NGƯỜI LẠ Ở TUYỂN
Trong đợt tập trung đầu tiên, ĐT Việt Nam chỉ có 18 người, trong đó có 4 thủ môn. Ngoài những cái tên vốn dĩ đã quen thuộc như Công Vinh, Văn Quyết, Trọng Hoàng, Đinh Tiến Thành, Hải Anh, Minh Châu, Huy Cường… thì HLV Toshiya Miura đã khiến cho nhiều người phải bất ngờ khi gọi những cầu thủ hoàn toàn xa lạ đối với những người theo dõi bóng đá Việt Nam.
Vương Quốc Trung là ai? Đã có người hỏi như thế khi ĐT Việt Nam công bố danh sách tập trung tại Hà Nội. Người ta băn khoăn cũng có lý bởi Quốc Trung gần như là gương mặt lạ hoắc, gần như không có dữ liệu nếu tìm kiếm trên mạng. Tiền vệ 25 tuổi sinh ra Nghệ An này từng khoác áo SLNA, nhưng gần như anh không được tham dự trận đấu nào khi khoác áo đội 1.
Thực tế, Quốc Trung từng góp mặt trong đội hình SLNA lên ngôi giải U17 Quốc gia - Cúp Báo Bóng đá 2006 được tổ chức tại An Giang và giành chức vô địch giải U21 Quốc gia - Cúp Báo Thanh Niên 2012 tại Ninh Thuận.
Tuy nhiên, ở một đội bóng “chật chội vì có quá nhiều tài năng” như SLNA, cơ hội thi đấu của Quốc Trung gần như là không có. Đó cũng là lý do khiến anh xin rời SLNA để đầu quân cho Hải Phòng đầu mùa bóng 2015. Ở đây, Quốc Trung chỉ đóng vai phụ cho Minh Châu và anh chỉ xuất hiện 375 phút tại V.League sau 12 vòng đấu, đấy thật sự là một con số khiêm tốn. Nhưng với HLV như Miura, Quốc Trung là mẫu tiền vệ mà ông ưa thích bởi anh rất khỏe và chơi bóng rất lì lợm.
Cùng với Quốc Trung, Hải Phòng có thêm một cầu thủ khác và cũng chơi ở vị trí tiền vệ là Đặng Khánh Lâm. Nói về Khánh Lâm, Trưởng phòng các ĐTQG - Mai Đức Chung là người hiểu hơn ai hết, bởi nhà cầm quân này từng dẫn dắt CLB Navibank Sài Gòn, nơi tiền vệ này thi đấu.
Quốc Trung (trái) là một cái tên khá xa lạ ở lần tập trung này
Profile của Lâm thực sự không có nhiều điểm ấn tượng, nhưng cũng phải thừa nhận, mùa bóng năm nay, Khánh Lâm đã chơi khá tốt trong màu áo đội bóng đất Cảng, khi được kéo từ biên vào đá tiền vệ trụ. Dù thế, đã có những tranh cãi bởi ở khu trung tuyến, ĐT Việt Nam còn có những tiền vệ có phong độ cao và rất kinh nghiệm như: Nguyễn Hải Huy của Than.QN hay Hoàng Văn Bình của B.BD…
Michal Nguyễn cũng đem lại cho giới chuyên môn nhiều dấu hỏi, vì anh không được B.BD đăng ký chơi ở V.League 2015, mà chỉ để dành cho AFC Champions League. Có một điều đáng quan tâm khác, cầu thủ Việt kiều này từng thi đấu không thành công khi khoác áo ĐTQG.
Trong số 2 cái tên còn lại, Trần Chí Công cũng khiến người ta tốn giấy mực, bởi những hành vi và hành động trên sân của trung vệ này từng gây phản cảm đối với nhiều người. Với Mai Tiến Thành (thay cho Hoàng Quãng vừa bị chấn thương) người ta còn phải chờ cái cách anh sẽ hòa nhập thế nào với các đồng đội sau thời gian dài vắng bóng.
CON TÍNH CỦA HLV MIURA
Nếu để ý, 5 cầu thủ được coi là tân binh của ĐT Việt Nam lần này đều đảm nhiệm các vị trí phòng ngự hoặc có xu hướng phòng ngự. HLV Toshiya Miura là người vẫn đề cao quan điểm “không để lọt lưới trước rồi mới ghi bàn”. Vậy nên, có thể hiểu được việc nhà cầm quân này lại chủ tâm vào cách xây dựng mặt trận phòng ngự cho ĐT Việt Nam.
Khánh Lâm có thể hình và thể lực rất tốt
Với HLV Miura, cầu thủ được gọi lên đội tuyển không phải là “sao số” mà chọn ở từng thời điểm, tức là anh ta có phong độ cao. Có thể thấy điều này qua trường hợp của Chí Công. Trung vệ của ĐT.LA từng đánh mất thiện cảm của NHM với hành vi nhổ nước bọt vào hậu vệ Trần Văn Học (SHB.ĐN) ở vòng 3, V.League 2015 và bị treo giò 3 trận.
Thế nhưng, Công “tây” vẫn được gọi lên ĐTQG là vì anh là một trong những hậu vệ có phong độ tốt nhất. Chí Công không chỉ giỏi phòng ngự mà còn tham gia tấn công và ghi bàn rất cừ khôi. Một trường hợp khác là Michal Nguyễn, có thể trung vệ này không toàn diện như Chí Công nhưng đổi lại, chiều cao và kinh nghiệm đối đầu với các ngoại binh là điều mà ông Miura muốn tìm ở trung vệ Việt kiều này.
Không khó nhận ra, ĐTQG dưới thời HLV Miura thường sử dụng 2 tiền vệ phòng ngự hoặc có xu hướng phòng ngự, Hoàng Thịnh và Huy Hùng từng sát cánh cùng nhau tại ASIAD 17, rồi AFF Suzuki Cup 2014 là một điển hình. Bây giờ, HLV Miura đã và đang tiếp tục tìm kiếm những mẫu cầu thủ to khỏe và mạnh mẽ để thay cho Hoàng Thịnh đã rời U23 Việt Nam chấn thương, còn Huy Hùng đang trong giai đoạn hồi phục.
Nếu lựa chọn kỹ càng ở từng vị trí, ở V.League đang có nhiều cái tên đáng chú ý. Nhưng cuối cùng, ông Miura đã chọn Khánh Lâm, Quốc Trung và Tiến Thành, vốn là những cầu thủ đảm nhiệm vai trò phòng ngự nhiều hơn là tấn công ở CLB. Xét về kinh nghiệm, Khánh Lâm và Quốc Trung chưa có nhiều va chạm ở đấu trường quốc tế nhưng về sự máu lửa, lì lợm thì hai cầu thủ này có thừa… Từng đó thôi là quá đủ để ông Miura “chọn mặt gửi vàng”.
Nói tóm lại, ĐTQG dưới tay của HLV Toshiya Miura không đóng khung, nói cách khác, tất cả cơ hội đều dành cho các cầu thủ, ngay cả những người chưa có tên tuổi nổi bật. Tất nhiên, cách sử dụng hay thành công với những tân binh đến đâu thì thời gian sẽ trả lời. Nhưng rõ ràng, với quan điểm, triết lí của mình, nhà cầm quân người Nhật đang mang đến cho ĐTQG những nét tươi mới.
HỒ SƠ CÁC TÂN BINH Trung vệ Michal Nguyễn (B.BD) Tuổi: 26 Cao: 1m80 Nặng: 80 kg Số phút ra sân ở V.League 2015: 0 Điểm mạnh: Không chiến, tì đè tốt Điểm yếu: Xoay sở chậm Trung vệ Trần Chí Công (ĐT.LA) Tuổi: 32 Cao: 1m82 Nặng: 76 kg Số phút ra sân ở V.League 2015: 810 phút (9 trận) Điểm mạnh: Tranh chấp tay đôi, tham gia tấn công tốt Điểm yếu: Làm chủ tình huống chưa tốt Tiền vệ Mai Tiến Thành (B.BD) Tuổi: 29 Cao: 1m74 Nặng: 66 kg Số phút ra sân ở V.League 2015: 884 phút (11 trận) Điểm mạnh: Xông xáo, kỹ thuật cơ bản Điểm yếu: Phối hợp đồng đội chưa tốt Tiền vệ Vương Quốc Trung (Hải Phòng) Tuổi: 25 Cao: 1m73 Nặng: 70 kg Số phút ra sân ở V.League 2015: 395 phút (3 trận) Điểm mạnh: Phòng ngự tốt Điểm yếu: Thiếu kinh nghiệm thi đấu quốc tế Tiền vệ Đặng Khánh Lâm (Hải Phòng) Tuổi: 31 Cao: 1m75 Nặng: 66 kg Số phút ra sân ở V.League 2015: 994 phút (11 trận) Điểm mạnh: Tranh chấp tốt Điểm yếu: Thiếu kinh nghiệm thi đấu quốc tế |