TỪ PHA GHI BÀN HUYỀN THOẠI CỦA NILTON SANTOS...
Hậu vệ trái Nilton Santos của Brazil có bóng. Ông tiến về phía trước, dọc theo đường biên. Phía trong luôn có đồng đội sẵn sàng nhận bóng. Một mặt, đối thủ do dự trong việc truy cản bởi Nilton Santos đã tiến gần đến đường giữa sân. Hậu vệ mà dẫn bóng từ sân nhà sang sân đối phương là điều gần như chưa ai nghĩ đến ở thời điểm ấy. Mặt khác, đối phương có vẻ quan tâm hơn đến các cầu thủ Brazil có khả năng nhận đường chuyền của Nilton Santos, trong khu trung lộ.
Chẳng ngờ, Nilton Santos cứ giữ bóng và tiến mãi, tiến mãi. Làm sao có thể tưởng tượng ra một pha bóng như vậy, khi chính HLV Vicente Feola của Brazil cũng phải chạy theo Nilton Santos, gào khản cổ bên ngoài đường biên: “Chuyền đi. Quay về ngay”!
Mặc kệ, Nilton Santos đã tiến gần đến khu cấm địa. Các cầu thủ xông vào truy cản đều bị ông lừa qua dễ dàng. Pha bóng “điên rồ” kết thúc bởi một cú sút tung lưới, sau khi Nilton Santos đã lọt vào vị trí có thể ghi bàn. Bên ngoài, HLV Feola lắc đầu quầy quậy, giải thích ngay với bất cứ ai đứng gần: “Mọi người thấy đấy, tôi có thể làm gì được”!
Đấy không hề là một trận đấu tầm thường. Đấy là trận ra quân của đội tuyển Brazil ở World Cup 1958, và họ gặp Áo - đệ tam anh hào tại kỳ World Cup trước đó! Lần đầu tiên khán giả World Cup được xem một pha ghi bàn “kỳ dị” như vậy. Như đã nêu trên, hậu vệ biên mà dẫn bóng tấn công đã là chuyện lạ trong thập niên 1950. Ghi bàn từ một cơ hội do chính mình tạo ra càng là điều không thể tưởng tượng. Nilton Santos đi vào lịch sử với tư cách cha đẻ của khái niệm “hậu vệ biên tấn công”.
… Nilton Santos…
… ĐẾN CÚ SÚT KINH ĐIỂN CỦA CARLOS ALBERTO
Trận thắng Áo 3-0 mà Nilton Santos được ghi bàn thắng huyền thoại chính là trận đấu mở ra một cột mốc quan trọng khác của nền bóng đá Brazil lừng danh. Lần đầu tiên Brazil vô địch World Cup. Thế rồi, Brazil đoạt vĩnh viễn Cúp Jules Rimet với tư cách đội bóng đầu tiên 3 lần vô địch World Cup. Lần thứ 3 là kỳ World Cup 1970, Brazil thắng Italia 4-1 trong trận chung kết. Nếu như ấn tượng đầu tiên của Brazil trong chiến tích đoạt vĩnh viễn Cúp Jules Rimet là bàn thắng kỳ lạ của hậu vệ trái Nilton Santos thì ấn tượng cuối cùng lại thuộc về hậu vệ phải Carlos Alberto, người mang băng thủ quân trong một dàn sao gồm toàn những tượng đài lịch sử như Pele, Tostao, Gerson, Jairzinho, Rivelino...
Không nhất thiết phải có mặt tại sân trong trận chung kết lịch sử cách đây đã 45 năm, bởi cú ghi bàn tuyệt vời của Carlos Alberto đã được chiếu lại qua màn ảnh truyền hình không biết bao nhiêu lần, làm mãn nhãn bao nhiêu thế hệ hâm mộ bóng đá. Đấy là một cú sút không thể chống đỡ, sau khi Carlos Alberto tăng tốc lao vào vùng cấm địa để nhận đường chuyền nhẹ rất đúng tầm của Pele. Mười hai năm trước đó, Nilton Santos “khai sáng”, làm cả thế giới ngỡ ngàng hiểu ra rằng hậu vệ cánh có thể tấn công và ghi bàn.
Còn bây giờ, Carlos Alberto lại chứng tỏ: bàn thắng ấn định tỷ số 4-1 của ông trong trận chung kết World Cup 1970 là sản phẩm của một pha phối hợp không thể nhuần nhuyễn hơn, chính xác hơn, đẹp hơn. Đấy là một sự khẳng định: hậu vệ cánh trực tiếp tham gia vào khâu làm bàn là một chuẩn mực - chứ không có gì bất ngờ - trong bóng đá Brazil.
… Carlos Alberto…
ĐẤY MỚI LÀ “NHÃN HIỆU BRAZIL”
Vâng, chính khả năng tấn công của các hậu vệ cánh mới là đặc thù lớn nhất của bóng đá Brazil - chứ không phải các tiền vệ “số 10” hoặc tiền đạo như nhiều người nghĩ. Bóng đá Brazil khai sinh khái niệm “hậu vệ cánh tấn công”, nâng khái niệm ấy lên hàng nghệ thuật, rồi lại biến thành chuẩn mực trong kỷ nguyên hiện đại: một hậu vệ cánh xuất sắc đương nhiên phải là một cầu thủ tấn công giỏi.
Liệt kê những hậu vệ cánh lừng lẫy danh tiếng qua bao thời đại trong làng bóng Brazil là điều chẳng mấy khó khăn. “Nhãn hiệu Brazil” tuyệt vời ở chỗ: kể cả những cầu thủ gần như không được biết đến vẫn có khả năng tỏa sáng, làm cả thế giới ngỡ ngàng, khi anh ta đứng ở vị trí hậu vệ cánh trong hàng ngũ “Selecao”.
Tiêu biểu là câu chuyện kỳ lạ về Josimar. Ngay cả giới hâm mộ Brazil còn chưa chắc biết Josimar là ai, khi anh được HLV Tele Santana đưa vào danh sách tham dự World Cup 1986 (cần nhớ: đội tuyển Brazil trong các kỳ World Cup 1982, 1986 bao gồm rất nhiều “nghệ sĩ lớn” như Socrates, Zico, Falcao, Junior, Careca...).
Vào giờ chót, ngôi sao Leandro - được xem là một trong những hậu vệ hay nhất trong lịch sử bóng đá Brazil - tẩy chay đội tuyển dự World Cup 1986, để phản đối việc HLV Santana loại bỏ ngôi sao Renato. Josimar được gọi bổ sung “cho đủ tụ”. Khi ấy, anh chưa bao giờ khoác áo ĐTQG.
Sang Mexico, Edson chấn thương và Josimar bất ngờ được đá chính, ở vị trí hậu vệ phải. Anh ghi ngay 2 bàn trong 2 trận đầu tiên đá cho ĐTQG - và đấy đều là 2 bàn đáng nhớ trên sân cỏ World Cup. Một cú sút xa như nã đạn vào lưới Bắc Ireland, và một cú sút vào lưới Ba Lan, trong tình huống gần như không có góc sút!
… và Josimar
Cứ thế, truyền thống lừng lẫy của hậu vệ cánh Brazil được vun đắp qua bao thời đại, mãi đến tận bây giờ.
“Top 10” hậu vệ cánh Brazil
Tất nhiên, không thể so sánh cầu thủ thuộc các thế hệ khác nhau. Vậy nên, lựa chọn sau đây chỉ có giá trị tham khảo, một cách tương đối. Chúng tôi tạm gọi đây là 10 hậu vệ cánh đáng nhớ nhất xưa nay của bóng đá Brazil.
- Hậu vệ trái: 1/Nilton Santos; 2/Roberto Carlos; 3/Junior; 4/Marcelo; 5/Branco.
- Hậu vệ phải: 1/Carlos Alberto; 2/Cafu; 3/Leandro; 4/Djalma Santos; 5/Dani Alves.
THÓI QUEN “QUÊN PHÒNG THỦ” Khuyến khích các hậu vệ cánh lao lên tấn công? Trong làng bóng Brazil, đấy là điều vô nghĩa. HLV Tele Santana (dẫn dắt đội tuyển Brazil tại các kỳ World Cup 1982, 1986) từng nói: “Một trong những điều khó nhất trong công việc của tôi là nhắc các hậu vệ cánh quay về phòng ngự sau các pha tấn công”. Bóng đá hấp dẫn một phần vì nguyên tắc “cái chăn” kinh điển: muốn đắp dọc thì phải hở ngang. Không có vai trò nào, lối chơi nào, cách đá nào hoàn toàn ưu việt. Vậy nên, hậu vệ cánh Brazil càng xuất sắc bao nhiêu trong lĩnh vực tấn công thì lại càng sơ hở bấy nhiêu trong phòng ngự. Khoảng trống sau lưng các hậu vệ cánh luôn là khu vực mà đối thủ của đội Brazil thích nhất. Ai khai thác tốt các khoảng trống ấy thì sẽ thành công. Ít ra, đấy là lý thuyết. Branco và Jorginho là cặp hậu vệ cánh hiếm hoi của Brazil có thiên hướng phòng thủ Làm sao để các hậu vệ cánh Brazil trở nên công thủ toàn diện? HLV Felipe Scolari bỏ qua câu hỏi... hóc búa ấy. Ông nói về cặp Cafu - Roberto Carlos trong đội hình vô địch World Cup 2002: “Bảo họ chịu khó quay về phòng thủ thì chẳng khác gì bỏ đi một thứ vũ khí lợi hại. Thà làm ngược lại. Cafu và Roberto Carlos phải cố gắng sao cho không để mất bóng một cách bất ngờ khi tấn công”. Mỗi khi Brazil bị dính “phản đòn” ở khu vực sau lưng hậu vệ cánh, Scolari luôn cho rằng lỗi lớn nhất nằm ở hàng công chứ không phải bản thân các hậu vệ cánh không kịp lùi về. “Nếu như tình huống do họ châm ngòi được các cầu thủ tấn công phát triển tốt, đối phương đâu có cơ hội tung đòn trừng phạt”! Đấy chính là tính hai mặt trong truyền thống giỏi tấn công của hậu vệ cánh Brazil. Ngoài Branco và Jorginho trong nửa đầu thập kỷ 1990, rất khó tìm ra các hậu vệ cánh Brazil có thiên hướng phòng thủ trong lối chơi. |