Nữ đồng nghiệp mà chúng tôi muốn nhắc đến trong câu chuyện là Phạm Thị Huyền, hiện đang công tác tại trang truyền thông Sport5.vn. Trong suốt quá trình chuẩn bị, thi đấu của Olympic Việt Nam cho chiến dịch ASIAD 18, Huyền khiến các đồng nghiệp nam trong giới phóng viên phải “mắt tròn, mắt dẹt” và ngưỡng mộ bởi sự chịu khó, xông pha của mình.
Dù là nữ giới, nhưng Huyền không ngại vất vả, luôn xuất hiện trong tất cả các sự kiện mà Olympic Việt Nam góp mặt để tác nghiệp. Vì đam mê với nghề, muốn thể hiện nên dù vẫn đang trong thời gian tập sự, chỉ được cơ quan hỗ trợ một khoản nhỏ để ăn ở, cô phóng viên trẻ này vẫn tự đặt vé để “một thân, một mình” sang Indonesia.
Nữ phóng viên Thanh Huyền tác nghiệp trong một buổi đi dạo của Olympic Việt Nam - Ảnh: Đức Cường
Sự năng nổ, không ngại khó để có thể truyền tải những thông tin nóng nhất về đội tuyển của nữ phóng viên trẻ này khiến các đồng nghiệp và cả các thành viên của Olympic Việt Nam hết sức ngưỡng mộ - Ảnh: Đức Cường
Tuy vậy, để có thể truyền tải cho độc giả tất cả những thông tin nóng nhất về Olympic Việt Nam nên cô gái này lúc nào cũng là người đến sớm, về muộn nhất trong số hàng chục phóng viên Việt Nam đang tác nghiệp tại Indonesia. Từ sân tập, sân thi đấu cho đến khách sạn, ở đâu có sự xuất hiện của thầy trò Park Hang Seo là ở đấy có Huyền.
Bởi thế mà hình ảnh của một nữ phóng viên nhỏ thó, nhưng trên người thì đeo đồ đạc lỉnh kỉnh, tay cầm máy ảnh, tay thì cầm điện thoại để “live stream” gây ấn tượng mạnh không chỉ với cánh truyền thông mà để lại thiện cảm với cả các thành viên của Olympic Việt Nam. Nhưng việc mải mê tác nghiệp cũng đã khiến Huyền gặp một tai nạn “dở khóc, dở cười” trên đất Indonesia.
Số là khi thầy trò Park Hang Seo có buổi đi dạo nhằm giãn gân cốt trưa ngày 24/8, do mải mê quay hình để săn những khoảnh khắc “độc” của các tuyển thủ, nữ phóng viên trẻ này không may bị trượt chân ngã xuống một ống cống nước thải bị ướt từ đầu đến chân. Trước tình cảnh bất ngờ đấy, các thành viên của Olympic Việt Nam cùng một số đồng nghiệp của chúng tôi đã dừng hết cả lại để giúp đỡ nữ đồng nghiệp gốc Nam Định. Ngay khi thấy Huyền bị ngã, hai cầu thủ Duy Mạnh, Văn Thanh không ngần ngại đỡ phóng viên này lên, trong lúc các thành viên khác của đội thì lại gần hỏi thăm cô.
Trợ lý Lee Young Jin dành cái ôm thể hiện sự ngưỡng mộ trước tinh thần làm việc đầy trách nhiệm của Phạm Thị Huyền
Ngay sau khoảnh khắc đó, một hình ảnh xúc động đã diễn ra. Nhận thấy nữ phóng viên trẻ bẩn hết quần áo, phải lấy nước tráng người, trợ lý Lee Young Jin đã cởi chiếc áo khoác của mình đưa Huyền mặc tạm. Chứng kiến tình cảnh “éo le” của nữ phóng viên, thầy Park sau khi hỏi thăm Huyền đã chủ gọi cả đội họp “dã chiến” ngay trên đường.
Ông nói với học trò: “Các bạn có thấy khâm phục tinh thần làm việc của cô phóng viên đó không? Đấy là tinh thần không ngại khó của người Việt Nam đấy. Ngay cả khi khó khăn nhất, cô ấy vẫn theo sát chúng ta để làm việc mà không bỏ cuộc. Tôi cũng muốn các bạn thể hiện được tinh thần như thế trong trận đấu tới đây!”.
Đội trưởng Văn Quyết và Trưởng đoàn Dương Vũ Lâm thay mặt toàn đội gửi tặng Huyền món quà ý nghĩa là chiếc áo đấu có chữ ký của cả đội - Ảnh: Đức Cường
Thông qua câu chuyện của nữ phóng viên trẻ, thầy Park cũng truyền tải thông điệp ý nghĩa dành cho các học trò trước trận đấu với Syria ngày 27/8 - Ảnh: Đức Cường
Thông qua tai nạn nghề nghiệp không đáng có của nữ phóng viên trẻ, thầy Park đã phát đi thông điệp ý nghĩa với toàn đội trước trận tứ kết với Syria: “Phải thể hiện tinh thần vượt khó dù rơi vào bất kể hoàn cảnh nào”. Còn với Huyền, chiếc áo có đầy đủ chữ ký của đội tuyển, cùng tai nạn không may trong lần đầu đi tác nghiệp là kỷ niệm không thể quên trong nghề của nữ phóng viên 23 tuổi này.
“Lúc bị ngã thế em xấu hổ lắm. Chẳng nghĩ được gì cả, chỉ lo hỏng hết máy ảnh rồi thì không biết ra sao. Sau các bạn trong đội cũng ra hỏi thăm, rồi thầy Lee đưa áo để em mặc khiến em rất xúc động. Nay lại được nhận quà thế này, em không nghĩ mình lại được cả đội quan tâm thế”, cầm trên tay món quà của đội, Huyền xúc động chia sẻ.