Ông là cầu thủ đầu tiên trong bóng đá đỉnh cao ghi bàn hàng loạt từ tình huống sút phạt trực tiếp (60% tổng số bàn thắng của Didi cho ĐT Brazil - 12/20 bàn - là những pha sút phạt hàng rào). Đấy đã là ấn tượng quá sâu đậm rồi. Không những thế, Didi còn nâng kỹ thuật sút phạt lên hàng nghệ thuật.
Quả bóng bay bổng trên cao, vượt khỏi tầm khống chế của mọi cầu thủ, cứ như nó sẽ ra ngoài. Nhưng khi bóng bay đến gần cuối sân thì lực sút triệt tiêu. Lúc ấy, quả bóng bỗng “rơi” vào khung thành, nhẹ nhàng như chiếc lá úa rời cành. “Lá vàng rơi” là một thương hiệu tuyệt vời của bóng đá Brazil. Sau này, Zico là người thể hiện lại chuẩn xác nhất tuyệt tác của tiền bối Didi.
Ở châu Âu, danh thủ Pháp Michel Platini là một trong những tượng đài đầu tiên của nghệ thuật sút phạt. Platini kể rằng, từ bé, ông đã có niềm đam mê kỳ lạ, đó là phải làm sao sút quả bóng vào một ô cửa sổ bé tí, trên cao. Sau này, Platini làm các thủ môn ám ảnh mỗi khi ông đứng trước quả phạt trực tiếp.
Juninho ghi được rất nhiều bàn từ các cú sút phạt
Khác với Didi, quả phạt của Platini đáng chú ý ở độ chuẩn và sự sáng tạo. Ông thường sút rất chính xác vào vị trí “dán tem” trên khung thành. Khi đối thủ đã chuẩn bị kỹ thì Platini lại bất ngờ sút sệt, đúng lúc hàng rào đồng loạt bật nhảy để cản bóng!
Càng ngày, càng có nhiều ngôi sao sút phạt hay, nhưng ấn tượng sâu đậm như Platini, Zico hoặc Didi ngày xưa thì không còn nữa. Cũng bởi quả bóng bây giờ dễ điều khiển hơn, kỹ thuật sút bóng thì được huấn luyện đại trà, không còn là điều bí ẩn như xưa nữa. Đường bóng căng, độ xoáy và độ chuẩn cao luôn là điểm chung.
Dù sao đi nữa, vẫn có vài khác biệt làm cho Roberto Carlos, Juninho, David Beckham, Cristiano Ronaldo, Andrea Pirlo... trở thành những ngôi sao sút phạt thực thụ.
Juninho sút rất mạnh và vận dụng nguyên lý xoáy xuống một cách tuyệt vời (đường bóng xoáy xuống luôn có khả năng hướng vào khung thành tốt hơn đường bóng xoáy ngang, lại khó đoán vị trí khi bóng tiếp cận khung thành). Vốn là cầu thủ futsal, Juninho phải thường xuyên điều khiển quả bóng nhỏ, nặng, độ nẩy thấp. Đến khi đá quả bóng to và nhẹ thì kỹ thuật điều khiển bóng của Juninho trở nên hoàn hảo.
Với Roberto Carlos , cú sút phạt thành bàn tại giải tứ hùng Pháp 1997 đã đi vào lịch sử. Mổ xẻ đường bóng của Roberto Carlos theo các quy tắc vật lý, giới chuyên môn đành lắc đầu quầy quậy vì đường bóng ấy cong vòng đến mức có vẻ là phi thực tế (vậy mà nó vẫn xảy ra thật).
Rút cuộc, người ta đành tạm hài lòng sau khi tham khảo ý kiến của các... bác sĩ: cấu trúc cơ đùi của Roberto Carlos thật dị thường. Lực sút bung ra từ chiếc đùi có số đo 70cm (lớn hơn vòng bụng của các hoa hậu) cộng với kỹ thuật chạm bóng đặc biệt của Roberto Carlos rút cuộc đã làm nảy sinh một đường bóng không thể có trên lý thuyết!
Beckham sút phạt hay nhờ anh tập rất nhiều. Ronaldo thì cũng được mổ xẻ giống Roberto Carlos. Độ chuẩn của anh không cao, nhưng một khi bóng đã vượt qua hàng rào và hướng vào khung thành thì thủ môn rất khó đỡ. Vấn đề vẫn nằm ở lực sút, mạnh đến nỗi giới chuyên môn cho rằng cứ đá như thế thì sẽ đến lúc Ronaldo tự chấn thương.