Bóng Đá Plus trên MXH

Bóng đá Anh và chu kỳ mới ở Champions League: Hết thành công chứ chưa phải lụn bại
07:46 ngày 29/03/2015
Có những nguyên nhân rõ rệt hơn, dẫn đến kết cục tất yếu là bóng đá Anh bị xóa sổ trước vòng tứ kết Champions League 2014/15 (và cả 2 cúp châu Âu nói chung)? Hay đấy đơn giản chỉ là vấn đề chu kỳ, là sự thăng trầm thuần túy mà bất cứ cường quốc nào cũng đã trải qua trên đấu trường các cúp châu Âu?
    MỘT CHU KỲ MỚI ĐÃ ĐƯỢC KHẲNG ĐỊNH!
    Mỗi tờ báo Anh đều có cách trình bày riêng để thể hiện một cách khái quát thành tích của các đại diện Premier League trên đấu trường Champions League. Đồ họa nào trông cũng bắt mắt. Nhưng tóm lại, mùa bóng 2007/08 là đỉnh điểm của sự thành công. Premier League có 4 đội lọt vào tứ kết, 3 đội vào bán kết và 2 đội vào chung kết Champions League trong mùa bóng ấy. 

    Ở 2 mùa bóng ngay trước và ngay sau đó (2006/07 và 2008/09), mùa nào Premier League cũng có 3 đội lọt vào bán kết, và dĩ nhiên hệ quả là có đại diện ở trận chung kết Champions League. Tổng quát hơn, Premier League luôn có đại diện đá trận chung kết Champions League ở giải đoạn 2005-2009, hoặc chỉ vắng mặt ở trận chung kết 1 lần trong giai đoạn 2005-2012. Chelsea lật đổ Barcelona ngay giữa lúc sự ngưỡng mộ Tiqui-Taca trên khắp thế giới lên đến tột đỉnh, rồi họ thắng luôn Bayern Munich ngay tại Allianz Arena để lần đầu đăng quang vô địch Champions League (2012).


    Đội bóng... số 6 ở Premier League đã đủ sức xô ngã những chướng ngại vật lớn nhất trên đường tiến đến đỉnh cao ở Champions League, thiên hạ làm sao có thể cưỡng lại nhận định cho rằng Premier League thực sự thống trị châu Âu trong giai đoạn ấy?

    Gần như không ai có thể tưởng tượng, đấy hóa ra lại là dấu chấm hết cho cả một giai đoạn rực rỡ. Ngay mùa kế tiếp, Premier League đã bị loại sạch trước vòng tứ kết Champions League. Một chút gắng gượng ở mùa bóng 2013/14 chẳng cứu vãn được bao nhiêu cho sự kiêu hãnh của Premier League. Và đến mùa này, các đại diện Premier League lại đồng loạt dừng bước trước ngưỡng cửa tứ kết. Thế nên, phải nói rằng chu kỳ mới đã được “khẳng định” - chứ không phải là “bắt đầu” - chu kỳ này đã bắt đầu cách đây 2 năm!

    ĐẤY CÓ PHẢI LÀ CHU KỲ THẤT BẠI?
    Bàn về vấn đề chu kỳ, chúng ta lại phải xem kỹ giai đoạn từ năm 2005 trở về trước. Chỉ có đúng một lần đại diện Premier League lọt được vào trận chung kết Champions League trước năm 2005 (M.U năm 1999 - kỷ nguyên Champions League bắt đầu từ mùa bóng 1992/93).

    Một đại diện duy nhất được góp mặt ở trận chung kết trong suốt giai đoạn 1993-2004! Quay sang Europa League (gồm cả Cúp UEFA nếu tính từ mùa bóng 1992/93), chúng ta cũng chỉ thấy đại diện Premier League xuất hiện ở trận chung kết 2 lần.  Khác biệt như ngày và đêm so với thời kỳ hoàng kim 2005-2012 nêu trên. Trong thời kỳ này, thậm chí các đội xoàng xĩnh như Middlesbrough hoặc Fulham (họ đều chỉ đang thi đấu ở bảng hạng Nhì hiện thời) cũng đã vào tận chung kết Europa League, phụ họa cho sự bay bổng của các “đại gia” luôn tiến xa ở Champions League.
    Quá rõ ràng: sự thăng trầm của bóng đá Anh trên đấu trường các cúp châu Âu mang tính chu kỳ. Nhưng ở đây, phải xác định rõ: các đại diện Premier League đã kết thúc chu kỳ thành công - hơn là họ đã bước vào chu kỳ thất bại. 


    Thiên hạ đã làm ầm ĩ quá mức chuyện các đại diện Premier League vắng bóng trước vòng tứ kết Champions League 2014/15 và dường như quên rằng Champions League là đấu trường lớn mà quê hương bóng đá chỉ có vinh dự góp mặt ở trận chung kết đúng 1 lần trong suốt 12 mùa bóng đầu tiên (ở kỷ nguyên hiện đại). Đây là lúc các đội bóng Anh trở về với vị trí vốn có của họ, hơn là bóng đá Anh thất bại! Premier League vẫn yên tâm tận hưởng 4 suất dự Champions League trong khi Serie A chỉ có 3 suất, thất bại nỗi gì!

    GIẢI NÀO CŨNG CÓ CHU KỲ
    Nhìn vào toàn bộ lịch sử, đâu thể nói rằng Serie A thua sút Premier League đến nỗi đáng chịu thiệt thòi, chỉ được cử 3 đại diện dự Champions League. Kỳ thực, Serie A không thua bất cứ giải đấu nào ở châu Âu. Nhưng đây là giai đoạn mà Serie A lụn bại, với mỗi một Juventus lọt được vào vòng tứ kết Champions League.

    “Bà đầm già” coi như đã bỏ túi ngôi vô địch Serie A mùa này, lần thứ 4 liên tiếp. Vô địch Serie A 4 lần liên tiếp là điều mà ngoài Juventus, chỉ có 2 đội khác từng làm được trong suốt lịch sử: Inter từ năm 2010 trở về trước, với những thuận lợi hiển nhiên mà ai cũng biết, và Torino ở những năm ngay sau khi kết thúc chiến tranh. 

    Nói cách khác, ở Serie A thì Juventus không có đối thủ xứng đáng. Nhưng ở Champions League, đã hơn chục năm trôi qua mà Juventus chưa bao giờ tiến xa hơn vòng tứ kết. Nói vậy để thấy Serie A hiện thời yếu như thế nào. Đấy chính là chu kỳ thất bại.

    Trước khi M.U trở thành đại diện Premier League đầu tiên được biết cảm giác đá trận chung kết Champions League, thì Serie A luôn có đại diện góp mặt trong trận đấu này. Tính cả thời kỳ C1, đại diện Serie A chỉ vắng mặt đúng 1 lần ở trận chung kết trong giai đoạn 1989-1998. Sau đó, họ vắng bóng 4 mùa liên tiếp; có 4 đại diện góp mặt ở 5 trận chung kết tiếp theo; rồi chỉ có 1 đại diện đá trận chung kết tính từ mùa bóng 2007/08 đến nay. Đấy mới là chu kỳ thất bại. Và nhìn chung, nền bóng đá nào cũng có chu kỳ thăng, trầm ở trận địa châu Âu.

    Chính trị cũng làm chu kỳ bóng đá thay đổi
    Ai cũng biết: tiền bạc không quyết định thành tích, nhưng có ảnh hưởng to lớn đến sức mạnh của các CLB trong làng bóng chuyên nghiệp. Monaco gần như không phải nộp thuế trong khi các đội bóng Pháp phải chịu mức thuế 75%. Đấy là khác biệt lớn ảnh hưởng đến cuộc cạnh tranh giữa Monaco với các CLB Pháp ở giải Ligue 1.

    Một thời, TBN miễn giảm thuế cho lực lượng lao động đến từ nước ngoài, hòng thu hút tài năng đến TBN làm việc. Rất nhiều ngôi sao bóng đá đổ xô đến La Liga vì chính sách ấy. Bây giờ, chính sách ấy không còn nữa, vì chính quyền TBN... đã thay đổi. Cũng vậy, mức thuế 75% tại Pháp trước đây chưa có. Đấy là “sản phẩm” của chính quyền bây giờ.

    Serie A ngày xưa vang danh thiên hạ nhờ sức mạnh của đồng lira trong tay họ. Bây giờ, các đại diện Serie A suy yếu trước tiên vì họ yếu về tài chính. Vì sao các đội ở Serie A yếu về tài chính thì đấy chưa chắc đã là chuyện riêng của giới bóng đá. Đấy là chuyện thời cuộc, là chính trị nữa. Như đã nêu trên: các CLB Pháp hoặc TBN có thể cười hoặc khóc ngay khi ghế Thủ tướng thay đổi, hoặc ngay sau những quyết định khác nhau của cùng một Thủ tướng.

    Tất nhiên, còn phải bàn đến chính sách của giới lãnh đạo bóng đá từng nơi, có liên quan đến việc phát triển tài năng theo từng thế hệ. Đấy cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc thay đổi chu kỳ thành bại. Nhưng ở đây, hãy xin lưu ý: đừng bỏ qua chính trường châu Âu khi bàn về sự thăng, trầm theo chu kỳ của các nền bóng đá lớn.

    Suy cho cùng, bóng đá hiện đại đâu còn là bóng đá thuần túy nữa. Đấy còn là kinh tế, là chính trị mà!
    Cát Phương • 07:46 ngày 29/03/2015

    Bài viết hay? Ấn để tương tác

    Bình luận
    Thông tin Toà soạn
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Tổng biên tập:
    Nguyễn Tùng Điển
    Phó Tổng biên tập:
    Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
    Địa chỉ:
    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Tel:
    (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
    Fax:
    (84.24) 3553 9898
    Email:
    Thông tin Liên hệ
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Hotline:
    0903 203 412
    Email:

    Địa chỉ liên hệ:

    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Đăng nhập
    hoặc

    Email:

    Mật khẩu:

    Quên mật khẩu?


    Bạn chưa có tài khoản? Đăng ký ngay