Bóng Đá Plus trên MXH

Các cầu thủ HA.GL đang ở đâu?
10:10 ngày 14/03/2015
9 cầu thủ của HA.GL đã được triệu tập lên ĐT Olympic Việt Nam và đây được coi là nòng cốt cho bóng đá Việt Nam ở thời điểm hiện tại. Thế nhưng, những gì mà các “sao mai” phố Núi đang thể hiện vẫn chưa xứng đáng như kỳ vọng. Vậy đâu là nguyên do?
    QUÂN ĐÔNG CHƯA PHẢI LÀ MỘT LỢI THẾ
    Như đã đề cập, để chuẩn bị cho vòng loại U23 châu Á 2016, HLV Toshiya Miura đã gọi 30 cầu thủ vào ĐT Olympic Việt Nam. Trong số đó, có đến 9 cầu thủ của CLB HA.GL, tức là gần 1/3 lực lượng được triệu tập. Sau thành công của U19 Việt Nam mà nòng cốt là Học viện bóng đá HA.GL - Arsenal JMG, rất nhiều người kỳ vọng, lứa cầu thủ này sẽ tiếp tục tạo cảm hứng cũng như gặt hái thêm những thành công trong màu áo Olympic Việt Nam.

    Điểm tựa cho những niềm tin ấy là ông Miura có trong tay một bộ khung với những cầu thủ đã được đào tạo rất cơ bản về kỹ thuật và từng chơi bóng bên cạnh nhau 7-8 năm. Hơn thế nữa, họ cũng đã trở nên cứng cáp khi được HA.GL đôn lên chơi ở V.League 2015. Sự kỳ vọng càng lớn bởi HLV Miura, vốn được coi là người phù hợp để rèn thêm sự sức mạnh cho các cầu thủ đến từ phố Núi. 


    Có một điều dễ nhận thấy, bản thân các cầu thủ của HA.GL cũng rất khát khao chứng tỏ bản thân mình. Chính người viết từng được một cầu thủ của đội bóng phố Núi chia sẻ rằng: “Người ta vốn chỉ biết đến U19, dù chúng tôi nay đã 20 tuổi rồi. Do vậy, việc được triệu tập lên Olympic Việt Nam là để bản thân cũng như nhiều đồng nghiệp khẳng định năng lực. Chúng tôi hoàn toàn tự tin với vốn liếng trong tay và những sự trải nghiệm ở U19 Việt Nam và cả V.League”.

    Thế nhưng, cho đến thời điểm này, những cầu thủ của HA.GL chưa để lại thật nhiều ấn tượng, thậm chí họ chưa vượt qua được chính mình do chấn thương và những yếu tố khách quan…

    ĐỐI THỦ LÀ CHÍNH MÌNH
    Trong số 9 cầu thủ HA.GL, có nhiều trường hợp đã bị dính chấn thương trước khi có lệnh tập trung. Điển hình như tiền vệ Lương Xuân Trường, cầu thủ này đã phải nghỉ thi đấu trong màu áo HA.GL từ trước Tết Nguyên đán 2015, thậm chí, các bác sĩ xác nhận anh phải nghỉ một thời gian dài mới có thể trở lại sân cỏ. 

    Một vài ví dụ khác, tiền vệ Hoàng Thanh Tùng cũng bị chấn thương ở bắp đùi, trong khi đó Nguyễn Phong Hồng Duy cũng đã gặp những vấn đề về phần cơ. Ngoài ra, còn có những trường hợp khác như Nguyễn Tuấn Anh hay Lê Đức Lương. 


    Sau 2 trận giao hữu, thậm chí tính cả buổi tập, thủ môn Văn Tiến, Tuấn Anh, Văn Sơn, Đức Lương, Văn Toàn và Công Phượng là người có số phút ở trên sân cao nhất. Số còn lại gần như phải tập với giáo án riêng, mới đây nhất, các bác sĩ cho biết: Hồng Duy gần như đã hết cơ hội để tham dự VL U23 châu Á 2016 tại Malaysia.

    Đã có những giải thích xung quanh chuyện các cầu thủ HA.GL chưa khẳng định được năng lực của mình. Một trong số đó là nền tảng thể lực, vốn được coi là điểm yếu nhất của đội bóng phố Núi ở V.League. Nhưng đó là một câu chuyện dài chứ không thể gói gọn trong dăm ba dòng, bởi như nhiều lần đã nói đến, chưa có nhiều cầu thủ của HA.GL tập sức mạnh cơ bắp một cách bài bản, cho đến khi lên đội tuyển.

    CÒN ĐÂU ĐẬP - NHẢ…
    Trong bóng đá, tư duy là điều khó đổi thay nhất. Nếu xét theo hệ quy chiếu này, có vẻ như các cầu thủ của HA.GL đang gặp vấn đề với việc hòa nhập lối chơi của ĐT Olympic Việt Nam. Ở đội bóng phố Núi, các cầu thủ được yêu cầu cầm bóng, đập nhả, dựa trên sự di chuyển linh hoạt cũng như kỹ thuật khéo léo của từng người; thì ở đội tuyển, HLV Toshiya Miura yêu cầu các học trò phải chơi bóng ít chạm, chơi bóng quyết liệt và đề cao yếu tố phòng ngự.
     
    Để phục vụ cho cách chơi của mình, nhà cầm quân người Nhật đã bắt đầu với những bài tập giáo án thể lực rất nặng, điều này đã khiến không ít cầu thủ phải sốc, trong đó có các cầu thủ của HA.GL vốn vẫn trong giai đoạn tăng cường sức mạnh cơ bắp.

    Cũng nói thêm về lối chơi, khi Lương Xuân Trường chấn thương và phải chia tay VL U23 châu Á, Tuấn Anh trở thành niềm hy vọng của tuyến giữa. Nhưng việc thiếu đối tác ăn ý từ lúc vào “lò” JMG cho đến U19 Việt Nam đã khiến anh “đánh mất” cảm quan chơi bóng của mình. 


    Có thể, Tuấn Anh cần được phục vụ bóng nhiều, nếu anh phải đóng vai của một “nhà tổ chức”. Để làm được  điều đó, không chỉ cá nhân Tuấn Anh phải nỗ lực, mà lối chơi của đội tuyển cũng cần có những sự điều chỉnh vì tiền vệ này chưa bao giờ là “người chia bài” xuất sắc, do vậy anh cần phải có thêm thời gian để học và thích nghi.

    Khả dĩ nhất trong số những cầu của HA.GL là Công Phượng. Thực tế “số 10” của Olympic Việt Nam chưa xuất hiện ở đội hình xuất phát ở 2 trận đấu với HN.T&T và Olympic Indonesia. Nhưng mỗi cú chạm bóng của Phượng đều mang đến cho NHM những hy vọng. Vấn đề hiện nay là người ta chờ xem, ông Miura sử dụng Công Phượng ra sao, và liệu rằng, anh có là chính mình, khi không có những vệ tinh quen thuộc ở xung quanh.

    Cùng với Công Phượng, Văn Toàn cũng là một niềm hy vọng nhưng cho đến thời điểm này anh vẫn chưa thể hiện được nhiều. Trong khi đó, Văn Sơn chưa được tạo cơ hội, dù hậu vệ cánh phải này, được đánh giá là người chơi bóng rất thông minh. Cầu thủ còn lại, Lê Đức Lương vẫn trong giai đoạn dưỡng thương nên cần phải chờ thêm thời gian để thẩm định.

    Tóm lại, các cầu thủ HA.GL đang gặp những vấn đề khác nhau trong sự hòa nhập ở ĐT Olympic Việt Nam. Hãy còn quá sớm để đoán định một điều gì đó, bởi giải đấu chưa bắt đầu và họ cũng chưa bộc lộ được khả năng đã mang đến thành công trong thời gian qua. Vậy nên, chúng ta hãy cứ hy vọng…

    Tuấn Anh đã chơi như thế nào sau hai trận khoác áo Olympic Việt Nam?

    NỘI DUNG SẼ XUẤT HIỆN TẠI ĐÂY
    Độ cao sẽ thay đổi tùy theo nội dung đã xuất bản


    Đá trái “kèo”, lợi và hại
    Lê Đức Lương là một hậu vệ cánh trái, nhưng khi HA.GL thiếu trung vệ, HLV Guillaume Graechen đã đẩy anh vào đá trung vệ và Lương đã chơi khá tròn vai. Nguyễn Phong Hồng Duy là một tiền vệ cánh trái, nhưng lên U19 Việt Nam lại được kéo xuống đá hậu vệ trái và Duy đã chơi rất tốt. 

    Quế Ngọc Hải từng là một hậu vệ biên nhưng sau đó được kéo vào đá trung vệ, rồi ra biên, và bây giờ Hải là thủ lĩnh ở hàng phòng của Olympic Việt Nam… Đó có thể coi là một sự phát hiện khi các cầu thủ đá trái… kèo.

    Nhưng không phải sự thử nghiệm nào cũng thành công, chẳng hạn như ở Olympic Việt Nam hiện tại, ông Miura không thể đẩy Huỳnh Tấn Tài, một tiền vệ trung tâm ra đá tiền vệ biên bởi anh không có kỹ thuật và có những cú leo biên tạt cánh kiểu như Hoàng Thanh Tùng.


    Còn Nguyễn Văn Toàn (ảnh), vốn từng là Vua phá lưới giải U19 Đông Nam Á 2013 ở vị trí tiền đạo, rất khó để thành công, nếu bị kéo về đá tiền vệ cánh phải, vì cầu thủ Hải Dương giỏi hơn với cái chân trái của mình khi hoạt động ở hành lang trái…

    Rõ ràng, đưa đến những kết quả bất ngờ, đó là khi các HLV phát hiện ra những phẩm chất mới của các cầu thủ. Nhưng không phải cứ thử là ra nghiệm, thậm chí thử nhiều lần, sẽ khiến cho anh ta đánh mất bản năng đã làm nên thương hiệu  của mình. 

    Bây giờ, HLV Toshiya Miura đang lục tung cả đội hình để tìm ra những mảng ghép tốt nhất. Cũng hy vọng rằng, đó là những phép thử giúp Olympic Việt Nam tìm ra những nhân tố mới từ những con người cũ.
    Nhật Thị • 10:10 ngày 14/03/2015

    Bài viết hay? Ấn để tương tác

    Bình luận
    Thông tin Toà soạn
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Tổng biên tập:
    Nguyễn Tùng Điển
    Phó Tổng biên tập:
    Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
    Địa chỉ:
    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Tel:
    (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
    Fax:
    (84.24) 3553 9898
    Email:
    Thông tin Liên hệ
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Hotline:
    0903 203 412
    Email:

    Địa chỉ liên hệ:

    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Đăng nhập
    hoặc

    Email:

    Mật khẩu:

    Quên mật khẩu?


    Bạn chưa có tài khoản? Đăng ký ngay