Các kỳ trước của tự truyện "Antoine Griezmann: Phía sau nụ cười" đọc TẠI ĐÂY
CHƯƠNG MƯỜI LĂM: Một EURO dưới sức ép (phần 2)
Ba ngày sau tại Copenhague, chúng tôi hạ gục Đan Mạch 2-1 với cú đúp của Olivier Giroud. Mathieu Valbuena vào sân thay tôi khi trận đấu còn 12 phút. Sau đó là hai “trận đấu gala” trong tháng 11: tiếp đón ĐK VĐTG Đức và làm khách tại sân Wembley gặp ĐT Anh.
Ngày 13/11/2015 này, sân Stade de France được trang hoàng lộng lẫy để đón tiếp ĐT Đức. Bố mẹ tôi cũng có mặt trên khán đài. Tôi ra sân trong đội hình xuất phát, nó bắt đầu như một thói quen, bên cạnh Olivier Giroud và Anthony Martial. Mặt sân không tốt lắm. Nhưng không hề gì, Les Bleus vẫn giành chiến thắng thứ 5 liên tiếp và tôi thi đấu 80 phút trước khi Hatem Ben Arfa vào sân thay tôi. Nhưng trận đấu này có làm các bạn nhớ tới thảm kịch xảy ra xung quanh sân Stade de France và nhà hát Bataclan không?
Trên sân, chỉ khoảng 15’ sau khi trận đấu bắt đầu, Patrice Evra giương to mắt lên lúc chuẩn bị thực hiện một đường chuyền về, như muốn tự hỏi điều gì đang xảy ra. Anh ấy đứng rất gần khán đài phía Đông và đã nghe thấy một tiếng nổ lớn. Nhưng, cũng giống như tất cả mọi người, anh ấy tưởng rằng đó chỉ là tiếng pháo cỡ lớn hoặc bom nông nghiệp. Có cả pháo sáng, bầu không khí thì nóng bỏng vô cùng. Chúng tôi không nghe thấy tiếng báo động hay bất cứ tín hiệu nào từ cảnh sát. Hết hiệp 1, chúng tôi nghỉ giải lao bình thường. Một mớ hỗn độn ngự trị khắp phòng. Chúng tôi không được biết bất cứ tin tức gì. Chúng tôi không biết rằng Tổng thống đã cảnh báo các tay súng ở trung tâm Paris đang tập trung rất đông bên ngoài sân Stade de France. Cũng như là tôi không hề chú ý đến máy bay trực thăng đang bay phía trên SVĐ.
Kết thúc trận đấu, MC đã nói về một “sự cố” bên ngoài. Khi trở lại đường hầm, chúng tôi đã nhìn thấy những hình ảnh trên màn hình lớn, nơi đang đặt ra câu hỏi về một vụ bắt cóc con tin. Chúng tôi ngay lập tức hiểu ra tình hình, ngay cả khi chưa có đầy đủ thông tin. Càng lúc nỗi sợ hãi, kinh hoàng càng chiếm lấy chúng tôi. Chúng tôi vừa xem tin tức trên tivi, vừa nhanh tay tìm kiếm thông tin về vụ việc. Các cuộc họp báo bị hủy bỏ, đi lại cũng hạn chế. Chúng tôi không được phép ra ngoài. Tôi biết rằng chị Maud, người yêu âm nhạc vô bờ, đang tham dự một buổi hòa nhạc tại Paris. Nhưng tôi không biết chính xác chị ấy đang ở chỗ nào. Tôi đã gọi cho mẹ tôi đang ngồi cùng bố trên khán đài.
“Chị Maud đâu mẹ?”, tôi hỏi. “Mẹ không biết ở một buổi hòa nhạc nhưng không phải ở Bataclan”, mẹ tôi trả lời chắc chắn. Tôi có linh cảm chuyện không hay, tôi hối mẹ: “Cho con biết tên ban nhạc để chắc chắn chị ấy đang ở đó. Mẹ cho con tên ban nhạc đi…”. “Đó là một ban nhạc Rock”, mẹ tôi trả lời. Tôi biết, nên tôi đã trả lời: “Con biết điều đó: con biết chắc đó là ban nhạc đang biểu diễn ở Bataclan”. Tôi tìm cách liên lạc với Maud. Chị ấy không trả lời. Đã đã để lại rất nhiều tin nhắn. Tôi đi tắm. Trong phòng thay đồ, vô tuyến đã tắt. Tôi nhanh chóng gặp lại bố mẹ tôi ở phòng cầu thủ. Cả hai khẳng định với tôi rằng Maud đang ở Bataclan cùng một cậu bạn. Chúng tôi đã rất sợ. Nỗi lo lắng xâm chiếm khắp không gian. Không thể nào biết được chị ấy có ổn hay không.
Cuối cùng Maud cũng bắt máy. Chị ấy nói giọng rất nhỏ. Rồi cuộc trò chuyện bị ngắt. Một lần nữa, điện thoại của chị ấy lại không có tín hiệu. Đến quá nửa đêm, chị ấy mới gọi cho mẹ tôi để giải thích rằng chị ấy đã ra được khỏi nơi hỗn loạn kia nhờ sự can thiệp của cảnh sát. Chị ấy đã trốn trong một nhà hàng, với những người sống sót khác, trong khi cảnh sát tiếp tục làm công việc của mình phía bên trong. Nỗi lo lắng đã được giải tỏa muôn phần. Tôi cảm ơn mọi thứ… Một buổi tối khủng khiếp và dài vô tận. Maud vẫn khỏe và còn sống, cả nhà Griezmann cũng vậy. Khi chị ấy có thể rời Bataclan, chị ấy đã chạy ba chân bốn cẳng, bỏ cả giầy để chạy nhanh nhất có thể. Lúc đó gần 2h sáng. Chị ấy muốn bắt taxi nhưng không ai dừng lại cả. Họ từ chối cho chị ấy lên xe, vì người chị ấy dính toàn máu, máu của những người bị thường và của những người đã chết; và họ không muốn chế băng của mình bị hoen ố bởi những vết máu. Rồi cuối cùng chị ấy cũng bắt được một chiếc taxi ở quảng trường Cộng hòa.
Về đến nhà, Maud đã tắm rất lâu. Chúng tôi, các cầu thủ, đã rời khỏi sân lúc gần 3 giờ sáng để thẳng tiến về Clairefontaine. Trên xe, cùng với Hugo Lloris, Dimitri Payet và những người khác, chúng tôi tập trung lại chỗ những màn hình vô tuyến. Đó thực sự là những cảnh tượng kinh hoàng về chiến tranh tại Paris. Vẫn còn sốc, các cầu thủ Đức muốn nghỉ qua đêm tại phòng thay đồ, rồi sau đó ra thẳng sân bay. Tôi giữ ý và không nói quá nhiều với Maud về cái ngày 13/11 kinh hoàng ấy. Maud cũng thế, chị ấy kín đáo và tránh nhắc đến ngày đó. Trong đời, tôi chưa từng nghĩ sự kiện kinh hoàng này lại có thể xảy ra với người thân của mình và những người khác. Maud cần phải vượt qua nó. Cần phải giúp chị ấy lấy lại tinh thần. Sau đó, Maud đến ở Madrid vài ngày, cùng với bố mẹ tôi.
Rồi tôi tự nhủ không nhắc lại về vụ việc này nữa. Tôi chỉ đăng lên Twitter để đảm bảo với mọi người về việc chị tôi bình an vô sự. “Nhờ CHúa, chị gái tôi đã rời Bataclan. Tôi xin cầu nguyện cho các nạn nhân và gia đình họ được bình an”. Những vụ khủng bố này là một trong những vụ đẫm máu nhất ở Pháp khiến hơn 130 người chết và hàng trăm người bị thương. Trong số các nạn nhân có Asta Diakite khi cô ấy đang ở trong xe hơi. Asta là chị họ của Lassana Diarra, người cũng có mặt ở sân Stade de France để đá với Đức. Anh ấy đã chia sẻ nỗi buồn của mình trên mạng xã hội và để tưởng nhớ Asta.
Rất xúc động và cảm thấy mất mát lớn, Lass viết: “Sau một loạt thảm kịch hôm qua tại Paris và Saint-Denis, tôi có vài lời muốn nói hôm nay với một trái tim rất nặng nề. Như các bạn đã có thể đọc, cá nhân tôi vô cùng đau đớn trước những vụ khủng bố đẫm máu này. Chị họ tôi, Asta Diakite là một trong số những nạn nhân của vụ xả súng hôm qua, giống như rất nhiều người Pháp vô tội khác. Chị ấy luôn là niềm động viên an ủi, giúp đỡ và ủng hộ tôi. Trong không khí đau buồn, tang thương này, điều quan trọng nhất đối với tất cả chúng ta, những người đại diện cho đất nước chung ta và sự đa dạng sắc tộc, hãy lên tiếng và thể hiện tinh thần đoàn kết trước những kẻ xấu xa, không phân biệt sắc tộc, tôn giáo. Hãy cùng nhau bảo vệ tình yêu, sự tôn trọng và hòa bình. Cảm ơn tất cả những thông điệp, lời động viên của các bạn. Các bạn hãy chăm sóc bản thân, gia đình mình. Và cầu mong các nạn nhân được an nghỉ”.
Ở một diễn biến khác, 4 ngày sau cú sốc kinh hoàng ấy, chúng tôi không có ý định đến Wembley để thi đấu nữa. “Tại sao lại phải thi đấu trong lúc thế này? Nó đem lại điều gì?...”. Những câu hỏi ấy, trạng thái tâm lý ấy khiến tôi suy nghĩ rất mông lung. Lúc này tôi thích được ở cạnh Maud hơn là ĐT Pháp. FFF quyết định giữ nguyên lịch thi đấu. Đây là lần đầu tôi được nghe quốc ca Anh “God Save the Queen”.
Sau đó, tới lượt quốc ca Pháp. Bản La Marseillaise vô cùng xúc động, đặc biệt và được hát cùng nhau bởi tất cả các CĐV Pháp và Anh. Rồi 90.000 khán giả ở Wembley dành một phút tưởng nhớ tới các nạn nhân ở những cuộc khủng bố Paris trước giờ bóng lăn. Tôi lại nghĩ đến chị Maud và tất cả những nạn nhân khác. Ngày 17/11 này không chỉ là một ngày của bóng đá… Điều chưa từng thấy bao giờ, ở London, ĐT Pháp thua trận và tôi vào sân ở phút 67, Lassana Diarra vào sân trước tôi 10 phút. Anh ấy xứng đáng với điều đó. Trong suốt đợt triệu tập, Lass có thể nổi giận nhưng không bao giờ đánh mất sự bình tĩnh. Trước chúng tôi, anh ấy không thở nổi.