Luật Công bằng Tài chính là gì?
Luật Công bằng Tài chính (Financial Fair Play, gọi tắt là FFP) được thiết lập nhằm đảm bảo rằng các đội bóng quản lý tài chính của họ một cách có trách nhiệm và tránh rủi ro phá sản. Mục đích cuối cùng là bảo vệ sự tồn tại lâu dài của môn thể thao vua, bằng cách ngăn các câu lạc bộ chi tiêu nhiều hơn thu nhập của họ.
Trong khi UEFA giám sát các quy định này ở bóng đá châu Âu, Premier League có phiên bản riêng của mình gọi là Quy tắc Lợi nhuận và Bền Vững (Profit and Sustainability Rules, gọi tắt là PSR). Trong khuôn khổ bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về các quy định của Luật Công bằng Tài chính (FFP) cũng như Quy tắc Lợi nhuận và Bền vững (PSR), tại sao chúng có mặt và cách thức hoạt động của chúng
Luật Công bằng Tài chính ra đời khi nào?
UEFA giới thiệu Luật Công bằng Tài chính vào năm 2009 sau khi phát hiện ra rằng hơn một nửa trong số 655 câu lạc bộ mà họ kiểm toán đều ở trong tình trạng thua lỗ tài chính. Các quy định trong Luật được thiết kế để kiềm chế chi tiêu không kiểm soát và bảo vệ hệ sinh thái tài chính của bóng đá khỏi những tác động tiêu cực từ những câu lạc bộ mất khả năng thanh toán.
Quá trình giám sát bắt đầu vào mùa giải 2011/12, và các hình phạt đầu tiên được ban hành vào năm 2014, sau khi chu trình kiểm soát ba năm kết thúc.
Những quy định chính của FFP
- Yêu cầu Hòa vốn: Các câu lạc bộ phải đạt được sự cân bằng giữa chi tiêu với doanh thu trong ba năm được xem xét. Họ được phép thua lỗ tối đa 5 triệu euro, có thể nâng lên thành 60 triệu euro nếu phần còn lại được chủ sở hữu câu lạc bộ bù đắp.
- Định nghĩa chi phí: Gồm lương, phí chuyển nhượng và chi phí vận hành câu lạc bộ.
- Chi phí Loại trừ: Đầu tư vào cơ sở hạ tầng, cơ sở đào tạo, đào tạo trẻ và bóng đá nữ được miễn tính vào các khoản chi.
- Giới hạn Chi tiêu: Ban đầu, các câu lạc bộ có thể chi tiêu tối đa 90% doanh thu của họ vào lương, chuyển nhượng và chi phí cho người đại diện, nhưng sau ba năm sẽ dần dần giảm xuống còn 70%.
- Tài trợ từ Bên liên quan: Các hợp đồng tài trợ từ các công ty liên quan đến chủ sở hữu câu lạc bộ sẽ được so sánh với những hợp đồng tương tự trên thị trường để quy ra giá trị tương ứng.
- Thanh toán Đúng hạn: Các câu lạc bộ phải thanh toán phí chuyển nhượng và thuế đúng hạn.
- Báo cáo Tài chính: Các câu lạc bộ phải nộp báo cáo hàng năm và công khai các khoản thanh toán cho người đại diện.
Những quy định chính trong PSR
- Giới hạn Thua lỗ: Các câu lạc bộ không được thua lỗ quá 105 triệu bảng trong ba mùa giải trước thời điểm được kiểm toán. Tối đa 90 triệu bảng trong số này phải được đảm bảo bằng nguồn tài trợ an toàn từ chủ sở hữu. Nói cách khác các CLB chỉ được phép lỗ 15 triệu bảng từ "tiền bóng đá", nếu lỗ hơn thì chủ sở hữu phải bù đắp.
- Chi phí Loại trừ: Tương tự như quy định của UEFA, đầu tư vào cơ sở hạ tầng, đào tạo trẻ và bóng đá nữ được miễn tính vào chi phí.
- Thanh toán Đúng hạn: Các câu lạc bộ phải thanh toán phí chuyển nhượng và thuế đúng hạn.
- Báo cáo Tài chính: Các câu lạc bộ phải nộp báo cáo hàng năm và công khai các khoản thanh toán cho người đại diện.
Hình phạt khi vi phạm FFP và PSR
Hình Phạt của Premier League khi một CLB vi phạm PSR phổ biến nhất là trừ điểm. Ví dụ, Everton đã bị trừ 10 điểm trong mùa giải Premier League 2023/24, sau đó được giảm xuống còn 6 điểm sau khi kháng cáo.
Man City cũng đang phải đối mặt với 115 cáo buộc vi phạm PSR; phía Man xanh phủ nhận mọi cáo buộc, nhưng nếu bị chứng minh có tội, họ chắc chắn phải chịu những án phạt rất nặng, không loại trừ khả năng bị đánh xuống hạng.
UEFA thì đưa ra các án phạt tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của vi phạm. Các hình phạt có thể bao gồm cảnh cáo, phạt tiền, giữ lại doanh thu từ các giải đấu của UEFA, cấm đăng ký cầu thủ mới cho các giải đấu của UEFA, giới hạn số lượng cầu thủ có thể đăng ký, loại khỏi giải đấu đang diễn ra và cấm tham gia các giải đấu trong tương lai.