Bunmathan đặt lợi ích CLB lên trên ĐTQG
Siam Sports xác nhận Theerathon Bunmathan, đội trưởng của đội tuyển Thái Lan sẽ không hội quân với thầy trò Akira Nishino ở UAE, trong chiến dịch vòng loại thứ 2 World Cup 2022. Theo đó, Bunmathan xin vắng mặt do lần trở lại CLB Yokohama F. Marinos không đảm bảo đúng lịch trình. Do dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp ở Nhật Bản, những người nhập cảnh vào nước này phải cách ly 14 ngày. Điều đó có nghĩa, Bunmathan chắc chắn lỡ ít nhất là 3 trận đấu với Yokohama F. Marinos trong thời gian này, nếu như anh thi đấu xong vòng loại World Cup 2022 cùng Thái Lan và trở về Nhật Bản sau đó.
Bunmathan đã chơi 64 trận cho đội tuyển Thái Lan, ghi 6 bàn thắng. Anh đáng lẽ đã có bàn thứ 7 nếu như không đá hỏng phạt đền trong trận hoà 0-0 giữa Thái Lan và Việt Nam ở lượt đấu thứ 5 vòng loại World Cup 2022, diễn ra hồi tháng 11/2019. Nếu như đó là một chiến thắng, Thái Lan đã có thể cân bằng điểm số với Việt Nam khi ấy. Với tình thế mới chỉ xếp thứ 3 bảng G với 8 điểm, sau Việt Nam (11 điểm), Malaysia (9 điểm), HLV Akira Nishino rất cần những gương mặt chất lượng nhất để kéo Thái Lan vượt lên ở giai đoạn cuối, qua đó giành được tấm vé đi đến vòng loại cuối cùng World Cup 2022. Nhưng lời từ chối của Bunmathan chẳng khác nào một gáo nước lạnh dội lên tham vọng của đội tuyển Thái Lan.
Đồng ý Yokohama F. Marinos đã nâng tầm sự nghiệp của Bunmathan. Anh trở thành cái tên Đông Nam Á đầu tiên vô địch J.League (năm 2019) trong lịch sử. Theo Transfermarkt, Bunmathan đã thi đấu 73 trận, ghi 4 bàn thắng và kiến tạo 9 lần. Cầu thủ này cũng được lựa chọn vào đội hình tiêu biểu châu Á năm 2020 cùng với các siêu sao như Takumi Minamino, Son Heung-min và Sardar Azmoun. Tuy nhiên, khi anh khước từ nghĩa vụ đội tuyển quốc gia, Bunmathan quả thực khiến nhiều người hâm mộ Thái Lan không khỏi thất vọng.
Cú vả vào giấc mơ Thái Lan
Thái Lan luôn tự hào có nền bóng đá xuất khẩu cầu thủ ra nước ngoài hàng đầu Đông Nam Á. Ngay hiện tại, họ cũng có 3 cầu thủ đang chơi ở các giải chuyên nghiệp lớn trên thế giới như Bunmathan, Songkrasin (Nhật Bản), Thamsatchanan (Bỉ) và một số các gương mặt trẻ khác. Các cầu thủ Thái Lan cũng dần tự đi trên chính đôi chân của mình, khi được các CLB nước ngoài để mắt, thừa nhận và sử dụng. Trường hợp của Bunmathan là điển hình như thế. Tuy nhiên, vẫn có nhiều trường hợp, các CLB Thái Lan dựa trên các mối quan hệ để dần đưa cầu thủ của mình sang tập huấn, chơi bóng ở châu Âu hay các giải hàng đầu châu Á.
Rõ ràng, giấc mơ xuất ngoại của Thái Lan bao hàm 2 khía cạnh. Thứ nhất, họ muốn đưa tầm cỡ của cầu thủ mình lên trình độ cao hơn. Bản thân vị thế bóng đá Thái Lan cũng nhờ thế mà được đẩy lên. Bên cạnh đó, bóng đá Thái Lan cũng kỳ vọng những gương mặt ưu tú sau quá trình "du học" và khẳng định mình ở các giải đấu lớn trên thế giới có thể giúp đội tuyển Thái Lan vươn tầm châu lục và thế giới. Một trong số đó chính là giấc mơ World Cup. Và điều đầu tiên để hướng tới giấc mơ ấy chính là thi đấu tốt tại vòng loại.
Nhưng một trong số niềm tự hào xuất ngoại của Thái Lan - Bunmathan lại từ chối song hành với Thái Lan trong chiến dịch quan trọng đối với họ. Có thể, chẳng ai nói gì nếu Bunmathan không tham dự AFF Cup hay một giải đấu nhỏ của Đông Nam Á. Nhưng việc anh đặt lợi ích của CLB lên trên ĐTQG, ở một chiến tịch mà Thái Lan luôn tham vọng thì quả thực đáng thất vọng. Nên nhớ, trước khi có thể tự khẳng định giá trị thương hiệu của mình ở J.League, Bunmathan cũng nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ các CLB Thái Lan nói riêng và nền bóng đá nói chung để có được như ngày hôm nay.
LĐBĐ Thái Lan hay HLV Akira Nishino cũng đành phải chấp nhận trước từ chối của Bunmathan. Tất nhiên, dịch Covid-19 có thể là nguyên nhân khách quan để hậu vệ trái hay nhất Đông Nam Á mong chờ sự thông cảm. Nhưng đương nhiên, không phải người Thái Lan nào cũng có thể chấp nhận lý do đặt lợi ích cá nhân lên trên sự kỳ vọng của cả tập thể như trường hợp của Bunmathan.
Tham vọng xuất ngoại của Thái Lan quả thực đã nhận trái đắng lần này.