Bóng Đá Plus trên MXH

Chuyện mưu sinh kỳ lạ của 3 nhà vô địch thể thao khuyết tật Châu Á: Chiến thắng cả tật nguyền và cơm áo gạo tiền
09:24 ngày 28/10/2014
Họ vừa làm rạng danh thể thao cùng tinh thần Việt với tư cách những nhà vô địch Asian Para Games 2014, thậm chí kình ngư Võ Thanh Tùng còn đoạt 5 HCV.
    KÌNH NGƯ THÀNH TRUNG: THỢ ĐÁNH CÁ, CA SĨ ĐÁM CƯỚI NỔI DANH 
    Với tấm HCV nội dung 100m ếch trên đất Hàn Quốc, chàng trai sinh năm 1982, bị liệt cả hai chân từ nhỏ này đã gần như có tất cả mà một tuyển thủ khuyết tật Việt Nam mơ ước chỉ sau 3 năm, với một bộ sưu tập huy chương sáng giá, nổi bật trước đó là 3 HCV ASEAN Para Games, hạng 4 Paralympic. 

    Tiếng thì quá “oách” nhưng thực chất mỗi năm Trung chỉ được làm VĐV từ 1 đến 2 tháng, trước các giải đấu, còn lại phải vật lộn với cuộc mưu sinh vất vả, kiếm từng đồng từ việc đánh cá và hát thuê đám cưới. 

    Mới 32 tuổi, anh đã có thâm niên làm thợ đánh cá tới 17 năm, một mình trên chiếc thuyền nhỏ rong ruổi khắp các vùng nước của đất Tây Đô. Người bình thường đánh cá đã vất vả, với người tật nguyền với hai chân hoàn toàn bất động còn gian khổ hơn nhiều. Có những đêm bất ngờ dính mưa bão, cả thuyền và người bị lật úp, và nếu không phải kình ngư, có lẽ Trung đã chết đuối. 

    Việc đánh cá chỉ mang về cho anh khoảng 200 nghìn đồng/ngày, chỉ đủ cho gia đình có hai bố mẹ già tằn tiện sống qua ngày, và chỉ đỡ hơn một chút vào mùa cưới, khi Trung có thể kiếm thêm bằng việc hát thuê đám cưới. 

    Nhờ chất giọng khỏe, truyền cảm, lại hát được đủ các bài, gần đây lại thêm món nhảy hiphop nên Trung rất được tín nhiệm, gương mặt thân quen trong ngày vui của các cặp đôi. Thu nhập cũng tùy tâm gia chủ, song mỗi mùa, Nguyễn Thành Trung cũng có thêm được khoảng hơn 10 triệu, từ 30-40 đám. 

    Kinh ngư Thành Trung

    TAY BƠI THANH TÙNG: KỸ SƯ ĐIỆN TỬ CHUYÊN SỬA ĐIỆN THOẠI DI ĐỘNG 
    Tuyển thủ bơi TP.HCM cũng quê Cần Thơ đã lập nên một kỷ lục chưa từng có cho thể thao người khuyết tật Việt Nam với 5 lần bước lên bục cao nhất tại Asian Para Games, có nghĩa là một mình anh đã giúp cả đoàn hoàn thành chỉ tiêu đặt ra. 

    Nếu như ở Hàn Quốc hay Thái Lan, những nơi thể thao khuyết tật đã chuyên nghiệp hóa, chắc hẳn một VĐV đẳng cấp như Võ Thanh Tùng không giàu to thì cũng có một cuộc sống dư dả. Chỉ có điều, ở Việt Nam, cái nghề chính đang nuôi sống anh lại là việc sửa chữa điện thoại di động. 

    Ít ai biết, kình ngư bị teo hai chân từ nhỏ này một cử nhân và kỹ sư “xịn” từng tốt nghiệp loại khá chuyên ngành điện tử viễn thông Đại học Công nghệ Thông tin. Mất tới gần 20 năm qua nhiều lần dang dở mới hoàn thành chương trình phổ thông, rồi có được tấm bằng Đại học song Tùng cầm hồ sơ xin việc đến đâu cũng bị từ chối, thậm chí muốn thử việc để khẳng định mình cũng không được chấp nhận.

    Cực chẳng đã, anh đành phải xin làm thợ sửa chữa thuê cho các cửa hàng điện thoại di động tư nhân, với mức lương vỏn vẹn chỉ có 2 triệu đồng. Mất 2 năm làm thuê, sau đó nhờ có được một khoản tích lũy mấy chục triệu đồng tiền thưởng thành tích, Tùng đã “liều” thuê địa điểm, mở một cửa hàng nhỏ của riêng mình. 

    Rất may nhờ tay nghề cao và luôn chu đáo nên cửa hàng của nhà vô địch khá đông khách, mỗi tháng cũng có thu nhập ổn định 4-5 triệu đồng. Mới đây, nhờ danh tiếng nên Tùng cũng xin được đi dạy thêm bơi cho trẻ em mỗi tuần vài buổi tối, có thêm 2 triệu nữa. 

    Vừa sửa ĐTDĐ, vừa di dạy bơi, Thanh Tùng vẫn lập kỷ lục giành 5 HCV Asian Para Games 2014

    KỶ LỤC GIA CỬ TẠ THẾ GIỚI VĂN CÔNG VỚI NGHỀ BUÔN, SỬA ĐỒ DẠO 
    Tại cuộc đấu lớn nhất châu lục dành cho người khuyết tật, đô cử Lê Văn Công đã làm nức lòng người hâm mộ Việt Nam khi đoạt HCV hạng 49kg với một thông số phá kỷ lục thế giới. Ngoài giá trị tinh thần, niềm vinh quang, nhiều người còn rất mừng cho Công bởi tấm HCV kèm kỷ lục ấy có thể giúp tuyển thủ nghèo khổ này khoảng 100 triệu đồng tiền thưởng để “cứu vãn” gia đình của mình. 

    Quê Hà Tĩnh, vào Sài gòn lập nghiệp với đôi chân teo do dị tật bẩm sinh, suốt 10 năm nay không có ngày nào Công không bị ám ảnh bởi một câu hỏi làm gì để có ít nhất 100 nghìn đủ tiền thuê nhà và ăn. 

    Gần đây cũng có phần đỡ hơn khi Công lấy vợ, học được một nghề sữa chữa máy móc, điện tử song gánh nặng cơm áo vẫn thường trực. Cả gia đình anh ở trong căn phòng trọ chật hẹp chưa đến 10m2, và cứ buổi sáng, Công lại phải ra đường, trên chiếc xe lăn cùng lỉnh kỉnh đồ nghề để đi khắp các nơi trên địa bàn quận Tân Bình rao mua hay sửa đồ cũ. Thi thoảng Công cũng có mối đặt sửa chữa tại nhà song với số lượng nhỏ. 

    Thu nhập cùa cái nghề “dạo” này  rất bất bênh, cố gắng lắm Công cũng không quá 3 triệu đồng/tháng. Cộng thêm phần của vợ, tổng “nguồn thu” đủ trả tiền thuê nhà, ăn uống, và nuôi con đã là may lắm. Kể từ lúc có con, vợ chồng anh vui lắm song lúc nào cũng chỉ lo con ốm hay phải đi viện thì thực sự không thể xoay sở. 

    THÔNG TIN:

    Nhà vô địch bơi khuyết tật châu lục là Quán quân nhảy hiphop 
    Sau khi Nguyễn Thành Trung giành HCV môn bơi Asian Para Games, mọi người còn “choáng” thực sự khi phát hiện ra đây cũng chính là Quán quân của cuộc thi “Bước nhày xì tin” ĐBSCL 2 năm liên tiếp 2009 và 2010, riêng 2010 còn đoạt giải ba toàn quốc. Càng kinh ngạc hơn vì anh thợ đánh cá, ca sĩ đám cưới này thậm chí còn tự tìm hiểu và học nhảy hiphop từ cả chục năm nay. Với anh, đó là thử thách quá lớn nhưng cũng chứa đựng sức hấp dẫn kinh khủng, bởi mỗi một động tác, anh chàng không cử động được cả hai chân phải mất thời gian gấp đôi, thậm chí ba lần bình thường, nhất là động tác “trồng cây chuối”. Hiện tại, Trung là thành viên trụ cột của nhóm nhảy AAT nổi tiếng đất Cần Thơ. 


    Đô cử liệt chân & chuyện tình với cô thợ may xinh đẹp 
    Không chỉ được ngưỡng mộ bởi kỳ tích phá kỷ lục thế giới mà đô cử liệt chân Lê Văn Công còn đang khiến các diễn đàn mạng dậy sóng bởi chuyện tình cùng cuộc hôn nhân ly kỳ với cô thợ may xinh đẹp, hồn hậu. Cũng là dân ngoại tỉnh lên Sài thành lập nghiệp, Công và Hiền – vợ anh bây giờ ở cùng khu nhà trọ, nơi mọi người có tính cộng đồng và chia sẻ với nhau rất cao. 

    Phải lòng Hiền từ lâu song Công không dám ngỏ lời, chỉ lặng lẽ thể hiện, vì nghĩ rằng hạnh phúc với mình là cái gì đó rất xa vời, nhất là giữa hai người có sự khác biệt cơ bản. Thế nhưng, chính nghị lực phi thường, cùng những chiến tích của Công tại các giải thể thao đã giúp anh chinh phục thành công, và hai người yêu nhau lúc nào chẳng hay. 

    Khi quyết định nên duyên sau 2 năm yêu, họ đã vấp phải sự phản đối dữ dội từ phía gia đình Hiền nhưng rồi chính sự dũng cảm và kiên trì của chị cuối cùng đã thuyết phục được mọi người. Dù ngày ngày vẫn đang phải đối mặt với muôn vàn gian khó song tổ ấm của Công luôn tràn ngập tiếng cười, cùng sự yêu thương.

    Dù đang nhiều khó khăn nhưng gia đình Công và Hiền luôn ngập tràn hạnh phúc
    Huy Quang • 09:24 ngày 28/10/2014

    Bài viết hay? Ấn để tương tác

    Bình luận
    Thông tin Toà soạn
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Tổng biên tập:
    Nguyễn Tùng Điển
    Phó Tổng biên tập:
    Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
    Địa chỉ:
    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Tel:
    (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
    Fax:
    (84.24) 3553 9898
    Email:
    Thông tin Liên hệ
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Hotline:
    0903 203 412
    Email:

    Địa chỉ liên hệ:

    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Đăng nhập
    hoặc

    Email:

    Mật khẩu:

    Quên mật khẩu?


    Bạn chưa có tài khoản? Đăng ký ngay