TỪ TRÊN LƯNG TRÂU CÙNG MẢNH RUỘNG CẰN
Chỉ cách đây 5 năm, ngay cả trong mơ hai anh em ruột họ Quách và người đồng hương Trọng Hinh cũng không thể mơ một ngày mình trở thành tuyển thủ quốc gia, được xuất ngoại, giành huy chương quốc tế. Đơn giản vì họ đều là con nhà nông dân nghèo người dân tộc Mường của xứ Thanh đã bị bó chặt với cuộc sống đầy lam lũ, vất vả, thiệt thòi đến mức hồn nhiên.
Ngay từ khi mới 10-11 tuổi, hàng ngày, anh em Lịch - Lan đã làm đủ thứ việc giúp gia đình, từ chăn trâu, kiếm củi cho đến nấu mấy nồi cám khổng lồ cho đàn lợn cả chục con. Người dân nơi đây quá quen với hình ảnh Lịch - Lan mỗi người cưỡi trên lưng trâu, với một bó củi to đùng phi từ đồi về nhà.
Còn Hinh, cũng ở tuổi ấy đã phải thường xuyên theo bố mẹ ra đồng để “đánh vật” với 6 sào ruộng trên mảnh đất cằn cỗi. Trừ mỗi chuyện cày bừa được miễn vì quá sức vóc, Hinh phải làm đủ, nào tát nước, cấy gặt, vác lúa, đạp tuốt lúa, và luôn bị ám ảnh với những buổi ngày mùa quần quật ngoài đồng tới tận đêm khuya.
Lịch - Lan và Hinh có lẽ đã là những người nông dân an phận ở vùng quê xa lắc, hay đi làm công nhân tại các khu công nghiệp, nếu như không có sự bén duyên với thể thao ngẫu nhiên. Có sức vóc của người Mường quen rèn luyện, cả ba được nhà trường cử đi tham dự Hội Khỏe Phù Đổng rồi may mắn lọt vào tầm ngắm của các HLV điền kinh Thanh Hóa đi tuyển quân. Và họ cũng không phải suy tính bất cứ điều gì khi nhận lời lên tỉnh tập luyện thi đấu điền kinh, với xuất phát điểm hết sức giản dị, vừa được bao cấp ăn ở lại có thêm vài trăm nghìn mỗi tháng gửi về nhà.
ĐƯA“ĐỈNH” SEA GAMES VÀ ASIAD VỀ XỨ MƯỜNG
Thực ra cả 3 gương mặt đất Mường đều được ăn tập điền kinh rất muộn, thậm chí so ngay với mặt bằng chung Việt Nam. Sớm nhất như Lan cũng ở tuổi 14, Hinh 15, và thậm chí Lịch phải mãi đến 18. Trước đó, họ cũng không có bất cứ ý niệm nào về thể thao, chứ chưa nói đến phương pháp hiện đại này thông tin quốc tế nọ.
Những chân chạy người dân tộc thiểu số này chỉ biết lao vào tập và tập một cách mê mải, luôn quyết tâm và nỗ lực hoàn thành vượt mức mà các thầy đặt ra. Và điều quyết định, cả Lịch, Lan và Hinh đều có đầy đủ các tố chất lý tưởng cho đường chạy, cả về hình thể, tốc độ, sức bền đặc trưng của người Mường, cộng thêm tích lũy hiếm có từ thời trên lưng trâu và mảnh ruộng cằn. Với họ, cả trong tập luyện và thi đấu, không hề tồn tại cái gọi là sợ hãi hay ngán ngại.
Dù thực tế phát triển có thể khác nhau song bộ ba đến từ Ngọc Lặc đều có những bước thăng tiến đáng kinh ngạc mà như lời của Trưởng bộ môn điền kinh Thanh Hóa, cựu kỷ lục gia việt dã quốc gia Lưu Văn Hùng là “chưa từng có ở Việt Nam”, nhất là trường hợp của Lan và Hinh. Đến năm 2012, họ đã là các nhà vô địch tuyệt đối ở nội dung của mình, rồi cùng được đặc cách lên thẳng ĐTQG.
Cũng chỉ mất thêm đúng 1 năm trên Tuyển nữa, Lịch - Lan - Hinh đã vượt ra khỏi tầm quốc nội để bắt đầu cùng nhau vươn ra chinh phục các đấu trường quốc tế. Hành trình đó được đánh dấu một cách không thể ngoạn mục hơn với tấm HCB lịch sử của cô em nhà họ Quách tại ASIAD 2014. Nếu kinh nghiệm dày dặn hơn, Lan đã có thể bước lên ngôi cao nhất.
Và ba chân chạy đã làm nên một hội tụ đỉnh cao trên đất Singapore hồi tháng 6 vừa qua khi biến một phần của môn điền kinh SEA Games 28 thành đường chạy của người Mường Ngọc Lặc. Lan dù không đạt phong độ tốt vẫn giành 1 HCB 400m, đồng thời đóng vai trụ cột giúp Việt Nam lật ngôi người Thái ở tiếp sức 4x400m với một kỷ lục Đại hội. Lịch rất thiếu may mắn khi phải chạm trán đối thủ quá mạnh người Mỹ nhập tịch Phillippines cũng có 2 HCB 400m và 400m rào. Đáng kể nhất, Hinh đã xuất sắc về nhất 200m để mang về chiến tích Vàng đầu tiên cho điền kinh Việt Nam ở đường chạy ngắn. Hinh được coi như ông “Vua tốc độ” mới của ĐNÁ.
CÙNG ĐI MỸ VÀ MƠ OLYMPIC
Bộ ba Lịch - Lan - Hinh thực sự là tương lai đáng kỳ vọng cho cả TTVN, mà kỳ tích 1 HCB ASIAD, 2 HCV, 3 HCB SEA Games mới chỉ là một sự khởi đầu. Họ hãy còn rất nhiều thời gian, khả năng, nhất là khi khi Lịch chưa đầy 22 tuổi, còn Lan và Hinh cùng 19.
Theo kế hoạch đầu tư trọng điểm của ngành thể thao và đơn vị chủ quản Thanh Hóa, cả 3 ngôi sao đang lên ấy đều sẽ sang Mỹ tập huấn dài hạn. Hiện tại, hai anh em Lịch - Lan đang rèn giũa tại một trung tâm chất lượng cao của cường quốc điền kinh số 1 thế giới, dưới sự dẫn dắt của chuyên gia ngoại, trong một quy trình chặt chẽ. Tới đây, đến lượt Hinh sẽ hội ngộ cùng 2 người đồng hương tại đây.
Họ đang cùng nhau hướng tới các mục tiêu tầm cao lâu dài, mà trước hết là tranh suất chính thức dự tranh Olympic 2016. Dựa trên các thông số cùng lộ trình tăng tốc, nó đã ở rất gần anh em nhà Lịch – Lan. Còn Hinh sẽ phải phấn đấu rất nhiều do khoảng cách so với chuẩn hãy còn tương đối xa, song với những gì mà “Vua tốc độ” ĐNÁ đã thể hiện, không có gì là không thể.
Chắc hẳn sẽ là một kỳ tích khi ở Olympic 2016 có đại diện của đất Mường góp mặt. Và nó giống như một câu chuyện thần kỳ nếu cả bộ ba Lịch - Lan - Hinh đều thành công.
Như đánh giá trong sự thán phục và kinh ngạc từ các chuyên gia, điền kinh Việt Nam đang có 4 tài năng trẻ sáng giá nhất ở đẳng cấp hàng đầu ĐNÁ, thì có tới 3 gương mặt là người dân tộc Mường của huyện miền núi Ngọc Lặc của xứ Thanh. Người thứ 4 ngoài Lịch - Lan - Hinh chính là kỷ lục gia SEA Games Nguyễn Thị Huyền, cũng là người yêu của Lịch và đồng đội thân của Lan. Đất vô danh thành “lò” điền kinh số 1 Trước Lịch - Lan - Hinh, huyện miền núi phía Tây Ngọc Lặc hoàn toàn vô danh về thể thao, chưa từng có một VĐV đúng nghĩa nào, kể cả cấp tỉnh. Thế nhưng, giờ đây, bộ ba tài năng này đã bất ngờ đưa Ngọc Lặc trở thành một “lò” điền kinh số 1 ở xứ Thanh, thậm chí cả Việt Nam. Rõ ràng những bước đột phá khó tin, phần nào đó vượt ra khỏi các chuẩn mực thông thường của họ đã chứng tỏ tố chất, tiềm năng của người xứ Mường độc đáo như thế nào. Không phải ngẫu nhiên, mới đây, Viện Khoa học TDTT đã cử một nhóm chuyên gia đầu ngành về tận nơi để làm một công trình nghiên cứu riêng về hiện tượng đặc biệt từ hình mẫu của Lịch - Lan - Hinh để có những tổng kết, định hướng chung trong việc tuyển chọn, đào tạo VĐV. Ngành thể thao Thanh Hóa cũng đã cắt cử một số HLV về bám trụ trực tiếp ở đây, cũng như mở rộng sự kết nối tới hàng loạt trường học để tìm kiếm, phát hiện các nhân tố mới. |