Bóng Đá Plus trên MXH

Bật mí chuyện săn "chân dài" bóng chuyền Việt: Hành trình gian nan và ly kỳ để tìm ngọc thô
13:37 ngày 13/02/2015
Nhờ mặt bằng thu nhập vượt quá mức 10 triệu đồng/tháng lại dễ nổi tiếng, việc trở thành một vđv bóng chuyền nữ đã trở thành một giấc mơ của nhiều cô gái trẻ.
    Các “lò” đào tạo mỗi đợt thi tuyển đều luôn quá tải, nhưng rất nhiều tài năng lại có được nhờ các chuyến đi “săn chân dài” ly kỳ như trong phim của các HLV, tiêu biểu như chuyên gia kỳ cựu Lương Khương Thượng ở đất Long An.

    LANG THANG NGOÀI CHỢ, ĐỘT NHẬP VÀO TRƯỜNG, BỊ NGHI… MẸ MÌN 
    Bóng chuyền nữ đã hấp dẫn đến mức mỗi khi các “lò” đào tạo thi tuyển giống hệt như một kỳ thi Đại học của một trường đầu bảng, với tỷ lệ chọi luôn vượt quá 100 lấy 1, đảm bảo có thể chọn ra những nhân tố đúng tiêu chí. 

    Tuy nhiên, các HLV vẫn luôn coi trọng đặc biệt một “kênh” khác là lặn lội tới các vùng sâu xa để săn “chân dài”. Trong đó, chuyên gia số 1, người khởi đầu cho cách thức rất Việt Nam ấy chính là cựu HLV trưởng ĐTQG Lương Khương Thượng, người đã một tay gây dựng nên đội bóng Long An lừng danh. 

    Giờ đã đỡ song cách đây không lâu việc này gian khổ vô cùng, thậm chí phần nào đó còn nguy hiểm. Ông Thượng từng vài lần bị công an các địa phương miền Tây mời về đồn, vì nghi ngờ những dấu hiệu giống hệt như mẹ mìn. Đơn giản bởi vì người ta thấy ông đột ngột xuất hiện rồi lang thang ngoài chợ, đột nhập vào các trường trong giờ ra chơi hay tan học và lúc nào cũng chỉ nhìn ngó các em nữ sinh có chiều cao tốt. 

    Nếu nhìn bề ngoài càng đáng ngờ hơn khi ông lẽo đẽo bám sát “mục tiêu”, rồi về tận nhà để thuyết phục chính các em và gia đình cho con theo bóng chuyền mà hầu hết trường hợp đều không biết gì đến thể thao, cũng như ông thầy lạ mặt. Tuy gian khổ song theo ông Thượng, phương thức “cố điển” này lại rất hiệu quả. Có đến quả nửa số thành viên của đội nữ Long An, từ ngôi sao Nguyễn Thị Hộ khi trước,  Ngọc Hoa hiện tại hay mới đây nhất là tài năng trẻ Thanh Thúy đều được phát lộ nhờ cách thức tìm kiếm tài năng này.

    HLV Lương Khương Thượng tiến hành kiểm tra chiều cao của một em học sinh

    CHỦ CÔNG SỐ 1 VIỆT NAM ĐƯỢC “GẶT” TỪ MỘT LẦN ĐỘI MƯA  ĐI CHỢ 
    Thành công đầu tiên của ông Thượng và cả môn bóng chuyền trong việc săn “chân dài” từ những lần lang thang, đột nhập ấy chính là 16 VĐV lứa đầu làm nên tượng đài Dệt Long An lẫy lừng trong suốt thập niên 1990, với 3 lần vô địch quốc gia. 

    Trong đó, kinh điển nhất có thể kể ra trường hợp của chủ công số 1 Việt Nam một thời Nguyễn Thị Hộ. Hộ ngẫu nhiên lọt vào mắt xanh của thầy Thượng trong một lần đi chợ giữa trời mưa tầm tã , nhờ chiểu cao 1m72 rất hiếm của một cô gái 16 tuổi khi ấy, chưa kể còn hay hơn nữa bởi cả chân tay đều dài và thẳng một cách khác biệt. 

    Ông Thượng lập tức  áp sát “mục tiêu” trong sự kinh ngạc của cô thiếu nữ mới lớn, rồi đi bộ theo Hộ suốt 2 cây số để vận động gia nhập đội bóng chuyền. Không chỉ Hộ lắc đầu nguây nguẩy mà tình thế càng trở nên vô vọng khi vừa về đến nhà, ông Thượng đã bị bà mẹ kiên quyết mời ra khỏi nhà vì cho rằng “bóng chuyền gì, lừa đảo thì có”. 

    Không nản, ông đứng lì ở gốc cây cóc, ướt như chuột lột, để rồi bà mẹ thương tình mời vào nhà trú mưa với yêu cầu không nói gì đến bóng chuyền. Thật may qua cậu chuyện, ông mới biết bố của Hộ là Bí thư Đảng ủy xã, và sau đó tìm ra một cách hữu hiệu nhờ Giám đốc Sở TDTT và Chủ tịch huyện thuyết phục bố Hộ với tư cách “đồng chí đồng đội” đồng ý cho con theo bóng chuyền. Nhờ thế, chỉ mất mấy năm, Long An và ĐTQG đã có một chủ công hay nhất nước với những cú đập tay trái như búa bổ. 

    NĂN NỈ, DỌA VÀ ĐẤU RƯỢU ĐỂ CÓ “SẾU VƯỜN” CAO NHẤT NƯỚC 
    Ông Thượng vẫn còn nhớ như in mình đã choáng như thế nào khi dự một tiết học thể dục tại trường phát hiện ra Trần Thị Thanh Thúy – cô học trò Bình Dương lớp 7 mới 13 tuổi song đã cao tới 1m78, tức là hơn hầu hết các tuyển thủ hiện tại của ĐTQG. Ngoài ra, các chỉ số sải tay, tầm với, sức bật tại chỗ của Thúy đều vượt xa các bạn cùng trang lứa. 

    Chủ công Trần Thị Thanh Thúy, một trong những ngôi sao đã được thầy Lương Khương Thượng nhào nặn

    Hiểu rằng đây là một “viên ngọc thô’ cả đời tuyển chọn có khi cũng chỉ gặp được một lần, ông tức tốc tìm đến nhà để gặp bố mẹ. Thúy đồng ý nhưng khổ nỗi cả gia đình – vốn rất có điều kiện, lại chỉ có mỗi cô con gái từ chối ngay. 
    Sau hai lần lặn lội qua lại, ông Thượng vẫn bất lực cho dù đã dùng đủ cách, từ thuyết phục, năn nỉ nào Thúy sẽ thành tài, có nghề nghiệp ổn định, vì bóng chuyền Việt Nam cho đến “dọa” Thúy cao như thế sẽ chỉ tìm được chồng trong môi trường thể thao… 

    Phải đến lần thứ 3, bên cạnh trình bày mọi nhẽ, ông Thượng phải lấy thêm minh chứng của bản thân, có một con duy nhất vẫn cho theo thể thao và rất ổn, bố mẹ Thúy mới xuôi xuôi. Và tất cả chỉ kết thúc bởi một bữa đối rượu mà ông Thượng  phải uống đến say túy lúy để chứng tỏ sự chân thành, mong muốn thiết tha của mình, bố Thúy mới kết luận “Thôi thầy đưa cháu đi, tôi giao phó cháu cho thầy”.  Qua đúng 4 năm, cô nữ sinh 1m78 đã vụt lên thành chủ công của ĐTQG với chiều cao kỷ lục 1m89.  

    Không biết có phải từ mẫu hình săn “chân dài” của Long An, trực tiếp là HLV Lương Khương Thượng, với thành công kỳ lạ, các CLB tại Việt Nam đều đua nhau học theo, thậm chí còn cắt cử người chuyên làm nhiệm vụ đi cơ sở tuyển quân, hay đặt ra chế độ cộng tác viên tại chỗ và trả tiền cho ai cung cấp thông tin về các nhân tố mới lạ.

    THÔNG TIN
    :
    Bóng chuyền nữ lần đầu lên phim 

    Các “chân dài không son phấn” bóng chuyền đã lần đầu đi vào nghệ thuật, với bộ phim truyền hình dài 36 tập mang tên “Bản kê số phận” vừa được phát sóng trên truyền hình gây tiếng vang. 


    Tác phẩm của đạo diễn Trần Ngọc Giàu phản ánh rất chân thực và sinh động về cuộc sống của các nữ cầu thủ bóng chuyền, trong đó tập trung khai thác về số phận, ngã rẽ muôn nẻo, cả những cơ hội và cạm bẫy mà họ phải đối mặt sau khi giải nghệ. Điểm nhấn về nội dung là hành trình vươn lên và những éo le của hai nữ cầu thủ tài năng, giàu khát khao trong cùng một đội bóng, và mối tình tay ba với HLV của chính mình. 

    Ngoài dàn diễn viên trẻ đẹp, “Bản kê số phận” có sự góp mặt của các sinh viên của trường Đại học TDTT TPHCM. Được biết, nhà sản xuất đã dự tính mời một số ngôi sao bóng chuyền như Kim Huệ, Phạm Yến tham gia song vì nhiều lý do, nhất là thời gian nên không thực hiện được.
    Huy Quang • 13:37 ngày 13/02/2015

    Bài viết hay? Ấn để tương tác

    Bình luận
    Thông tin Toà soạn
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Tổng biên tập:
    Nguyễn Tùng Điển
    Phó Tổng biên tập:
    Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
    Địa chỉ:
    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Tel:
    (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
    Fax:
    (84.24) 3553 9898
    Email:
    Thông tin Liên hệ
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Hotline:
    0903 203 412
    Email:

    Địa chỉ liên hệ:

    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Đăng nhập
    hoặc

    Email:

    Mật khẩu:

    Quên mật khẩu?


    Bạn chưa có tài khoản? Đăng ký ngay