Mỗi lần bóng đá Nhật Bản tạo ra một kỳ tích hay có một cột mốc đáng nhớ nào đó, mình lại nghĩ ngay đến bộ truyện tranh Tsubasa gắn liền với tuổi thơ. Thật sự người Nhật Bản đã làm được rất nhiều thứ thông qua truyện tranh, và Tsubasa quả thực đã tạo một cảm hứng khủng khiếp để bóng đá Nhật phát triển. Ngày Takumi Minamino đến Liverpool, không thể không biên vài dòng.
Mãi đến tận thập niên 1990, Nhật mới trình làng giải vô địch bóng đá chuyên nghiệp. Vậy mà chỉ chục năm sau họ đã cùng Hàn Quốc đăng cai thành công World Cup. Trong các đội bóng châu Á hiện nay, không một đội nào có số cầu thủ chơi bóng ở châu Âu nhiều hơn Nhật.
Tất cả những thành tựu ấy đều được truyền cảm hứng từ một nhân vật truyên tranh: cậu bé 11 tuổi Tsubasa Oozora.
Tsubasa là sản phẩm sáng tạo của họa sĩ Yōichi Takahashi. Ý tưởng tạo ra một thiếu niên mê bóng đá được hình thành trong trong những năm Takahashi ngồi trên ghế nhà trường trung học. Trong thập niên 1970, bóng đá hãy còn là một môn thể thao xa lạ tại Nhật Bản, đất nước tôn sùng sumo và đặc biệt yêu thích bóng chày. Bản thân Takahashi cũng từng nghĩ bộ manga đầu tiên trong đời mình sẽ lấy chủ đề là bóng chày cho dễ bán. Nhưng càng tìm hiểu về bóng đá, ông lại càng cảm thấy mê mẩn.
World Cup 1978 tại Argentina là giải bóng đá quốc tế đầu tiên được trực tiếp trên truyền hình Nhật Bản. Lúc này 18 tuổi, Takahashi đã hạ quyết tâm sẽ vẽ một bộ manga về bóng đá. Ông chia sẻ trên tờ AS cách đây một năm: “Tôi hoàn toàn bị mê mẩn bởi World Cup trên đất Argentina, đặc biệt là ngôi sao Mario Kempes. Vì bóng đá lúc ấy hoàn toàn xa lạ với người Nhật, tôi muốn làm cho nó trở nên phổ biến hơn thông qua bộ truyện tranh của mình”.
Phải mất đến ba năm, Takahashi mới thuyết phục được một nhà xuất bản in Tsubasa. Và đấy cũng là đứa con tinh thần đầu tiên của ông. Những năm đầu tiên sau khi Tsubasa mới ra đời, Takahashi mất rất nhiều thời gian để giải thích cho mọi người World Cup có nghĩa là gì, vì sao cái sân bóng nó… dài như bất tận vậy. Chạy từ bên này sang bên kia thôi có khi mất những mấy chục khung tranh.
Có một điều chính tác giả cũng không ngờ: bóng đá như nham thạch trong lòng núi lửa, chỉ đợi đúng thời cơ là phun trào. Trong hai thập niên 1980, 1990, bóng đá Nhật Bản chứng kiến một cuộc đại nhảy vọt. Và tất nhiên, Tsubasa cũng chính thức trở thành một hiện tượng xuất bản.
Bốn thập kỷ kể từ khi lên kệ vào năm 1991, Tsubasa đã trở thành bất tử với tổng cộng 15 bộ manga khác nhau, kể cả hậu truyện, ăn theo; sáu bộ anime (hoạt hình kiểu Nhật), bốn phim người đóng, 14 trò chơi điện tử và cơ man không kể hết những trò chơi, quần áo, vật dụng ăn theo. Từ chỗ bị nghi ngờ, Tsubasa trở thành một trong những nhân vật được yêu quý nhất trong lịch sử manga và anime Nhật Bản.
Ngay trong chương đầu tiên của bộ tiểu thuyết, một câu hỏi được nhân vật bình luận viên đặt ra: “Bao giờ thì Nhật Bản sẽ góp mặt tại World Cup?”. Và cậu bé Tsubasa đã nói: “Một ngày nào đó, mình nhất định sẽ biến giấc mơ ấy thành hiện thực”.
Và quả thực, Tsubasa đã mang Nhật Bản đến sân chơi bóng đá lớn nhất hành tinh, trực tiếp trong truyện và gián tiếp ngoài đời. Năm 2011, Takahashi đến trả lời phỏng vấn cho Nippon. Đài truyền hình này hỏi ông về việc bộ manga đã “tạo ra một cú hích vĩ đại lên bóng đá Nhật Bản, đẩy nhanh tốc độ phát triển môn thể thao này”. Rất khiêm tốn, cha đẻ của Tsubasa từ chối vinh dự to lớn ấy. Ông nói: “Tôi không nghĩ bộ truyện Thủ quân Tsubasa lại có sức ảnh hưởng lớn đến dường ấy. Người Nhật chúng ta yêu bóng đá chủ yếu vì bóng đá quả thực đáng yêu mà thôi. Nhưng tôi cũng rất mừng vì mọi người nói thế, thực lòng tôi cảm thấy vui với cái ý nghĩ mình đã góp được một phần công sức cho sự vươn lên của bóng đá Nhật Bản”.
Thế nhưng dù có khiêm tốn đến mấy, Takahashi cũng không thể phủ nhận sức tác động ghê gớm của bộ sách đến những người cậu bé. Đã có rất nhiều cầu thủ chỉ thực sự mơ ước trở thành cầu thủ sau khi đọc Tsubasa. Hidetoshi Nakata, huyền thoại lớn của bóng đá Nhật, chính là một trong những cậu bé như thế.
Nakata trả lời phỏng vấn FIFA: “Ở Nhật Bản, bóng chày là môn thể thao Vua cách đây 20 hay 30 năm. Bóng đá lúc ấy chỉ mới chập chững những bước đầu tiên. Tôi không có bất kỳ một anh hùng hay một đội bóng trong mơ nào. Nhưng rồi tôi tìm thấy một nhân vật truyện tranh, Thủ quân Tsubasa, và tôi bắt đầu đọc. Rồi tôi thực sự yêu bóng đá. Lúc đầu tôi còn phân vân giữa bóng chày và bóng đá, nhưng sau đó tôi đã chọn bóng đá”.
Khi thế giới tiến vào thiên niên kỷ mới, từ giã thập niên 1990 để bước vào thập niên 2000, bóng đá chính thức bùng nổ tại Nhật Bản. Bọn trẻ đã bắt đầu bỏ gậy bóng chày để chạy theo quả bóng đá. Sân bóng mọc lên như nấm khắp nước Nhật. Bóng đá đi vào trường học, biến Nhật Bản thành quốc gia có nền bóng đá học đường thuộc hàng quy mô nhất thế giới. Cùng lúc với cuộc phiêu lưu của Tsubasa trên trang sách, ngoài đời cũng có một cầu thủ Nhật Bản theo đuổi giấc mơ của mình là Kazuyoshi Miura. Từ Brazil sang Ý, từ Croatia rồi trở lại Nhật Bản, giới trẻ trong nước đã có một người hùng đích thực ngoài đời để theo đuổi.
Khi Nakata bắt đầu cuộc phiêu lưu của chính mình tại Perugia (Italia) năm 1998, anh chính thức trở thành biểu tượng mới của bóng đá Nhật. Trong nước, Tsubasa vẫn được tái bản đều đều. Lũ trẻ tập sút quả sút cầu vồng của Tsubasa, quả sút “dao cạo” của Soda hay cú sút hết lực vẫn được dịch là “cọp tát” của Kojiro. Và đã đọc truyện Tsubasa rồi, mỗi cầu thủ nhí đều ôm ấp trong mình hy vọng được sang châu Âu chơi bóng. Đấy là cái suy nghĩ… đi trước thời đại của Takahashi.
Trong bộ manga, Tsubasa khởi đầu từ đôi bóng quê nhà Nankatsu. Sau đó anh mang băng thủ quân của đội thanh niên Nhật Bản so tài với các anh tài thế giới. Rồi từ Nhật Bản, anh sang Brazil chơi bóng, giành chức vô địch toàn bang Brazil với CLB São Paulo. Sau đó anh lập cú hattrick trong trận El Clasico khi khoác áo Barcelona. Cuối cùng, anh mang Nhật Bản đến chức vô địch World Cup lịch sử. Theo chân Tsubasa, rất nhiều người Nhật (và cả… Việt Nam ta) bắt đầu biết đến những CLB nổi tiếng trên thế giới như Juventus, Reggiana hay Hamburg SV.
Rồi từ trong nước, bộ manga Tsubasa tiến ra quốc tế và tiếp tục có những thành công rực rỡ. Nó tiếp tục nuôi dưỡng ước mơ trở thành cầu thủ của biết bao thiếu niên. Một trong số đó sau này sẽ trở thành cầu thủ hay nhất thế giới: Lionel Messi.
Khi đến Nhật Bản dự World Cup các CLB cùng Chelsea, Fernando Torres cũng thừa nhận anh là fan của Tsubasa. Anh nói: “Khi còn nhỏ, chúng tôi không thường xuyên được xem TV, nhưng ở trường, đám nhóc bàn tán rất sôi nổi về một nhân vật truyện tranh của Nhật Bản (ở bên ngoài châu Á, Tsubasa được đổi tên thành Oliver y Benji). Tôi đã nuôi dưỡng ước mơ làm cầu thủ chính là vì muốn được như nhân vật Oliver”.
Alexis Sanchez cũng lớn lên cùng ước mơ được như Tsubasa. Nicolas Olea, người viết tự truyện cho Alexis, tiết lộ hồi năm ngoái: “Khi Alexis đến Barcelona, anh ta đã mang theo cả bộ sưu tập truyện tranh. Anh ta cũng xem sự nghiệp của mình chính là phản chiếu sự nghiệp của cậu bé trong truyện tranh. Nói cách khác, Alexis cũng xem chính mình là một nhân vật truyện tranh”.
Cứ lâu lâu, thế giới lại phát hiện thêm những cầu thủ nổi tiếng là fan của Tsubasa. Alessando del Piero và Andres Iniesta, hai nhà vô địch thế giới, là những ví dụ. Khi kết thúc sự nghiệp với Barcelona, Iniesta đã chọn Nhật Bản thay vì Trung Quốc làm điểm đến tiếp theo của sự nghiệp, chính là bởi vì bộ truyện tranh này. Và Iniesta cũng từng khẳng định: anh muốn tiếp tục được gặp gỡ và trò chuyện với Takahashi.
Zinedine Zidane Thierry Henry, và Gennaro Gattuso là những cái tên khác lớn lên cùng với Tsubasa, mang trong mình khát vọng được vô địch World Cup như người hùng truyện tranh. Ngày nay, ở ngôi làng Katsushika nơi Yōichi Takahashi lớn lên, người ta đã tạc một bức tượng đồng Tsubasa đang dốc bóng. Đây là một sự ghi nhận xứng đáng cho một nhân vật hư cấu nhưng lại mang đến những giấc mơ rất thật, không chỉ riêng ở Nhật Bản mà trên toàn thế giới.
Khi Minamino chuẩn bị viết nên câu chuyện của riêng mình cho bóng đá Nhật, ta có thể tin hành trình ấy đã không thể thành hình, trước khi Takahashi phác thảo những nét đầu tiên về Tsubasa.