Bóng Đá Plus trên MXH

360 độ tiền thưởng làng thể thao Việt
16:37 ngày 06/02/2016
Đời sống của dân thể thao, phần nào đó cả diện mạo của TTVN trong một năm được thể hiện sinh động và đa dạng qua tiền thưởng thành tích, nguồn thu nhập đáng kể nhất. Siêu kình ngư Ánh Viên nhận tới gần 4 tỷ đồng, trong khi hàng loạt tuyển thủ hài lòng với mức vài chục triệu đồng, và phần đông hơn kết thúc năm trong cảnh “tay trắng”.

    NĂM SEA GAMES GẤP 5 LẦN NĂM ASIAD

    Với 73 HCV, 53 HCB, 60 HCĐ, tổng số tiền thưởng của đoàn TTVN tại SEA Games 2015 theo quy định của Nhà nước là 15,220 tỷ đồng (9,385 tỷ đồng cho VĐV và 5,835 cho HLV). Mức này gấp tới hơn 5 lần so với con số khiêm tốn chỉ 3,1 tỷ đồng ở ASIAD 2014. 

    Có tới 70% trong số 299 tuyển thủ Việt Nam tranh tài trên đất Singapore được lĩnh thưởng, một tỷ lệ cao kỷ lục, với mức tối thiểu 30 triệu đồng cho 1 người chỉ giành 1 HCĐ. Nếu cộng thêm cả nguồn thưởng từ các đơn vị chủ quản, các HLV, VĐV có thêm khoảng 10 tỷ đồng. 

    Ngoài SEA Games, đây cũng là năm một số ĐTQG hay cá nhân tuyển thủ đã có thêm nhiều khoản tiền thưởng lớn nhờ thành công tại các giải quốc tế khác, như cử tạ (2 HCB, 2 HCĐ thế giới) hay kỳ thủ nhí giành chức vô địch U8 thế giới Cẩm Hiền, tuyển thủ rowing đăng quang giải châu Á Nguyễn Thị Phương… Về mặt tổng thể, 2015 là một năm nhiều “thu hoạch” gắn với một điệp khúc: vui năm lẻ và buồn năm chẵn.  

    Cẩm Hiền
    Cẩm Hiền

    TIỀN THƯỞNG KÈM VẬT DỤNG

    Nhờ có sự tài  trợ của hơn chục doanh nghiệp trên nhiều lĩnh vực nên mức thưởng thành tích tại SEA Games 28 cũng tăng vọt, với các hiện vật và giá trị kèm theo nhiều chưa từng có. Chỉ cần đoạt 1 tấm HCV, ngoài khoản 45 triệu đồng theo quy định của Nhà nước, mỗi chủ nhân còn nhận được thưởng “nóng” 10 triệu đồng, 1 xe máy (trị giá 20 triệu đồng), 1 TV LED 40 inch (10 triệu), 1 điện thoại smartphone (4 triệu), 1 cặp vé khứ hồi nội địa.

    Ngoài ra, họ còn được kéo dài thời hạn bảo hiểm ở mức cao nhất thêm 1 năm. Như vậy chủ nhân của 1 HCV sẽ mang về nhà một khoản tiền thưởng tương đối, cùng đủ bộ vật dụng cần thiết gồm xe máy, tivi, điện thoại, với tổng trị giá lên tới 90 triệu đồng, chưa kể phần của đơn vị chủ quản.

    ÁNH VIÊN SỞ HỮU 2 TỶ CÙNG 1 CĂN HỘ “XỊN”   

    Đoạt 8 HCV, phá 8 kỷ lục (cùng 1 HCB, 1 HCĐ) tại SEA Games 28, siêu kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên đương nhiên là người lĩnh thưởng “khủng” nhất. Chỉ riêng định mức từ Nhà nước đã lên tới 500 triệu, chưa kể thưởng “nóng” 80 triệu đồng, cùng 7 chiếc xe máy, 7 điện thoại đi động. 

    Ước tính, tổng số tiền thưởng mà Ánh Viên nhận được từ các nguồn khác nhau cho kỳ tích tại SEA Games 28, cũng như 1 HCB, 2 HCĐ Cúp thế giới, 1 HCV, 1 HCB, 1 HCĐ tại Đại hội Thể thao Quân sự thế giới chắc chắn vượt qua con số 2 tỷ đồng. 

    Nếu tính cả hiện vật, nó phải lên tới khoảng 4 tỷ đồng, trong đó có 1 căn hộ chung cư tại TP.HCM trị giá 1,5 tỷ đồng do một Mạnh Thường Quân tặng. Đây là kỷ lục vô tiền khoáng hậu mà một tuyển thủ Việt từng nhận được trong 1 năm, nhất là so sánh trước đây chưa có ai từng chạm tới mức tiền tỷ.


    THÁI BÌNH THƯỞNG GẤP 23 LẦN HÀ NỘI 

    Nếu mức thưởng từ nguồn Nhà nước là thống nhất thì việc thưởng thành tích của các đơn vị chủ quản lại đang rất khác nhau, thậm chí hơn kém nhau một trời một vực. Rất bất ngờ vì Hà Nội lại đang là nơi có mức thưởng thấp nhất khi mỗi VĐV đoạt HCV cá nhân SEA Games chỉ nhận được vỏn vẹn 3 triệu đồng. 

    Nó thấp hơn tới cả 23 lần so với mức 80,5 triệu đồng mà một nhà vô địch ở Thái Bình có được. Thậm chí chỉ 3 tuyển thủ đất lúa là Phạm Thị Thảo, Tạ Thanh Huyền, Cao Thị Hảo với 3 HCV đã lĩnh 405 triệu đồng, hơn mức thưởng 400 triệu cho trên 100 HLV, VĐV Thủ đô đã mang về 25 HCV, 18 HCB, 25 HCĐ. 

    Việc các HLV, VĐV Hà Nội đang phải chịu thua thiệt lớn chỉ một phần xuất phát từ thực tế họ luôn chiếm tới 30% thành tích của TTVN tại các kỳ SEA Games. Tuy nhiên, điều quyết định, ngành thể thao Thủ đô vẫn chưa có sự điều chỉnh cho phù hợp với đòi hỏi thực tế, mà vẫn đang áp dụng định mức từ năm 2003.

    BÓNG RỔ 11 NĂM “TAY TRẮNG”

    Lần gần nhất mà môn bóng rổ được nhận tiền thưởng thành tích đã cách đây 12 năm khi ĐTQG nữ bất ngờ đoạt HCĐ giải vô địch Đông Nam Á. Cũng  kể từ đó, cả 2 ĐTQG đều chưa một lần được tập huấn, cũng như vắng bóng tại mọi giải đấu quốc tế. Hai kỳ SEA Games gần đây, môn này mới tái xuất hiện, với 2 ĐTQG nam nữ do 2 đội bóng TP.HCM làm đại diện. Dĩ nhiên ở cả 2 kỳ SEA Games, các cầu thủ bóng rổ đều không mơ có thưởng vì đều văng xa khỏi nhóm có huy chương do trình độ thua kém xa mặt bằng chung.

    Hiện tại, bóng rổ là môn cũng đang có thu nhập thấp nhất làng thể thao Việt, dù vẫn tập luyện quanh năm suốt tháng. Ngoại trừ trường  hợp ngoại lệ của CLB Saigon Heat, cầu thủ các đội bóng khác, điển hình như nam Sóc Trăng, nữ Yên Bái, nữ Quảng Ninh đều chỉ lĩnh 2-3 triệu đồng/tháng. 

    Điền kinh, bơi, thể dục dụng cụ, đấu kiếm và rowing là 5 ĐTQG đã lĩnh thưởng trên 1,5  tỷ đồng chỉ tính riêng từ nguồn Nhà nước theo quy định. Trong đó, dẫn đầu là điền kinh, môn giành 11 HCV, 15 HCB, 8 HCĐ cùng 3 kỷ lục với 1,9 tỷ đồng.  

    Nỗi buồn Tết không thưởng
    Phần đông trong số cả mấy nghìn VĐV các tuyến của TTVN lại đang chuẩn bị đón Xuân mới trong sự ngậm ngùi vì không biết lấy đâu ra tiền lo cái Tết cho gia đình. Dân thể thao, hầu hết chỉ thuộc diện hợp đồng tập luyện thi đấu, lâu nay chưa bao giờ biết đến cái gọi là tháng lương thứ 13. 

    Các đơn vị thể thao trong cả nước đều là đơn vị sự nghiệp, tiền Nhà nước bao cấp vốn đã quanh năm phải “giật gấu vá vai” cho hoạt động lấy đâu ra nguồn… thưởng Tết. Các quỹ mang tính xã hội hóa của ngành thể thao cũng không hề có. 

    Giới VĐV đã quá quen với tình cảnh nếu trong năm không có huy chương quốc tế coi như “tay trắng” về nhà ăn Tết. Lãnh đạo ngành thể thao cũng rất khổ tâm song không biết xoay sở như thế nào, mà đành phải vận dụng theo cách của con nhà nghèo khốn khó. 

    Đó là một buổi tổng kết liên hoan đơn giản được tổ chức, với một phần quà là cuốn lịch, hộp mứt, chai rượu, hay cặp bánh chưng, trích từ quỹ công đoàn. 

    Khoản duy nhất mà các VĐV dắt lưng chính là số ngày ăn trong thời gian nghỉ Tết được linh động cắt cho mang về nhà, một tuyển thủ quốc gia hưởng chế độ cao cũng chưa nổi 2 triệu đồng còn VĐV năng khiếu địa phương thậm chí chỉ vài trăm nghìn.

    Nó ít tới mức chỉ đủ mua một bộ quần áo mới cho bản thân, hay một cành đào cây quất mang về nhà. Hiện tượng các VĐV không về nhà vì không có tiền mà ở lại cùng nhau đón Tết nghèo là đặc thù không hề hiếm. 
    Kim Tuyến • 16:37 ngày 06/02/2016

    Bài viết hay? Ấn để tương tác

    Bình luận
    Thông tin Toà soạn
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Tổng biên tập:
    Nguyễn Tùng Điển
    Phó Tổng biên tập:
    Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
    Địa chỉ:
    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Tel:
    (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
    Fax:
    (84.24) 3553 9898
    Email:
    Thông tin Liên hệ
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Hotline:
    0903 203 412
    Email:

    Địa chỉ liên hệ:

    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Đăng nhập
    hoặc

    Email:

    Mật khẩu:

    Quên mật khẩu?


    Bạn chưa có tài khoản? Đăng ký ngay