Trong cuộc trả lời phỏng vấn hồi tháng Hai năm ngoái, tiền đạo Antoine Griezmann (lúc đó còn đá cho Atletico chứ chưa sang Barca) khi được đề nghị kể tên đối thủ khó chịu nhất đã thẳng thắn thừa nhận: "Đó là Frenkie de Jong. Khi so tài với cậu ta, tôi luôn cố gắng áp sát để gây áp lực nhưng chẳng bao giờ thành công cả".
Griezmann quả đã không quá lời khi nhận xét như thế về người đồng đội của anh ở Barca hiện giờ. Trước khi chuyển tới Barca, cầu thủ 23 tuổi người Hà Lan này đã "tàn phá" tuyến giữa của cả Real Madrid, Juventus và Tottenham, giúp Ajax chỉ thiếu một chút nữa là đã lọt vào đến trận chung kết Champions League 2018/19.
Ở cấp độ ĐTQG, De Jong cũng làm được điều tương tự trước các ĐT Đức, Pháp và Anh, giúp ĐT Hà Lan giành ngôi á quân UEFA Nations League. Nhờ những màn trình diễn ấn tượng như vậy, anh đã kiếm được tấm vé thông hành sang Barca với mức phí chuyển nhượng lên tới 75 triệu euro.
Trong trận Barca mới đánh bại Napoli 3-1 để giành vé tham dự vòng tứ kết Champions League 2019/20 (lượt đi 2 đội hòa nhau 1-1 trên đất Italia), De Jong đã chứng tỏ anh xứng đáng tới từng xu mà gã khổng lồ xứ Catalan bỏ ra. Đây là trận đấu mà tiền vệ mang áo số 21 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phòng ngự, hỗ trợ tấn công và giữ nhịp trên sân.
Điểm chung trong những trận đấu đỉnh cao có sự tham gia của De Jong nói trên là các đối thủ dù có cố gắng thế nào cũng không thể tiếp cận được anh. Thậm chí ngay cả một cầu thủ lão luyện từng giành danh hiệu Quả bóng vàng 2018 như Luka Modric, cũng ngã "sấp mặt" trong một lần định đoạt bóng từ chân của De Jong.
Theo ngôn ngữ của người Anh, De Jong chơi bóng cứ như thể "có đôi cánh làm bằng gương" giúp anh dễ dàng "chiếu hậu" để phát hiện ra ai đang định áp sát mình từ phía sau. Từ lâu, đây đã là cách nói dùng để mô tả những cầu thủ rất giỏi trong việc quan sát và đánh giá tình hình trên sân.
Trước De Jong, những tiền vệ như Xavi, Zinedine Zidane hay Frank Lampard cũng nhạy bén tới mức nhiều người vẫn ví von họ "có mắt ở sau gáy". Câu hỏi đặt ra ở đây là họ làm điều đó như thế nào? Câu trả lời rất đơn giản và ngắn gọn, đó là khả năng "rà soát" sân. Tuy đây không phải là khải niệm hoàn toàn mới, nhưng gần đây mới nhận được nhiều sự quan tâm bởi De Jong đã thực sự nâng khái niệm này lên tầm nghệ thuật.
Chứng kiến De Jong thi đấu quá hiệu quả mà không cần phải tiêu tốn nhiều sức, không ít CLB và LĐBĐ các nước đã cố gắng tìm ra giải pháp để làm sao tạo ra được lực lượng cầu thủ có khả năng bao quát sân hùng hậu nhất.
Một trong những chuyên gia rất quan tâm đến vấn đề trên là Geir Jordet, giáo sư giảng dạy tại trường Khoa học thể thao Na Uy. Ông Jordet đã dành tới hơn 2 thập kỷ chỉ để nghiên cứu những cầu thủ giỏi bao quát sân nhất để xem bí quyết của họ là gì.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn trên tờ Telegraph, giáo sư Jordet chia sẻ: "Công trình nghiên cứu do tôi cùng các cộng sự thực hiện đã được hoàn thành và cho ra kết quả khá thú vị. Tôi rất quan tâm đến chuyện cầu thủ có thể chạy nhanh ra sao, nhảy cao đến mức nào và nhiều chi tiết phức tạp khác".
"Qua những dữ liệu thu thập được, tôi phát hiện ra việc bao quát sân tốt rất hữu ích với các cầu thủ trong việc đưa ra quyết định. Cùng với đó, chúng tôi cũng biết ai là những cầu thủ thích quan sát, ai chỉ quan tâm đến quả bóng ở trong chân. Nói chung, việc tổng hợp dữ liệu về chuyện này không có gì phức tạp cả".
Nói một cách đơn giản, "quét sân" là hành động nhìn ra xa theo nhiều hướng, bao gồm cả 2 bên vai và phía sau mình. Những ai thường xuyên làm được điều đó sẽ hiểu rõ mình đang ở tình huống cụ thể như thế nào, qua đó có cách xử lý bóng sao cho hợp lý nhất. Đây chính là lý do tại sao có những cầu thủ khiến người xem có cảm giác họ luôn nhanh hơn một bước so với đối phương.
Với tư cách là thành viên của bộ phận phát triển bóng đá toàn cầu trực thuộc FIFA, cựu HLV CLB Arsenal là Arsene Wenger mới đây thừa nhận: "Nhiều học trò của tôi rất có tiềm năng, nhưng cuối cùng họ không đi xa được chỉ vì tư duy chơi bóng hạn chế".
"Những cầu thủ này để cho trái bóng soán hết cả tâm chí và không để ý tới những thứ khác ở xung quanh họ. Ngược lại, những ngôi sao thì lại chơi bóng kiểu khác. Có cảm giác, đầu của họ giống như chiếc radar quét được mọi tín hiệu nhỏ nhất quanh mình".
Theo nghiên cứu của giáo sư Jordet, thông thường các cầu thủ giỏi quan sát như De Jong hay Haaland bật chế độ "quét sân" 10 giây trước khi nhận bóng. Trong 10 giây này, họ kịp quay đầu đi các hướng trung bình từ 5 đến 6 lần. Riêng ở 2 đấu trường Premier League và Champions League, tần suất quay đầu của các tiền đạo chỉ khoàng 3 lần trong 10 giây.
Trước thời De Jong, Xavi và Andrea Pirlo là những chuyên gia trong việc đánh giá tình hình. Cặp tiền vệ người Anh Frank Lampard và Steven Gerrard cũng rất giỏi trong chuyện này, nhưng cá nhân giáo sư Jordet cho rằng Zidane là người xuất sắc hơn cả.
"Không ai có thể qua mặt Zidane về khả năng bao quát sân. Ông ấy thường xuyên chơi bóng bằng "cái đầu". Zidane đã giải nghệ từ lâu, nhưng tôi nghĩ thậm chí ngay cả các ngôi sao hàng đầu hiện nay cũng gặp khó khăn nếu muốn làm được như ông ấy".
"Khi thi đấu, Zidane lúc nào cũng rất chịu khó quan sát. Ông ấy làm vậy mọi lúc mọi nơi, kể cả trong lúc chuyền bóng hay chuẩn bị nhận bóng từ đồng đội. Thành thực mà nói thì tôi chưa thấy có chiếc "máy quét" nào hoạt động tích cực và hiệu quả như Zidane".
"Nghiên cứu của tôi chỉ ra rằng, Zidane "quét sân" trung bình 3 hay 4 lần trong 10 giây. Ông ấy thậm chí có thể làm vậy trong lúc trái bóng đang bay đến chỗ mình và đó thực sự là kỹ năng khó thực hiện hơn so với khi bạn chỉ tập trung đỡ trái bóng".
"Nhờ vậy nên đến khi Zidane đón bóng, ông ấy đã biết đối thủ của mình đang ở đâu, đặt chân trụ thế nào và định làm gì lúc ấy. Tất nhiên, khi nắm được toàn bộ tình hình, Zidane sẽ có sự chủ động và dễ dàng đưa ra những giải pháp hợp lý", Jordet phân tích.
Trong làng bóng đá đương đại, 2 tiền đạo giỏi quan sát nhất theo đánh giá của giáo sư Jordet là Kylian Mbappe (PSG) và Erling Haaland (Dortmund). Ông Jordet khẳng định, ngay tại World Cup 2018 (giải đấu mà ĐT Pháp lên ngôi vô địch), khả năng quan sát của Mbappe đã cao tới mức "không thể đong đếm".
Về phần mình, Haaland không phải là có duyên ghi bàn trời phú. Anh hơn các đồng nghiệp đơn giản chỉ nhờ giỏi quan sát để di chuyển đến vị trí mình cho là thuận lợi nhất và chớp lấy cơ hội mà thôi. Tóm lại, không phải vô cớ mà Mbappe và Haaland lại đang được đánh giá là những người đủ sức kế nhiệm 2 siêu tiền đạo Lionel Messi và Cristiano Ronaldo.
Trở lại với De Jong, tiền vệ của Barca được giáo sư Jordet dự đoán sẽ còn tiến xa nhờ tư duy chơi bóng hơn người: "De Jong xuất sắc ở chỗ cậu ấy rất biết cách thu thập thông tin từ đối phương, bất kể khi ấy có bóng trong chân hay không. Cậu ấy sử dụng thông tin thu thập được để đoán đối phương di chuyển theo hướng nào và đẩy bóng theo chiều ngược lại".
"De Jong cũng sử dụng thông tin để đưa ra quyết định tắc bóng khi đối thủ của cậu ấy chuẩn bị nhận đường chuyền. Trong tương lai, tôi sẽ nghiên cứu sâu hơn về đề tài: "Cầu thủ thu thập được bao nhiêu thông tin khi đối phương có bóng?", giáo sư Jordet kết luận.
Với việc ngày nay các trận đấu ngày càng diễn ra với tốc độ và kỹ thuật cao hơn, nhưng mẫu cầu thủ giỏi quan sát như De Jong, Mbappe và Haaland đang có môi trường rất thuận lợi để phát huy hết điểm mạnh của mình. Bất kể ai nắm được bí kíp của họ đều có cơ hội gặt hái được thành công, trong khi phần còn lại đương nhiên sẽ là những người tụt hậu.
XEM THÊM
Messi lập siêu phẩm solo, Barca hẹn Bayern ở tứ kết
Pep phải cảm ơn... Messi nếu Man City vô địch Champions League