NỖI ĐAU NHỮNG KHÁN ĐÀI ĐÌU HIU
Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng kể có một lần ông đã chết đứng trên đường khi nghe một câu tâm sự của người hâm mộ. Người đó nói rằng thà dừng xe trên đường xem trẻ con chơi bóng còn hơn tới sân xem các trận đấu V.League bởi các em bé có chuyên môn kém nhưng lại đá thật, đá sạch.
Trong năm qua, bóng đá Việt Nam xảy ra nhiều vụ bê bối. Cầu thủ V.Ninh Bình và Đồng Nai bị bắt vì cá độ, dàn xếp tỷ số, V.League ngập tràn những pha vào bóng thô bạo, điển hình như cú đạp gãy chân Anh Hùng (HV.An Giang) của Đình Đồng (SLNA) và ở cấp độ ĐTQG thì thầy trò HLV Miura thua Malaysia trong sự nghi ngờ của khán giả ở trận bán kết lượt về AFF Suzuki Cup 2014. Những sự việc xấu xí trên đã khiến khán giả mất niềm tin, hệ quả là họ không còn hào hứng tới sân cổ vũ bóng đá.
Mùa bóng vừa qua, rất nhiều sân chỉ có được vài ngàn khán giả mỗi trận như Hàng Đẫy, Thủ Dầu Một, Ninh Bình… Những “chảo lửa” như Lạch Tray, Vinh hay Thanh Hóa... cũng giảm nhiệt nghiêm trọng, lượng CĐV tới sân sụt giảm rất lớn.
Mùa bóng vừa qua, rất nhiều sân chỉ có được vài ngàn khán giả mỗi trận như sân Hàng Đẫy
Ngay cả trận đấu tranh Siêu Cúp QG giữa ĐKVĐ V.League B.Bình Dương và ĐKVĐ Cup QG Hải Phòng cũng lèo tèo khán giả dù BTC sân Thủ Dầu Một đã mở cửa tự do, đồng thời thuê ca sĩ, hot-girl tới sân ca hát, nhảy múa để tăng nhiệt.
Cũng vì chuyện khán giả trên sân lác đác mà vừa qua Chủ tịch VFF, ông Lê Hùng Dũng phải thay đổi lịch tiếp khách. “Ngày 30/12/2014, Chủ tịch LĐBĐ Hàn Quốc Chung Mong-Gyu sang làm việc tại Việt Nam. Chiều cùng ngày, CLB Than Quảng Ninh tiếp đón CLB đến từ K.League Busan IPark. Vì vậy tôi dự định mời ông Chung Mong-Gyu tới sân Thống Nhất xem bóng đá, bàn chuyện hợp tác trước khi đi dùng bữa.
Tuy nhiên, vào phút cuối tôi phải đề nghị đối tác đổi vé bay ra Hà Nội. Tôi đổi địa điểm tiếp khách chỉ vì chuyện khán giả. Thật xấu hổ nếu hai người đứng đầu hai nền bóng đá ngồi trên sân xem một trận đấu mà khán giả lại vắng hoe” - ông Lê Hùng Dũng chia sẻ.
Sân Thủ Dầu Một trong trận đấu tranh Siêu Cúp QG
ĐÁ ĐẸP, ĐÁ SẠCH ĐỂ TÌM LẠI TÌNH YÊU
“CĐV Việt Nam không quay lưng lại với bóng đá đẹp, bóng đá sạch. Họ chỉ quay lưng với bóng đá xấu xí” - ông Lê Hùng Dũng chia sẻ. “Tại sao U19 Việt Nam đá ở đâu cũng đông khán giả, từ Thống Nhất cho tới Mỹ Đình hay Cần Thơ? Nguyên do là vì các cháu không chỉ đá đẹp, đá kỹ thuật mà còn đá sạch. Vậy nên dù thầy trò HLV Graechen có thua, có là Vua về Nhì trong năm 2014 thì khán giả vẫn không trách móc, vẫn tới sân cổ vũ nhiệt tình”.
Bóng đá không có khán giả là bóng đá chết. Vì vậy, mục tiêu VFF đưa ra là phải kéo được người hâm mộ trở lại với sân cỏ. Và muốn làm được như vậy, theo như ông Lê Hùng Dũng thì chỉ có một con đường là các đội bóng phải chiến thắng bằng lối chơi đẹp mắt, kỹ thuật thay vì sẵn sàng vào đá xấu, tung ra những pha vào bóng ác ý, thậm chí có thể làm gãy chân đối thủ để giành chiến thắng.
Mùa giải 2015, HAGL quyết định đưa các cầu thủ U19 lên đội một đá V.League đã tạo ra một luồng gió mới cho bóng đá Việt Nam. VFF và bầu Đức tin rằng đội bóng này đi tới đâu sẽ nhận được sự cổ vũ nhiệt tình tới đó, giống như khi các em thi đấu cho U19 Việt Nam hay U21 HA.GL trong năm vừa qua. Đây được kỳ vọng là cú hích, giúp những khán đài V.League thoát cảnh nguội lạnh.
CĐV Việt Nam không quay lưng lại với bóng đá đẹp, bóng đá sạch
Từ thành công của lứa U19 do Học viện HA.GL - Arsenal JMG đào tạo ra, VFF đang lên kế hoạch nhân rộng mô hình này. Chủ tịch Lê Hùng Dũng cho biết bầu Đức đã gửi cho ông một bản chi tiết về kinh phí xây dựng Học viện, nó không quá lớn và các địa phương khác hoàn toàn có thể làm được.
Người đứng đầu LĐBĐ Việt Nam cho biết trong năm nay ông sẽ đi làm việc với các tỉnh về việc xây dựng các học viện bóng đá. Khi họ đồng ý, Liên đoàn sẽ tiến hành mời các CLB danh tiếng như Inter, Tottenham, Roma...tới hợp tác.
“Lúc đầu chúng ta sẽ phải trả cho các CLB trên một khoản phí thương hiệu. Tuy nhiên, những năm sau khoản tiền sẽ rất nhỏ vì chỉ còn là phí duy trì. Một Học viện HAGL - Arsenal JMG đã tạo ra được lứa U19 gây ảnh hưởng như vậy, mọi người hãy tưởng tượng xem nếu có nhiều học viện đào tạo trẻ ở Việt Nam thì sẽ ra sao. Chỉ có cách làm như vậy mới tạo ra nền móng tốt để bóng đá Việt Nam phát triển” - Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng chia sẻ.
Còn bao nhiêu đội đá bấy nhiêu Chủ tịch VFF ông Lê Hùng Dũng Trong những năm qua, rất nhiều đội bóng của Việt Nam đã đột ngột giải thể như K.Khánh Hòa. K.Kiên Giang, V.Ninh Bình... Vì vậy, trước thềm mùa giải mới, không ít người e ngại một số đội khó khăn kinh tế như Đồng Tháp có thể rời cuộc chơi. Trước lo ngại trên, Chủ tịch VFF, ông Lê Hùng Dũng cho biết: “Chúng tôi đã xây dựng các phương án cho trường hợp xấu là có đội bỏ cuộc, trên nguyên tắc là không bị động. Quan điểm của VFF cũng như VPF là còn bao nhiêu đội chơi bấy nhiêu, số lượng đội không quan trọng mà là chất lượng các trận đấu. Trước đây, J.League từng có thời gian chỉ còn 6 đội thi đấu nhưng mọi thứ vẫn diễn ra bình thường và bây giờ thi đây đã là giải hàng đầu châu Á”. Xóa bỏ quy định về tiền Ông Lê Hùng Dũng cũng cho hay sắp tới sẽ bỏ quy định đội dự V.League mỗi mùa phải có ngân quỹ 35 tỷ đồng: “Không thể có chuyện anh có 35 tỷ đồng thì được chơi còn anh có 34 tỷ thì không. Vậy V.League trở thành sân chơi của những đội bóng nhà giàu à? Anh có bao nhiêu tiền thì anh chơi, miễn là đảm bảo”. Tối đa 15 tỷ đồng Theo tiết lộ của bầu Đức, mùa giải năm nay, HA.GL chỉ phải chi tối đa 15 tỷ đồng nhờ đưa các cầu thủ U19 lên đội một đá V.League. Dù đội vẫn đi máy bay, ăn ở khách sạn 5 sao nhưng lại giảm được một khoản khá vì không phải trả phí lót tay cho các bản hợp đồng, lương các cầu thủ cũng chỉ nằm trong khoảng từ 15 đến 18 triệu đồng. |