TIỀN KHÔNG TỈ LỆ THUẬN VỚI CÚP
Theo báo cáo tài chính bóng đá thường niên lần thứ 23 của tập đoàn Deloitte, doanh thu của các đội bóng ở giải Ngoại hạng Anh đã đạt tới mốc kỷ lục 4,19 tỉ USD trong mùa giải 2012/13. Với việc hợp đồng bản quyền truyền hình trị giá 9,4 tỉ USD trong thời gian 3 năm (5,7 tỉ USD cho thị trường Anh và phần còn lại ở nước ngoài) bắt đầu có hiệu lực từ mùa 2013/14, các đội bóng Anh sẽ lại càng vượt xa những đối thủ của họ ở châu Âu lục địa.
“Thỏa thuận bản quyền truyền hình giúp các đội Premier League được dự Champions League có ưu thế lớn hơn hẳn vì họ sẽ kiếm được nhiều tiền hơn so với các đối thủ ở châu Âu lục địa”, tư vấn viên cấp cao của Deloitte Adam Bull nói. “Với các đội Premier League, lợi thế còn ở chỗ doanh thu của họ sẽ cứ năm sau cao hơn năm trước và điều đó giúp họ thích nghi tốt hơn với luật công bằng tài chính (FFP) của UEFA”.
Kể từ năm 2000, các đội TBN đã giành chức vô địch Champions League 6 lần, gấp đôi so với các đội Anh, nhưng những chiếc cúp đã không tỉ lệ thuận với số tiền kiếm được. “Các đội bóng Anh sẽ kiếm được nhiều tiền hơn bất cứ ai và trong khi ở TBN, các đội Barcelona và Real Madrid tự họ thương lượng bản quyền. Sự bình đẳng hơn trong việc chia sẻ nguồn thu lớn này giúp Premier League duy trì tính cạnh tranh rất cao”, Bull nói.
Câu hỏi đặt ra là nếu như những đội bóng ở TBN, với cấp độ CLB và Đức, ở cấp độ ĐTQG, thành công hơn nhiều so với những đội Anh ở các đấu trường lớn như Champions League hay World Cup, thì tại sao Premier League vẫn kiếm được nhiều tiền nhất?
Wayne Rooney - cầu thủ hưởng lương cao nhất giải Ngoại hạng Anh (500.000 USD mỗi tuần)
SỨC MẠNH TỪ TRUYỀN THỐNG
Sâu xa và có tính lịch sử, người Anh hưởng lợi thế lớn trong việc quảng bá giải đấu của họ. Bóng đá có lẽ đã không thể trở thành một môn thể thao toàn cầu nếu như nó không được giới thiệu khắp thế giới cùng với quá trình mở rộng liên tục của đế chế Anh thuộc địa, một đế quốc mà “mặt trời không bao giờ lặn”.
Như một hệ quả tất yếu, ít ra là ở các nước thuộc khối Thịnh vượng chung hiện giờ, Premier League luôn là giải đấu số 1. Chỉ riêng thị trường đó đã có quy mô 2,3 tỉ người và trải dài ở tất cả châu lục, từ Mỹ, Canada, tới Nam Phi, Nigeria từ Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh tới Malaysia, Australia, New Zealand…
Đó có thể không phải hoàn toàn là những quốc gia bóng đá, nhưng nếu nói tới bóng đá, thì Premier League sẽ được nhắc đầu tiên. Các chuyến du đấu và hoạt động làm thương hiệu ráo riết của các CLB hàng đầu nước Anh ở Viễn Đông, bao gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, không phải những cựu thuộc địa của Anh, nhưng là các thị trường lớn nhất ở châu Á, càng giúp Premier League trở thành giải đấu kiếm tiền giỏi nhất.
Có thể nói không ngoa rằng đế chế Premier League hiện giờ cũng là một đế quốc mà “mặt trời không bao giờ lặn”. Sự chênh lệch múi giờ khiến cho vào mỗi cuối tuần, bất cứ ở thời điểm nào cũng sẽ có ít nhất một chiếc ti-vi đang chiếu một trận Ngoại hạng Anh được truyền hình trực tiếp, ở đâu đó trên thế giới này.
Nhắc tới những chuyến du đấu, có lẽ không quốc gia nào trên thế giới làm dịch vụ và công tác tiếp thị tốt như người Anh. Trước hết là những con số vĩ mô: 77,8% GDP của nước Anh, theo thống kê mới nhất quý 1 năm 2014, là từ các ngành dịch vụ. Bóng đá, cùng với tất cả những hoạt động ăn theo, truyền hình, quảng cáo, du lịch…, là một ngành dịch vụ.
Cụ thể hơn, mọi chuyến du đấu của những đội bóng Premier League đều được chăm chút tỉ mỉ để tạo ra hiệu ứng thương hiệu lớn nhất. Những hình ảnh quảng bá với giải đấu trên truyền hình cũng là hấp dẫn nhất (nhiều khi trận đấu không diễn ra đúng như vậy).
Thiên đường lương bổng
Nhưng không phải Premier League chỉ toàn nhận được tin tốt trong chuyện tiền nong. Hiện giờ, 20 đội bóng của giải đấu đang chi hơn 71% thu nhập vào lương bổng cho cầu thủ, theo thống kê mùa giải 2012/13. Báo cáo của Deloitte cho thấy tổng lương đã tăng 8% lên 3 tỉ USD.
Để so sánh, tỉ lệ lương/tổng thu nhập của các đội ở mùa Premier League đầu tiên 1991/92 chỉ là 44%. Kết quả là lợi nhuận hoạt động của 20 CLB hàng đầu ở Anh đã giảm xuống còn 139 triệu USD, tức chỉ 3% so với thu nhập.
Bù lại, 13 CLB Premier League mùa 2012/13 đã có lãi, so với chỉ 10 mùa trước đó. “Việc tăng lương tương ứng với tăng tiền bản quyền truyền hình và mùa 2013/14, lương các đội phải trả thậm chí còn có thể tăng nữa”, Bull nói. “Chúng tôi cho rằng tổng lương ở Premier League mùa 2013/14 có thể đạt mức kỷ lục vào khoảng 2,2 tỉ USD. Tuy nhiên, nhờ thu nhập tăng, tỉ lệ lương/tổng thu nhập có thể sẽ lần đầu tiên kể từ mùa 2009/10 giảm xuống dưới mức 70%”.
Chiếm 1/7 thị trường châu Âu
Toàn bộ thị trường bóng đá ở châu Âu đạt giá trị kỷ lục 28,65 tỉ USD trong mùa giải 2012/13, và Premier League dẫn đầu. 4,19 tỉ USD thu nhập giúp giải Ngoại hạng vượt xa những đối thủ khác như Đức (2,85 tỉ USD), TBN (2,68 tỉ USD), Italia (2,34 tỉ USD) và Pháp (1,84 tỉ USD). “Sức hút toàn cầu của Premier League đã giúp tăng mạnh doanh thu”, Dan Jones của Deloitte nói. “Thu nhập từ những ngày diễn ra trận đấu cũng tăng 6% khi các sân bóng Premier League được lấp đầy gần như liên tục”.
Tổng cộng, doanh thu Premier League tăng trưởng 7%, tương đương 469 triệu USD, trong mùa 2012/13, trong đó riêng Manchester City, Manchester United và Liverpool đóng góp cho 60% sự tăng trưởng.
Cũng trong mùa 2012/13, tổng doanh thu của 5 giải đấu hàng đầu châu Âu tăng 5% lên mức 13,3 tỉ USD, chiếm một nửa tổng thị trường bóng đá ở châu Âu. Nhưng về lợi nhuận, Premier League vẫn kém Bundesliga của những người Đức cực kỳ hiệu quả. 18 đội ở giải đấu hàng đầu nước Đức có lợi nhuận hoạt động 379 triệu USD trong mùa 2012/13, so với 137 triệu USD của Premier League.
Tuy nhiên, giống như TBN, Bundesliga là sự thống trị của 2 đội bóng. Bundesliga cũng là giải duy nhất trong năm giải hàng đầu có nguồn thu lớn nhất không phải là bản quyền truyền hình, và các đội Đức cũng bị quy định nghiêm ngặt không được để tỉ lệ lương/tổng thu nhập vượt quá 51%.
Ở TBN, cả doanh thu từ thương mại và những ngày diễn ra trận đấu đều giảm trong mùa 2012/13, trong khi doanh thu từ truyền hình tăng 4%. Ở Italia, thu nhập từ truyền hình vẫn là nguồn chính, chiếm 59% (tương đương 1,36 tỉ USD) thu nhập của các CLB. Trong khi thu nhập của Serie A tăng 6%, 20 đội bóng ở đây đã phải chịu khoản lỗ tổng cộng 146 triệu USD.
Tại Pháp, PSG của các đại gia Qatar trong năm thứ hai liên tiếp, là tất cả nguồn tăng trưởng doanh thu của giải đấu.