- Phóng viên: Ông từng khẳng định dự án Super League không chết yểu. Nhưng nó sẽ tiếp tục như thế nào?
- Florentino Perez: Công ty vẫn tồn tại và các đối tác của Super League cũng vậy. Giờ chúng tôi cần vài tuần để phân tích tình hình trước khi ra quyết định.
- Ông có hối tiếc khi kích hoạt dự án này không?
- Không, vì tôi nghĩ phản ứng mà chúng tôi nhận được vẫn vậy. Từ tháng 1, chủ tịch UEFA từng cảnh báo về Super League. Chúng tôi muốn thảo luận với UEFA, nhưng họ không muốn nói chuyện. Họ còn tạo ra cả một chiến dịch bóp méo và định hướng dư luận. Nếu cần, chúng tôi sẽ ra tòa. Khi ấy, UEFA, FIFA, BTC các giải VĐQG và các LĐBĐ sẽ không được hành động hay tuyên bố chống lại Super League. Nó cũng sẽ chấm dứt sự độc tôn của UEFA.
- Những lời chỉ trích nhắm vào Super League chủ yếu là vì dự án này chống lại các giải VĐQG. Ông nói gì về điều này?
- Đó là điều bịa đặt. Super League là giải pháp tốt nhất để đưa bóng đá ra khỏi khủng hoảng. Bóng đá đã bị tổn hại nặng nề vì suy giảm kinh tế. Super League không chống lại các giải VĐQG, mà chỉ tìm thêm nguồn thu cho bóng đá và nó có lợi cho tất cả. Chúng ta cần sớm hành động vì giới trẻ đang từ bỏ bóng đá. Và một nửa trong số 4 tỷ CĐV bóng đá trên toàn thế giới là fan của các CLB Super League.
- Ông nói như thể bóng đá đang chết?
- Hãy nhìn vào số liệu: theo báo cáo của hãng tư vấn KPMG thì 12 CLB thuộc Super League đã thâm hụt 650 triệu euro chỉ trong 3 tháng cuối mùa trước vì dịch bệnh. Còn mùa này, số thâm hụt là từ 2 tỷ đến 2,5 tỷ euro. Nếu không sớm hành động sớm, nhiều CLB sẽ phá sản.
- Ý tưởng của Super League là tạo ra nhiều trận đấu lớn với mức độ cạnh tranh cao hơn?
- Dĩ nhiên. Điều cốt yếu là lấy lại sự quan tâm của các CĐV, khi sẽ có nhiều trận đấu hơn giữa Messi và Ronaldo chẳng hạn. Và những trận El Clasico thì vẫn luôn thu hút sự chú ý của cả thế giới.
- Vì sao Bayern và PSG không tham gia vào Super League?
- Vì những lý do khác nhau. Bayern đang trong quá trình chuyển đổi ở thượng tầng còn với PSG, vì chúng tôi thông báo với họ khá trễ. Nhưng cả hai CLB trên đều đã được mời.
- Theo nhiều nguồn tin, 12 CLB dự Super League đã ký một thỏa thuận ràng buộc, theo đó họ phải nộp 100 triệu euro tiền phạt nếu từ bỏ dự án trước năm 2025?
- Tôi sẽ không giải thích về thỏa thuận ràng buộc ấy. Nhưng các CLB không thể rút lui. Một vài CLB nói họ rút lui vì sức ép quá lớn. Nhưng dự án này sẽ tiếp tục.
- Vậy còn thông tin JP Morgan, ngân hàng đứng sau dự án, cũng sẽ rút lui?
- Đó là thông tin không chính xác. Có thể sẽ có sự thay đổi, nhưng Super League là lựa chọn tốt nhất và nó cần được thúc đẩy.
- Giải pháp cho tương lai của bóng đá là tìm thêm nguồn thu? Ông có nghĩ đến việc điều chỉnh chi tiêu hay áp mức lương trần? Vài năm tới người ta có thể phải mất cả tỷ euro để chiêu mộ Mbappe, số tiền đó sẽ đến từ đâu?
- Vấn đề là sự cạnh tranh phải công bằng. Real Madrid chỉ có ba nguồn thu: tiền vé, bản quyền truyền hình và tài trợ. Vậy thì anh thử nói xem làm sao một CLB thuộc về các hội viên như Real Madrid có thể cạnh tranh với những đội bóng có đằng sau cả một quốc gia.
- Ông nghĩ sao về việc 3 trong số 4 đội dự bán kết Champions League mùa này (Man City, Chelsea và PSG) bị UEFA điều tra về vi phạm luật công bằng tài chính?
- Tôi không muốn phán xét ai cả. Nhưng tôi thực sự lo ngại vì sẽ rất khó để cạnh tranh với một CLB được cả một quốc gia hỗ trợ hay được những ông chủ giàu có bơm tiền không giới hạn. Tất cả cần minh bạch và bạn phải biết rõ doanh thu của các CLB đến từ đâu.
- Ông có ngạc nhiên vì phản ứng của chủ tịch UEFA, Ceferin không?
- Ceferin đã phản ứng rất không hay, đặc biệt là trên cương vị chủ tịch một tổ chức bảo vệ các giá trị của bóng đá. Những gì đã diễn ra thật đáng tiếc, khi có quá nhiều sự lăng mạ và đe dọa. Chúng tôi thực sự ngạc nhiên vì thái độ hung hăng ấy.
- Có đúng là chủ tịch Barca, Joan Laporta đã báo trước cho chủ tịch BTC La Liga, Javier Tebas, rồi Tebas lại báo cho Ceferin về kế hoạch Super League không?
- Thực lòng thì tôi không nghĩ vậy. Vì Laporta biết rõ Super League là giải pháp tốt nhất cho tình hình hiện tại.
- Liệu rắc rối với UEFA có được giải quyết nếu các CLB được tham gia trực tiếp vào việc đàm phán bản quyền truyền hình?
- Đó là những gì chúng tôi định làm. Đó cũng là những gì đang diễn ra trong môn bóng rổ ở giải EuroLeague. Nhưng mỗi thay đổi, dù là tích cực, luôn vấp phải sự phản đối. Nó từng xảy ra khi các giải VĐQG ra đời để thay thế cho các giải đấu vùng, hoặc khi Cúp C1 được khai sinh vào năm 1955.
- Ông cần bao nhiêu thời gian để quyết định tiếp tục hay hủy bỏ Super League, 4 năm tới trong nhiệm kỳ chủ tịch à?
- Càng sớm càng tốt. Chúng tôi không thể đợi tới 4 năm vì như báo cáo của KPMG, tất cả các CLB đều đang khủng hoảng tài chính.
- Ở Italia, bản quyền truyền hình vừa được gia hạn với giá trị giảm 300 triệu euro. Đó là một tín hiệu cảnh báo?
- Điều tương tự sẽ diễn ra ở Tây Ban Nha và cả Anh. Các hợp đồng sắp tới sẽ giảm trừ phi chúng ta lấy lại được sự quan tâm của các CĐV. Nếu không, giới trẻ sẽ tìm đến những loại hình giải trí khác và các sân vận động sẽ ngày càng trống vắng.
- Rõ ràng là đề xuất cải tổ Champions League mà UEFA dự kiến thực hiện vào năm 2024 không thuyết phục được ông?
- Không. Cả về thể thức lẫn thời gian thực hiện. Từ giờ đến năm 2024 sẽ còn nhiều CLB phá sản. Vì không phải CLB nào cũng chịu được khoản thâm hụt hàng trăm triệu euro mỗi năm.
- Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!