Có 13 bàn, tức khoảng 1/3 tổng số bàn thắng của Real trên đường chinh phục cú “Decima” đến từ tình huống phản công. Con số này cao hơn hẳn so với tỷ lệ chung của giải là 23% tổng số bàn thắng thuộc các tình huống mở được ghi từ pha phản công.
Thế còn đội Đức? Nhà vô địch World Cup 2014 có lối chơi thiên hẳn về công, ghi bàn rất nhiều, nhưng họ thành công còn vì một khả năng dễ thấy: chống phản công. Với thủ môn xuất sắc Manuel Neuer chơi rất hay trong vai hậu vệ cuối cùng, chẳng bao giờ hàng thủ đội Đức rơi vào tình huống phải cuống cuồng chạy về để chống đỡ khi đối phương phản công nhanh.
Điểm chung giữa hai đội bóng thành công nhất trong năm: họ đều xem phản công là vũ khí quan trọng nhất trong bóng đá đỉnh cao. Real phát huy tốt vũ khí này, còn đội tuyển Đức biết cách vô hiệu hóa vũ khí này.
Theo ban chuyên môn của UEFA, tỷ lệ 23% số bàn thắng đến từ tình huống phản công ở Champions League mùa bóng 2013/14 là con số đã giảm sút so với 27% ở mùa trước đó và thấp hơn rất nhiều so với con số 40% ở mùa bóng 2005/06 (chỉ tính trong các tình huống mở). Xu hướng rõ ràng: các đội bóng đỉnh cao ngày càng biết cách chống đòn phản công của đối phương. Chỗ này, HLV Jose Mourinho là một bậc thầy.
Các buổi tập của Chelsea dưới thời Mourinho gồm 4 bài chính: tấn công, phòng thủ, hoán chuyển từ thế thủ sang thế công và hoán chuyển từ thế công sang thế thủ. Trước đây, giới bóng đá đỉnh cao thường tâm đắc về một bài học kinh điển: đội bóng giỏi là đội có khả năng hoán chuyển thật nhanh từ thế thủ sang thế công (nên họ rất dễ ghi bàn).
Ai cũng biết, Mourinho là HLV luôn ngả về lối chơi thận trọng, là một chuyên gia phòng ngự. Vả lại, ông còn là người dám nghĩ, dám làm, dám đi ngược với xu thế chung. Từ lâu, Mourinho đã có quan điểm rõ ràng: hoán chuyển từ thế công sang thế thủ mới là điều quan trọng nhất. Đấy luôn là bài chủ đạo của Mourinho trên sân tập. Và đấy chính là bài chống phản công. Đức vô địch World Cup nhờ căn bản này. Mourinho có một sự nghiệp lừng lẫy cũng là nhờ căn bản này.
Bạn muốn phản công? Điều kiện đầu tiên là đối phương phải bất ngờ mất bóng. Như thế có nghĩa, phản công vốn dĩ đã là cách chơi có tính thụ động cao, cần điều kiện để bùng nổ. Khi đội tuyển Đức hoặc Chelsea mất bóng thì đấy chủ yếu là do độ khó của đường chuyền cuối cùng. Họ không mất bóng một cách bất ngờ. Hàng thủ của họ đã luôn sẵn sàng đối phó với những tình huống như thế, nên pha phản công của đối phương thường đã hỏng từ trước khi nó bắt đầu. Quá đơn giản, nhưng không phải ai cũng làm được!