1. Trong tuần qua, Việt Nam “có duyên” với 2 từ: Nhật Bản. Có 2 thông tin mang tính tiêu cực: lãnh đạo một công ty Nhật Bản khai đưa hối lộ 16 tỷ đồng cho một số quan chức ngành Đường sắt Việt Nam để đổi lại việc giành được hợp đồng cho các dự án ODA; một tiếp viên hàng không Việt Nam bị bắt tại Nhật Bản do tiêu thụ hàng hóa ăn cắp.
Một thông tin khác mang tính cảnh báo, khi tại Hội thảo “Khởi tạo động lực tăng trưởng mới: Tăng cường liên kết doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài - nội địa”, Giáo sư Kenichi Ohno người Nhật Bản cho rằng: “Có 5 triệu chứng cho thấy Việt Nam đang rơi vào bẫy thu nhập trung bình”.
Trong lĩnh vực bóng đá, từ khóa “Nhật Bản” cũng xuất hiện khi Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Việt Nam, Lê Hùng Dũng bật mí việc Nhật Bản sẽ hỗ trợ, giúp đỡ phát triển bóng đá Việt Nam. Đây là một hướng đi chưa có tiền lệ, được kỳ vọng sẽ vừa mang tính đột phá vừa là giải pháp căn cơ.
2. Trong bài phát biểu đồng thời cũng là cương lĩnh hành động tại Đại hội Liên đoàn bóng đá Việt Nam khóa VII, Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng đã thuyết phục được đại diện của các tổ chức thành viên về việc học tập và áp dụng mô hình phát triển bóng đá của Nhật Bản, cường quốc số 1 châu Á về bóng đá.
Chủ tịch Lê Hùng Dũng phân tích về việc cần tận dụng tối đa cơ hội lần đầu tiên có sự kiện bóng đá được xuất hiện trong “Tuyên bố chung Việt Nam - Nhật Bản” ở cấp cao nhất: Nguyên thủ Quốc gia. Chủ tịch Lê Hùng Dũng cho rằng: “Chưa bao giờ sự hợp tác giữa Việt Nam với Nhật Bản tốt đẹp như hiện nay, từ “đối tác chiến lược” nâng lên thành “đối tác chiến lược sâu rộng, toàn diện”.
Với tỷ lệ phiếu bầu 96,77%, ông Lê Hùng Dũng chính thức trở thành Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam,
nhiệm kỳ 2014-2018, gánh vác trách nhiệm trong việc phát triển nền bóng đá Việt Nam
Liên đoàn bóng đá Việt Nam sẽ tham dự cuộc tiếp kiến với Thủ tướng Shinzo Abe ngày 8/4/2014 tại Văn phòng Chính phủ Nhật Bản. Nhân dịp này, có thể có một Biên bản ghi nhớ về việc hợp tác giữa 2 Liên đoàn Bóng đá Quốc gia Việt Nam và Nhật Bản.
Đó sẽ là cơ sở bước đầu để VFF đề nghị Tổng cục TDTT, Bộ VH, TT&DL có Tờ trình đưa việc hỗ trợ, giúp đỡ, phát triển bóng đá Việt Nam vào chương trình hợp tác giữa 2 Chính phủ. Nếu được vậy, tôi tin rằng đây sẽ là một trong những cơ sở quan trọng để Liên đoàn bóng đá Việt Nam triển khai chiến lược phát triển một cách căn cơ, bền vững, hiệu quả”.
Dưới cách nhìn của một doanh nhân đam mê và có 16 năm gắn bó với bóng đá ở các cương vị khác nhau, Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng đã… chớp cơ hội ghi bàn. Ông chắc hẳn đã nhìn thấy bài học thất bại của Indonesia, Thái Lan, Singapore tìm kiếm sự hợp tác, giúp đỡ tận châu Âu nhưng tính hiệu quả không cao lại quá tốn kém, chưa kể việc “bỏ hết trứng vào một giỏ”.
3. Rất nhiều nước sau khi thoát nghèo, mức thu nhập bình quân đầu người tính theo GDP đạt ngưỡng 2.000 USD/năm đã rơi vào “bẫy thu nhập trung bình”, có nghĩa là sau đó hoặc không tăng hoặc tăng không đáng kể.
Giải bóng đá Vô địch Quốc gia được đổi tên thành “ V-League ” từ năm 2001 và đã có những bước chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, kể từ năm 2011 V.League đã rất khó khăn để tiếp tục đà phát triển. Đội tuyển Quốc gia, bộ mặt của nền bóng đá, sau đỉnh cao vô địch Đông Nam Á năm 2008, cũng có xu hướng đi xuống về thành tích.
Nói nôm na, bóng đá Việt Nam đang rơi vào “bẫy thu nhập trung bình”. Và đó chính là áp lực, gánh nặng đặt lên vai lãnh đạo VFF nói riêng và cả ngành Thể thao nói chung. Do đó, việc tìm lối ra bằng cách hòa mình vào dòng chảy, mối quan hệ đặc biệt giữa Việt Nam với Nhật Bản ở tất cả các lĩnh vực kinh tế, đầu tư, công nghệ, văn hóa, du lịch, thể thao… theo kiểu “nước lên thuyền lên” là một cách tiếp cận khả thi và hứa hẹn mang lại hiệu quả.
Là một người từng trải, Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng cũng rất tỉnh táo khi dự đoán khả năng cá nhân ông bị chỉ trích và bóng đá Việt Nam có thể không có thành tích tốt trong quãng thời gian 5-7 năm, coi đó là cái giá phải trả cho việc cải tổ triệt để và toàn diện.