Bóng Đá Plus trên MXH

Chuyện kỳ lạ về các nữ kiếm thủ Việt Nam: Tu luyện ở môi trường khắc nghiệt nhất làng thể thao
08:54 ngày 05/06/2015
Trong buổi tối ngày 4/6, hai nữ kiếm thủ Nguyễn Thị Lệ Dung và Trần Thị Len đã xuất sắc mang về 2 HCV cho đội Đấu kiếm tại SEA Games 28. Cùng BongdaPlus tìm hiểu quá trình khổ luyện của họ để có được vinh quang trong môn thể thao nguồn gốc quý tộc mới du nhập vào Việt Nam từ 2001 này.
    SẢI TAY DÀI ÍT NHẤT… 1M70 
    Lý do quyết định khiến sau 15 năm môn này được gây dựng, số lượng các nữ kiếm thủ tập luyện thi đấu thường xuyên chưa bao giờ lên nổi 100 xuất phát từ đòi hỏi quá khắt khe, ngay từ thể hình. Tiêu chuẩn đặt ra thậm chí còn vượt xa người mẫu, khi không chỉ chân dài mà tay cũng dài, và quan trọng nhất sải tay dứt khoát phải hơn chiều cao từ 5cm trở lên. 

    Mức thông thường tối thiểu là cao 1m65 và sải tay dài 1m70, chưa kể còn phải có mình cá trắm, thân chắc nịch. Chính vì thế, việc tuyển chọn VĐV đấu kiếm vô cùng khó, nhất là khi bản thân môn này chưa đủ sức hấp dẫn, mặt bằng chung còn nhiều hạn chế về thể trạng của phụ nữ Việt. Theo HLV Phạm Anh Tuấn (Hà Nội), nguồn tìm kiếm gần như duy nhất là các trường học, song có khi đi cả vài chục trường trong cả năm may ra mới được 1 hay 2 em đáp ứng nổi. 

    ĐTQG đấu kiếm nữ cả chục năm qua vẫn chỉ dựa vào một bộ khung 6-7 gương mặt, đều như siêu mẫu, với những tuyển thủ tài năng xinh đẹp hiếm có Lệ Dung, Hoài Thu, Thủy Chung, Như Hoa… Chỉ một người giải nghệ, hay dính chấn thương phải tạm nghỉ là các nhà quản lý lại lo sốt vó vì không biết lấy đâu người thế chỗ. 


    MỖI TUẦN “CHÉM” MẤT 4-6 TRIỆU TIỀN KIẾM 
    Có được nhân tố tốt đã quá khó, đầu tư cho các nữ kiếm thủ cũng vô cùng tốn kém và kỳ công, như ví von vui mà phần nào đó rất thật, chẳng khác gì con nhà nghèo “đốt” tiền và “chơi” sang. 

    Để có thể bước ra sàn đơn giản chỉ để tập, mỗi nữ kiếm thủ khoác trên mình bộ trang phục cầu kỳ rất đắt tiền, nào mặt nạ khoảng 100 USD, quần áo đấu 200-300 USD, giày 100-150 USD, bao tay 30-50 USD. Và tất nhiên không thể thiếu một hay hai cây kiếm đấu giá  200-250 USD… Tất cả đều đạt tiêu chuẩn quốc tế, và cũng bởi điều kiện khó khăn nên ĐTVN thường cũng chỉ sắm loại rẻ nhất có thể. 

    Tính ra, một nữ kiếm thủ đã ngốn một khoản ban đầu không dưới 1.000 USD. Tuy nhiên, nó chưa nhằm nhò gì so với “chém” gãy kiếm mất tiền trong các buổi tập. Do đặc thù khắc nghiệt của môn nên mỗi cây kiếm chỉ có thể sử dụng trong một thời gian nhất định, phụ thuộc vào mức độ và khả năng của người tập. Song nữ kiếm thủ nào dùng khéo nhất cũng bị gãy ít nhất 2 cây kiếm mỗi tuần, còn thông thường từ 3-4 chiếc. 

    Mỗi cây kiếm tập rẻ hơn kiếm đấu, song cũng khoảng 100 USD. Có nghĩa là, mỗi tuần trung bình họ “chém” mất 4-6 triệu đồng tiền kiếm. Dù được Nhà nước lo toàn bộ song bản thân các nữ kiếm thủ nhiều khi cũng thấy xót còn vì thu nhập cả tháng của mình cũng chỉ bằng khoản “chém” mất tiền. Một đội hình chỉ 6-7 người mà năm nào cũng “chém” bay cả tỷ đồng.


    5 NĂM LUYỆN CÔNG MỚI MONG THÀNH… NỮ HIỆP 
    Khác với hầu hết môn khác, một nữ kiếm thủ phải trải qua quy trình đào tạo hết sức bài bản, chặt chẽ, ngoài tố chất phù hợp dứt khoát phải có sự khổ luyện trong một thời gian dài. Môn này gần như không có gương mặt nào có thể đốt cháy giai đoạn. 

    Trên thực tế, một nữ kiếm thủ chỉ bắt đầu đủ khả năng tranh tài đỉnh cao sau khoảng 5 năm miệt mài rèn giũa, dưới sự hướng dẫn của chuyên gia ngoại. Với một vài trường hợp thuộc diện đột xuất, kiểu như “độc cô” Lệ Dung, nhanh nhất cũng phải mất 3 năm. 

    Đơn cử ngay chuyện làm chủ cây kiếm, chưa nói đến thi đấu thực sự, họ cũng cần đến cả năm luyện tay. Đôi bàn tay của nữ kiếm thủ phải đạt tới một kỹ năng vừa dẻo vừa cứng vô cùng linh hoạt và thuần thục mới mong điều khiển được cây kiếm. 


    Đã vậy, đấu kiếm còn có rất nhiều loại hình, nào kiếm chém, kiếm liễu, kiếm ba cạnh, mà mỗi môn lại gắn với những kỹ năng chuyên biệt về quan sát, di chuyển, tấn công, phòng thủ. Ví như kiếm chém mô phỏng tư thế của đấu sĩ cầm kiếm cưỡi trên lưng ngựa, kiếm thủ phải có sự tập trung cao độ với thần kinh thép, cùng cách ra tay hay né người nhanh như điện. 

    Tại các giải VĐQG, mỗi nội dung của kiếm nữ chỉ có 4-5 VĐV, hay thậm chí vỏn vẹn 3 VĐV dự tranh vừa đủ để ai cũng có huy chương. Không phải ngẫu nhiên, đấu kiếm nữ có tỷ lệ đào thải thuộc loại cao nhất của TTVN. Chính “nôi” đầu tiên của đấu kiếm Việt Nam là Hà Nội, mấy chục VĐV tuyến năng khiếu, qua vài năm, chỉ 1-2 người trụ lại được mà cũng chưa chắc đã bước lên tới đỉnh cao. 
    Huy Quang • 08:54 ngày 05/06/2015

    Bài viết hay? Ấn để tương tác

    Bình luận
    Thông tin Toà soạn
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Tổng biên tập:
    Nguyễn Tùng Điển
    Phó Tổng biên tập:
    Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
    Địa chỉ:
    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Tel:
    (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
    Fax:
    (84.24) 3553 9898
    Email:
    Thông tin Liên hệ
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Hotline:
    0903 203 412
    Email:

    Địa chỉ liên hệ:

    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Đăng nhập
    hoặc

    Email:

    Mật khẩu:

    Quên mật khẩu?


    Bạn chưa có tài khoản? Đăng ký ngay