Tóm lại, Boban là một trong những ngôi sao rực rỡ của bóng đá châu Âu hồi thập niên 1990. Nhưng ở đây, chúng ta sẽ nói về Boban với một vai trò đặc biệt hơn: anh chính là một trong những tác nhân kích hoạt cả một cuộc chiến, từ đó nảy sinh ra nền bóng đá Croatia tuyệt vời.
CUỘC ĐỤNG ĐỘ NGAY GIỮA LÒ LỬA CHIẾN TRANH
Ngày 13/5/1990, Dinamo Zagreb gặp Red Star Belgrade tại SVĐ Maksimir của thành phố Zagreb. Chỉ nói chuyện bóng đá thuần túy, đấy đã là cuộc đụng độ thượng đỉnh, trong cái nền bóng đá Nam Tư nổi tiếng mà báo chí phương Tây từng ca ngợi là "Brazil châu Âu", "chiếc nôi của bóng đá kỹ thuật", hoặc "vựa cầu thủ số 1 châu Âu".
Đấy là 2 đội mạnh thường xuyên tranh chấp danh hiệu vô địch Nam Tư. Đấy cũng là hai đội có lực lượng CĐV hùng hậu nhất, thậm chí dữ dằn nhất ở nước này. Điều đáng nói là: khi Dinamo Zagreb và Red Star Belgrade chuẩn bị quyết đấu với nhau vào tháng 5/1990 thì đấy cũng là lúc mà cái lò lửa chiến tranh ở khắp Nam Tư đang chuẩn bị nổ tung. Kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ 2, chưa bao châu Âu đứng trước một bầu không khí khói lửa rõ ràng đến như vậy.
Có thể gọi các nhóm CĐV trên khán đài là những "binh đoàn", theo đúng nghĩa đen. Hàng ngàn người đem theo dao hoặc gậy gộc vào sân, trước thái độ hờ hững của cảnh sát.
Hậu thuẫn Dinamo Zagreb là lực lượng hooligan khét tiếng "Bad Blue Boys", gồm toàn những người Croatia cực đoan theo chủ nghĩa dân tộc. Franjo Tudjman là hội viên danh dự của nhóm này. Và nếu ai đó cảm thấy cái tên Tudjman "có vẻ quen quen" thì xin nói luôn: đấy chính là người cầm đầu phe Croatia trong cuộc chiến tranh Croatia, cũng là Tổng thống đầu tiên của nước Croatia độc lập.
Thế còn đối thủ của họ? Lực lượng "Delije" hậu thuẫn Red Star còn ghê gớm hơn. Đó là các CĐV được hỗ trợ về mặt "kỹ thuật" bởi các thủ lĩnh trong lực lượng bán quân sự của Zeljko Raznatovic. Cụ thể hơn, khái niệm "kỹ thuật" ở đây chính là "kỹ thuật chiến đấu cận chiến", còn Raznatovic với biệt danh Arkan là một tội phạm chiến tranh khét tiếng, cánh tay mặt của Tổng thống Nam Tư Slobodan Milosevic - đối thủ số 1 của Tudjman trong cuộc chiến Croatia (Milosevic sau này cũng bị khép vào tội phạm chiến tranh).
Chẳng bao lâu sau tiếng còi khai cuộc, trận đấu thượng đỉnh đã sớm kết thúc như một lẽ tự nhiên mà chẳng cần đến quyết định hay thủ tục nào từ phía trọng tài. Ban đầu, các nhóm "Delije" và "Bad Blue Boys" ném đá và dao về phía nhau. Rồi họ xé toạc những dãy ghế gỗ để làm hung khí, tiếp tục chiến đấu. Ai không trực tiếp "lâm trận" thì cũng tích cực cổ vũ phe mình bằng những khẩu hiệu sặc mùi chính trị "Zagreb là của Nam Tư", hoặc "Bọn Serbia hãy cút khỏi Croatia"...
Tuy rằng các CĐV Croatia đông hơn, nhưng tuyệt đại đa số lực lượng cảnh sát tại sân Zagreb lại là người Serbia. Họ thẳng tay phang dùi cui vào các CĐV người Croatia để "giữ trật tự". Còn rất nhiều chi tiết khác đáng tường thuật. Nhưng ở đây, hãy tạm kết thúc sự việc như sau: đài CNN từng xếp trận Dinamo Zagreb - Read Star Belgrade tại sân Maksimir hồi tháng 5/1990 là một trong "5 trận đấu làm thay đổi lịch sử".
Cần nói rõ hơn: lịch sử nhân loại chứ không phải lịch sử bóng đá! Không lâu sau cuộc bạo loạn ở sân Maksimir, chiến tranh thật sự bùng nổ ở Croatia. Không ít CĐV đã choảng nhau trong trận bóng đá lại thật sự cầm súng bắn vào nhau trong cuộc chiến, mà kết cục là đất nước Croatia chính thức ra đời.
NGƯỜI HÙNG BOBAN
Một trong những hình ảnh tiêu biểu nhất, đáng nhớ nhất, trong cơn hỗn loạn trên sân Maksimir là cảnh ngôi sao tiền vệ Zvonimir Boban của Dinamo Zagreb tung cú đá kung-fu vào đầu một viên cảnh sát. Tình huống khi ấy: Boban tự vệ cho mình thì ít, mà chủ yếu là anh bảo vệ một cậu bé CĐV Croatia sắp sửa hứng dùi cui.
Ngay lập tức, các CĐV "Bad Blue Boys" kéo đến hình thành vòng tròn xung quanh Boban để bảo vệ anh trước sự trả đũa của hàng chục cảnh sát khác. Vì hình ảnh này mà sau đó người dân Zagreb nghiễm nhiên nhìn nhận Boban là một "người hùng Croatia".
Khi ấy, "người hùng Boban" mới 21 tuổi, gần như chưa được biết đến bên ngoài Nam Tư. Sau này, Boban cùng đồng đội ở AC Milan vô địch Champions League năm 1994, 4 lần đăng quang ở đấu trường Serie A. Anh lại cùng đội tuyển Croatia để lại dấu ấn sâu đậm ở VCK EURO 1996 - giải đấu lớn đầu tiên mà đội tuyển Croatia góp mặt, rồi đoạt hạng 3 World Cup 1998 - cũng là lần đầu tiên Croatia xuất hiện ở đấu trường World Cup.
Hồi Silvio Berlusconi chuẩn bị tranh cử Thủ tướng Italia, ông tự "làm hàng" bằng cách bình luận về lối chơi của CLB Milan (mà ông sở hữu): "Cứ phải chơi thiên về công, có nhiều ngôi sao tấn công trong đội hình, thì bóng đá mới hấp dẫn. Tôi đã yêu cầu ban huấn luyện Milan xếp một hàng công gồm Boban đứng sau cặp tiền đạo Oliver Bierhoff - George Weah". Thế là Berlusconi đắc cử, với tỷ lệ phiếu vượt trội!
Tóm lại, có rất nhiều điều đáng nói về giá trị chuyên môn của Boban. Nhưng ở đây, cần nhấn mạnh: anh được xem là "người hùng Croatia" trước tiên vì một chi tiết bên ngoài chuyên môn, vì một câu chuyện xảy ra khi bản thân anh mới 21 tuổi.
Boban ở đâu, làm gì sau khi tung cú song phi trong trận Dinamo Zagreb - Red Star Belgrade? Anh trốn biệt, lặng lẽ đào tẩu ra nước ngoài. Ở Nam Tư, Boban bị chính quyền của Tổng thống người Serbia Slobodan Milosevic kết án và truy nã. Anh cũng bị LĐBĐ Nam Tư treo giò vĩnh viễn (ngôi sao Boban không hề xuất hiện trong đội tuyển Nam Tư tại World Cup 1990 là vì vậy).
Thật ra, mọi người chỉ "tưởng" viên cảnh sát bị Boban đá là người Serbia. Về sau mới biết, đấy thật ra là một người Hồi giáo Bosnia. Viên cảnh sát này tuyên bố tha thứ cho cú đá của Boban và không hề kiện anh trong bất cứ lĩnh vực gì. Nhưng chính quyền và LĐBĐ Nam Tư vẫn không thay đổi các hình phạt.
Boban là vậy. Mở rộng đề tài, bóng đá Croatia cũng là như vậy. Nền bóng đá nổi tiếng về kỹ thuật này không ngừng sản sinh tài năng, qua bao thế hệ. Nhưng vì sao đội tuyển Croatia chỉ đặc biệt thành công tại EURO 1996 và World Cup 1998 - những giải đấu đáng lẽ là đầy khó khăn đối với tình trạng chỉ vừa mới "ra riêng" của Croatia?
Nguyên nhân rõ ràng: vũ khí quan trọng nhất của đội tuyển Croatia hồi giữa thập niên 1990 thật ra không nằm ở kỹ thuật điêu luyện của những Boban, Suker, Prosinecki, Boksic, Bilic... mà nằm ở tinh thần chiến đấu của họ. Nói đúng hơn, tinh thần thi đấu ấy cũng chỉ là hệ quả từ tinh thần dân tộc, từ lòng yêu nước của họ. Boban và đồng đội thi đấu trước tiên là để "thế giới biết đến Croatia".
(Còn tiếp)