Kim Tuấn “quyết đấu” chấn thương quái ác
Nếu như quay ngược lại năm 2014, khi Thạch Kim Tuấn chinh phục thành công mức tổng cử 296kg cùng ngôi đầu nội dung cử giật tại giải VĐTG, TTVN đã có thể hoàn toàn tự tin hướng tới 1 tấm huy chương, kể cả Vàng cho kỳ Olympic trên đất Brazil. Thế nhưng, tình thế giờ đã hoàn toàn khác với chấn thương nặng mà Tuấn đang gặp phải: giãn dây chằng cột sống, đứt gân bánh chè độ 1.
Tới đây, đô cử số 1 này sẽ phải trải qua một ca phẫu thuật đặc biệt ngay trong nước, với diễn biến dự báo rất phức tạp và khó lường. Kể cả kết quả có thực sự hoàn hảo, anh cũng cần có quỹ thời gian tối thiểu 5 tháng để lấy lại phong độ, sự sung mãn của một lực sĩ hàng đầu quốc tế hạng 56kg. Mọi chuyện có thể phần nào đó đã vượt qua sự quyết tâm, nỗ lực của Tuấn, cũng như ngành thể thao, và phụ thuộc nhiều cả vào yếu tố may mắn.
Tuy nhiên, cánh cửa để tài năng 22 tuổi tìm kiếm một vị trí trên bục huy chương Olympic hãy còn nguyên, nếu nhìn vào cơ địa cùng nội lực phi phàm của Tuấn. Ngay tại giải VĐTG 2015, dù phải cắn răng nén đau thi đấu, anh vẫn đoạt tấm HCĐ với thành tích 287kg.
Hà Thanh dành điều tốt nhất cho lần cuối
Tương tự như Thạch Kim Tuấn, ngôi sao TDDC Phan Thị Hà Thanh đã phải vật lộn với chấn thương chân dai dẳng suốt cả năm nay, cho dù chưa đến mức nặng nề như thế. Vượt lên nghịch cảnh, cô gái đất Cảng vẫn đoạt tới 2 HCV Cúp thế giới, 3 HCV SEA Games.
Đến thời điểm này, Hà Thanh cũng chưa có suất chính thức tới Olympic, tuy nhiên gần như chắc chắn chị sẽ thành công ở cuộc đấu loại trực tiếp vào tháng 4 tới khi chỉ còn phải chạm trán các đối thủ dưới cơ. Điều quan trọng nhất, quá trình điều trị và hồi phục của Hà Thanh đang tiến triển tích cực đủ để kịp đưa chị trở lại đỉnh cao cho chiến dịch Olympic.
Hà Thanh đang dốc hết tâm sức để có được một cuộc bùng nổ cho giải quốc tế lớn cuối cùng trong nghiệp đấu, với mong ước cháy bỏng về một tấm huy chương hay chí ít cũng đứng trong Top 8. Các bài thi của chị, rõ nhất ở sở trường nhảy chống, đã đạt tới độ khó ngang ngửa với các nhà vô địch thế giới, vấn đề chỉ còn là nâng cao chất lượng thực hiện, nhất là tính liên hoàn giữa các động tác.
Ánh Viên không chỉ nhắm top 8
Nếu năm 2015 không phải thi đấu liên tục ở nhiều giải đấu khác nhau, phần nào đó bị phân tán nguồn lực và suy giảm thể lực tại giải VĐTG, Ánh Viên đã có thể lọt vào Top 8, chứ không chỉ đứng hạng 10 nội dung 400m hỗn hợp hay thứ 15 đường bơi 200m hỗn hợp.
Đó là cơ sở để giới chuyên môn tin tưởng siêu kình ngư này sẽ tạo nên một cuộc đột phá mới ở Olympic. Khác hẳn với năm ngoái, cô gái quê Cần Thơ sẽ chỉ ưu tiên tập trung tối đa cho đích Olympic, trong một quy trình đào tạo chuyên biệt, chặt chẽ, và cũng chỉ chọn lựa một số giải tầm cao để cọ xát.
Thông số chuyên môn hiện tại của Ánh Viên hãy còn khoảng cách đáng kể so với mức huy chương Olympic, đơn cử cự ly “tủ” 400m hỗn hợp cũng thua HCĐ tới hơn 2 giây. Dù vậy, việc vượt qua thử thách đó không phải là điều bất khả thi, và thầy trò Ánh Viên thậm chí còn đặt ra một đích phấn đấu cao hơn thế nhiều. Trên thực tế, trong các buổi tập gồng mình gắng sức, Viên cũng đã áp sát mức ấy. Chị hứa hẹn sẽ là một nhân tố bất ngờ trên đường bơi 400m hỗn hợp, mà ngày càng chứng tỏ sự phù hợp lý tưởng về nhiều mặt với mình.
Xuân Vinh nóng lòng chờ “phục thù”
Cách đây 4 năm, xạ thủ kỳ cựu đang là Đại tá quân đội này từng phải trải qua nỗi đau để đời khi hụt mất tấm HCĐ theo cách không thể nghiệt ngã hơn. Sự non tay ở 3 viên đạn cuối đã khiến anh đang từ vị trí thứ nhì rớt xuống hạng tư, kém người xếp trên vỏn vẹn 0,01 điểm.
Hạng tư Olympic cũng đã là cả một kỳ tích của bắn súng Việt Nam song với Xuân Vinh, nó là một nỗi ám ảnh đè nặng và sự nuối tiếc khôn nguôi. Sớm đoạt vé chính thức tới Brazil, kỷ lục gia thế giới chính là người đang nóng lòng chờ đến Olympic nhất. Đó là đấu trường có thể giúp anh “phục thù” thất bại, mà chính nó đã trở thành động lực ghê gớm cho anh vươn lên không ngừng.
Điểm yếu tâm lý, gắn với sự hụt hơi ở những thời khắc quyết định vẫn còn, song rõ ràng đẳng cấp của Xuân Vinh đã khác hẳn. Lúc trước, Xuân Vinh dự tranh với tư thế của một đấu thủ tạo bất ngờ, giờ đây anh là người tranh chấp sòng phẳng các thứ hạng cao nhất. Sự tiến bộ vượt bậc ở cả 3 nội dung 50m súng ngắn tiêu chuẩn, 10m súng ngắn hơi và 25m súng ngắn ổ quay đã mang đến cho anh tới 3 “cửa” rất sáng.
Do Thạch Kim Tuấn từ một ứng viên sáng giá, có thể nói là duy nhất, chỉ còn là “ẩn số” do dính chấn thương nặng nên khả năng giành huy chương của TTVN đã bị tụt giảm nghiêm trọng. Theo đánh giá của giới chuyên môn, trong 4 hảo thủ Kim Tuấn, Hà Thanh, Xuân Vinh, Ánh Viên, không ai có quá 50% hy vọng huy chương. TTVN sẽ trở lại đúng với tình thế của kỳ Olympic trước, không có một “mũi nhọn” nào đạt tới trình độ nếu không đạt được huy chương là bất ngờ. Tổng số kinh phí ngành thể thao chi cho “chiến dịch” Olympic 2016 lên tới 40 tỷ đồng. Có 48 tuyển thủ của 15 môn đã nhận được chế độ đầu tư chuyên biệt từ đầu 2015, với mức tiền ăn và tiền thù lao 800 nghìn đồng/người/ngày, cùng ưu tiên tối đa về thuốc men, tập huấn thi đấu quốc tế. Thể thao Việt Nam đặt chỉ tiêu có 15-18 tuyển thủ của 11-13 môn giành quyền chính thức dự tranh Olympic 2016. Kết thúc 2015, Việt Nam đã có 6 đại diện gồm Ánh Viên (bơi), Xuân Vinh, Quốc Cường (bắn súng) và Kim Tuấn, Quốc Toàn, Anh Tuấn (cử tạ). Do cử tạ đoạt 3 suất thông qua xếp hạng đồng đội nên Việt Nam có toàn quyền đăng ký, thay đổi VĐV. |