chất lượng của giải VĐQG Brazil đang ngày một giảm chứ không tăng. Chính vì thế mà khán giả không còn đến sân đông (còn có một nguyên nhân khác cũng ảnh hưởng là khó khăn của nền kinh tế Brazil kéo theo sự nghèo khó gia tăng). Thất bại nặng nề của Brazil ở World Cup 2014 vừa qua càng là đòn giáng nặng vào bóng đá nước này.
HÀNG DẠT
Trái với trước đây, hiện tại các CLB ngoại quốc không còn quá mặn mà với các cầu thủ trẻ của Brazil. Bằng chứng là chỉ có 8% các vụ chuyển nhượng cầu thủ Brazil ra nước ngoài liên quan đến cầu thủ dưới 21 tuổi (5 năm trước, tỷ lệ này là 42%). Những cầu thủ xứ samba khi đã qua 21 tuổi thì mức độ phát triển tài năng sẽ kém hơn khoảng 32% so với dưới độ tuổi 21, theo nhận định của cựu danh thủ Branco (từng làm HLV cho đội trẻ của Fluminese và các đội tuyển trẻ của Brazil). Nhiều trường hợp ngôi sao Brazil khi hồi hương không còn tỏa sáng được nữa như Adriano, Robinho… cho thấy giải VĐQG Brazil hiện tại đang đối phó với vấn nạn về chất lượng (cầu thủ trẻ, cầu thủ kém chất lượng, hết thời) và bản sắc (cầu thủ ngoại ngày một nhiều, nhưng người giỏi rất ít).
NHỮNG NỖI LO
Argentina (năm 2013 xuất khẩu 695 cầu thủ, kém 91 người so với năm 2012) đang là thị trường cầu thủ được yêu thích, nhất là sau thành công của ĐTQG nước này ở World Cup 2014. Hai giải VĐQG hàng đầu thế giới là Premier League và đặc biệt là La Liga của TBN không chuộng cầu thủ Brazil như trước (nếu so với cầu thủ Đức, TBN hay Pháp) cũng là vấn đề CBF đang quan tâm đặc biệt, vì ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng Selecao.
CON SỐ
672 Có 672 cầu thủ Brazil trở về quê hương thi đấu trong năm 2013, cao nhất trong số các nước xuất khẩu cầu thủ hàng đầu thế giới.
1.558 Số cầu thủ Brazil liên quan đến các cuộc chuyển nhượng quốc tế trong năm 2013 là 1.558 người, tăng 50% so với 5 năm trước.
5 NGÔI SAO ĐANG CHỜ “XUẤT KHẨU”
Hậu vệ Dede (26 tuổi, CLB Cruzeiro)
Một số người nhận định Dede còn tài năng hơn cả Thiago Silva. Tuyển trạch viên của Milan phụ trách khu vực Brazil - cựu danh thủ Serginho - thừa nhận là anh đang theo rất sát Dede, nhưng đến lúc này vẫn chưa thấy động tĩnh gì từ Milan. Dede từng có 9 lần khoác áo đội tuyển Brazil, ghi 1 bàn. Giá chuyển nhượng của anh vào khoảng 20 triệu euro.
Tiền đạo Damiao (25 tuổi, Santos)
Đến khi 18 tuổi, Damiao Leandro thậm chí còn dang chơi ở hạng nghiệp dư. Nét nổi bật của tiền đạo này là sự cần cù vươn lên để khỏa lấp những hạn chế của bản thân. Damiao từng góp công lớn trong việc giúp Internacional vô địch Copa Libertadores. Anh đã có 17 lần khoác áo ĐT Brazil và ghi 3 bàn. Đích nhắm tiếp theo của Damiao là sang châu Âu thi đấu cho một CLB hàng đầu.
Tiền vệ Paulo Ganso (24 tuổi, Sao Paulo)
Từng được xem sẽ là người sẽ tạo nên bộ 3 xuất sắc của đội tuyển Brazil bên cạnh Neymar và Oscar, nhưng sự phát triển của Paulo Henrique Ganso đã khựng lại và cho đến giờ anh vẫn chưa kiếm được hợp đồng sang châu Âu. Nhưng các tuyển trạch viên từ lục địa già vẫn đang theo dõi sát sao sự tiến bộ của tiền vệ từng có 8 lần khoác áo ĐT Brazil này.
Tiền đạo Alexander Pato (24 tuổi, Corinthians)
Alexandre Pato không phải là cái tên xa lạ gì với bóng đá châu Âu. Anh đã từng “xuất khẩu” sang AC Milan từ khi mới 18 tuổi và đã có những khởi đầu vô cùng hứa hẹn. Nhưng chấn thương và những vấn đề ngoài sân cỏ đã khiến Pato dần sa sút và anh buộc phải trở về Brazil để cứu sự nghiệp. Ở tuổi 24, Pato vẫn còn thời gian để lấy lại phong độ và một lần nữa thử thời vận tại trời Âu.
Tiền đạo Alan Kardec (24 tuổi, Sao Paulo)
Kardec từng sang châu Âu ở tuổi đôi mươi khi anh ký hợp đồng với Benfica từ Vasco da Gama với giá 2,5 triệu euro. Kardec từng ghi bàn giúp Benfica thắng Marseille tại Europa League từ một góc cực hẹp. Nhưng những khởi đầu ấn tượng ấy không giúp Kardec chiếm được vị trí chính thức trong đội hình Benfica. Sau khi được mang cho các CLB Santos và Palmeiras mượn, Benfica đã để anh về hẳn Brazil để đầu quân cho Sao Paulo.