Ông không còn dùng tiền chiêu mộ những cầu thủ xuất sắc để gặt hái thành công ngay lập tức mà chú trọng tới phát triển bền vững, xây nhà từ móng. Đến thời điểm hiện tại, đội bóng Hà Nội T&T của ông bầu họ Đỗ đang là đội có thành tích đào tạo trẻ tốt nhất Việt Nam.
CÚ VƯƠN LÊN THẦN TỐC
Năm 2009, Hà Nội T&T lần đầu giành quyền lên chơi V.League và một năm sau có được chức vô địch. Đội bóng của bầu Hiển nhanh chóng trở thành đội bóng chơi có cá tính và có phong độ ổn định nhất ở giải đấu số một Việt Nam. Trong 7 năm qua, đội bóng chọn sân Hàng Đẫy làm sân nhà hai lần đăng quang ngôi vô địch và có tới 4 lần cán đích ở vị trí Á quân.
Dù đá đẹp, có thành tích, Hà Nội T&T vẫn phải nhận nhiều ánh mắt không mấy thiện cảm. Trong đó nhiều người cho rằng đội bóng của bầu Hiển “xây nhà từ nóc”, chỉ biết dùng tiền chiêu mộ ngôi sao để gặt hái thành công. Tuy nhiên, nếu công bằng đánh giá, Hà Nội T&T là một trong những đội bóng phát triển chuẩn theo mô hình bóng đá chuyên nghiệp nhất Việt Nam.
Thời điểm hiện tại, sẽ là sai lầm khi nói Hà Nội T&T “xây nhà từ nóc”. Nếu nhìn vào thành tích của các đội U đá giải, đội bóng của bầu Hiển xứng đáng được nhận danh hiệu “CLB đào tạo trẻ tốt nhất”. Họ giành hạng Ba giải U17 QG năm 2013 và một năm sau tiến lên vị trí Á quân.
Ở sân chơi dành cho lứa U19, đội bóng Thủ đô vô địch năm 2011và 2014, Á quân năm 2015 và hạng Ba năm 2013. Tại giải U21 quốc gia, Hà Nội T&T vừa đăng quang tại TP HCM. Trước đó năm 2013 đội bóng Thủ đô cũng đã được nâng cao Cúp và năm 2014 cán đích ở vị trí Á quân.
Hiện tại, không khó để chỉ ra những cái tên đã quen mặt ở các đội tuyển, được đào tạo từ CLB Hà Nội T&T. Đó là Quang Hải, cầu thủ hiếm hoi không thuộc Học viện HAGL - Arsenal JMG từng được HLV Graechen cho đá chính trong màu áo U19 Việt Nam.
Đó là Duy Mạnh sinh năm 1996 nhưng đã quen mặt ở đội một Hà Nội T&T, được HLV Miura trọng dụng ở cả Olympic Việt Nam, U23 Việt Nam và ĐTQG. Đó là Duy Khánh, cầu thủ được HLV Miura yêu cầu có mặt để bác sĩ trị liệu của U23 Việt Nam chăm sóc ngay cả khi chấn thương, không thể góp mặt trong danh sách U23 tập trung đá vòng loại U23 châu Á…
BÍ QUYẾT VÀNG “TRỒNG NGƯỜI”
Hà Nội T&T không tuyển sinh rầm rộ, không làm truyền thông ầm ĩ. Đội bóng này âm thầm tìm tới những tỉnh thành có phong trào bóng đá nhi đồng rất phát triển nhưng không có đội bóng, không đào tạo trẻ như Thái Bình, Tuyên Quang… để chọn cầu thủ nhí.
Thêm vào đó, CLB Hà Nội T&T xây dựng các trung tâm vệ tinh ở những nơi sản sinh ra nhiều tài năng bóng đá. Điển hình, rất nhiều cầu thủ trẻ hiện tại của Hà Nội T&T đến từ Nghệ An. Nguyên nhân là bởi đội bóng này đã mua lại Trung tâm của anh em Văn Sỹ ở xứ Nghệ, biến nơi đây thành nơi tìm kiếm tài năng nhí. Các cầu thủ nhỏ vào đây học bóng đá, ai có tố chất đặc biệt sẽ được đưa ra Hà Nội vào một độ tuổi thích hợp.
Cách làm của Hà Nội T&T còn đặc biệt ở điểm có “quá trình xuyên suốt”. Các lứa U đều được coi là một quá trình của đào tạo trẻ, có liên hệ mật thiết với nhau. Chính nhờ lối chơi thống nhất, các cầu thủ không bị “hụt hẫng” khi tiến dần lên các lứa U, kể cả tại đội một, đang đá V.League.
Nói về vấn đề này, HLV Đức Thắng cho hay: “Trung tâm Hà Nội T&T giống như một học viện đào tạo nâng cao đáp ứng quy chuẩn V.League và hạng Nhất. Triết lý đào tạo nào cũng phải phục vụ đội một, lấy đội một làm kim chỉ nam. Chính sách chung của Hà Nội T&T là chủ yếu sử dụng cầu thủ do mình đào tạo trong nhiều năm tới”. Đặc biệt, Hà Nội T&T có đầu ra rất lớn cho các cầu thủ, giúp họ yên tâm tập luyện ở các đội trẻ. Nếu không thể chiếm suất ở đội một Hà Nội T&T, các cầu thủ trẻ còn nhiều đất để trưởng thành như về đá cho Công An Nhân Dân ở hạng Nhì, CLB Hà Nội (mới giành vé từ Hạng Nhất lên V.League) hay về QNK Quảng Nam theo dạng cho mượn…
Đây chính là điểm hơn của Hà Nội T&T so với PVF, một trung tâm đào tạo trẻ mới nổi. PVF hiện không có đội bóng, vì vậy họ phải vất vả xoay đường ra cho các cầu thủ. Mới nhất, đội bóng này đã ký thỏa thuận với Than Quảng Ninh để nơi đây trở thành đất cho các sản phẩm của mình rèn luyện khi trưởng thành.
Cách sử dụng cầu thủ trẻ của Hà Nội T&T cũng rất hợp lý. Không giống như HA.GL đồng loạt sử dụng cầu thủ trẻ ở mùa giải vừa qua, Hà Nội T&T thực hiện chính sách “cài cắm”. Nhờ vậy, các cầu thủ trẻ được các đàn anh dìu dắt dần, từng bước trưởng thành, không rơi vào cảnh bị sốc hay tâm lý, dẫn tới ảnh hưởng tới quá trình phát triển.
Duy Mạnh chính là minh chứng lớn nhất cho phương pháp này. Mùa giải vừa qua, được Văn Quyết, Thành Lương dìu dắt ở khu trung tuyến, cầu thủ sinh năm 1996 trưởng thành vượt bậc, có suất đá chính không chỉ ở Hà Nội T&T mà còn ở các đội tuyển, qua mặt Tuấn Anh, Xuân Trường, Công Phượng… để ẵm giải cầu thủ trẻ xuất sắc nhất mùa giải.