Bóng Đá Plus trên MXH

Cristiano Ronaldo: Lực bất tòng tâm với “siêu vũ khí”
19:59 ngày 30/03/2015
Khoảng 1 năm nay, Ronaldo chưa hề ghi bàn trong 54 lần sút phạt trực tiếp. Một thời, cú sút phạt trông có vẻ lạ nhưng rất hiểm hóc chính là một thương hiệu riêng của Ronaldo. Nó lôi cả giới khoa học vào vòng nghiên cứu. Vì sao bây giờ Ronaldo bỗng nhiên “lụt” nghề”?
    MỘT SỰ XUỐNG CẤP RÕ RÀNG
    Lần gần đây nhất Ronaldo ghi bàn từ cú sút phạt trực tiếp là ngày 29/4/2014, vào lưới Bayern Munich ở vòng bán kết Champions League. Riêng tại La Liga, cú sút phạt thành bàn gần nhất của Ronaldo được ghi vào lưới Valencia, ngày 26/3/2014. Trong 54 cú sút phạt gần đây, Ronaldo sút trúng hàng rào 22 lần, sút ra ngoài 13 lần, trúng khung gỗ 1 lần và bị thủ môn cản phá 18 lần.

    Phải chăng Ronaldo đang “có vấn đề” về mặt tinh thần hoặc tâm lý, nhất là khi anh đang trở nên “cau có” và tỏ ra thua sút Lionel Messi trong thời gian gần đây? Chưa chắc. Anh vẫn sút phạt đền rất tốt. Với 55 bàn trong 60 lần sút phạt đền ở La Liga, Ronaldo đạt đến tỷ lệ 92%. Tỷ lệ sút phạt đền thành công trong bóng đá đỉnh cao thường chỉ ở mức 80%-85%, với Wayne Rooney thì chỉ là 69% (ghi 16 bàn trong 26 quả phạt đền ở Premier League).

    18 lần bị thủ môn cản phá trong 54 cú sút có nghĩa là chỉ 1/3 tổng số cú sút phạt của Ronaldo đưa được quả bóng đi đúng hướng cầu môn. Đây rõ ràng là một tỷ lệ tầm thường. Chỉ có 1/54 cú sút bị khung gỗ can thiệp, nghĩa là Ronaldo cũng không đến nỗi “xui xẻo”. 

    Đồng đội luôn thừa nhận: Ronaldo vẫn luôn siêng tập. Bình luận viên Gary Neville còn tỏ ra ngưỡng mộ cách tập sút phạt của Ronaldo và cho rằng đấy là nguyên nhân khiến Ronaldo ở Real sút phạt hay hơn Ronaldo ở M.U trước đây. Vậy thì, đâu là nguyên nhân?

    VÌ CHIẾC ĐẦU GỐI?
    Cựu tuyển thủ Brazil Marcos Assuncao - cầu thủ vừa giải nghệ sau khi khoác áo AS Roma, Betis và hàng loạt CLB ở quê nhà, cho rằng nguyên nhân có thể nằm ở chiếc đầu gối đã bị chấn thương hồi năm ngoái. 


    Assuncao, được xem là một trong những “chuyên gia sút phạt”, kể lại kinh nghiệm của chính mình: “Tôi từng chấn thương đầu gối và khi trở lại thi đấu, đấy luôn là rắc rối lớn. Mỗi khi sút mạnh, nhất là sút phạt trực tiếp, tôi luôn cảm nhận thật rõ cơn đau từ chuyển động của đầu gối. Tôi vẫn tiếp tục thi đấu, nhưng phải điều chỉnh cách sút bóng và mọi chuyện không bao giờ trở lại như cũ nữa. Có thể Ronaldo phải tự điều chỉnh để tránh những cơn đau, tránh tái phát chấn thương. Cũng có thể những cơn đau âm ỉ đã dẫn đến khác biệt trong cách di chuyển và tiếp xúc bóng của Ronaldo. Khác biệt có thể nhỏ đến mức độ không dễ nhận ra, nhưng lại đủ sức làm thay đổi độ chuẩn của cú sút”.

    Có nên thay đổi hẳn cách sút phạt? Một chuyên gia khác, cựu tuyển thủ Brazil Rivaldo cho rằng không nên, mà cũng không thể. Anh nói: “Ronaldo đã phải khổ luyện suốt bao nhiêu năm để hoàn thiện hóa tuyệt chiêu của mình. Một mặt, không ai muốn thay đổi khi đã thành công. Mặt khác, dù muốn cũng đã quá muộn. Ronaldo sẽ phải tập lại từ đầu và đương nhiên chỉ là một cầu thủ tầm thường nếu anh sút phạt theo kiểu khác”.

    ĐÃ ĐƯỢC CẢNH BÁO NHIỀU LẦN
    Phân tích của Rivaldo và Assuncao đều rất có lý, không phải bởi chính họ đều là danh thủ trong lĩnh vực sút phạt. Ai cũng thấy rõ, Ronaldo sút phạt theo một cách riêng, rất đặc trưng. Đã vậy, cách sút của anh lại luôn đòi hỏi lực sút rất mạnh. 

    Từ nhiều năm trước, đã có một cảnh báo quen thuộc mà giới  chuyên môn từng lặp đi lặp lại: Ronaldo rất dễ chuốc họa vì cách sút phạt kỳ lạ của mình. Chấn thương đầu gối chính là cảnh báo cụ thể. Tình hình càng trở nên quan ngại khi đi liền với cú sút phạt không thành công suốt một năm qua là hiệu quả ghi bàn từ cú sút xa của Ronaldo, cũng đã giảm hẳn. 

    Bây giờ, người ta mới thấy rõ rằng bác sĩ người BĐN Jose Carlos Noronha hoàn toàn nghiêm túc khi ông đề nghị Ronaldo không dự World Cup 2014. Không những đề nghị, ông còn... năn nỉ Ronaldo: “Hãy cho chiếc đầu gối của cậu nghỉ ngơi. Bằng không, có một nguy cơ rõ ràng, rằng chiếc đầu gối ấy sẽ không bao giờ được chữa lành như cũ”. 

    Thực tế cho thấy, Ronaldo dù quyết tham dự World Cup 2014 thì cũng chỉ là một chiếc bóng mờ, phải thường xuyên tránh va chạm, và rời khỏi World Cup trong thế cúi đầu. Tiếp theo World Cup là tình trạng chưa hề sút phạt thành công trong mùa bóng này.

    Câu chuyện không phải là rắc rối của riêng Ronaldo. Hiện thời, Gareth Bale vẫn đang đảm trách những cú sút phạt chếch về bên phải (Bale thuận chân trái), còn Ronaldo (thuận chân phải) đảm trách những cú sút phạt chếch về bên trái. Trong hàng ngũ Real, còn có nhiều danh thủ khác giỏi sút phạt và từng ghi bàn nhiều lần từ cú sút phạt. Sergio Ramos, Isco, Toni Kroos, Luka Modric. Bấy nhiêu là đã quá nhiều. Ronaldo có sẵn sàng nhường quyền sút phạt cho đồng đội? Hoặc HLV Carlo Ancelotti có nên phân công lại nhiệm vụ sút phạt? Không khéo, sẽ “to chuyện” trong một đội bóng quá nhiều ngôi sao như Real.

    “TIẾN SĨ RONALDO” SÚT PHẠT THẾ NÀO?
    Cú sút phạt của cựu danh thủ Anh David Beckham nổi tiếng đến nỗi người ta từng đặt tựa cho một bộ phim là “Bend it like Beckham” (tạm dịch: “Đá xoáy như Beckham”). Nói chung, tiêu chí hàng đầu cho một cú sút phạt trực tiếp thường là độ xoáy, làm cho bóng bay theo quỹ đạo cong. Cụm từ “banana kick” (cú sút hình quả chuối) cũng từ đó mà ra.


    Thật ra, theo quy luật vật lý thì viên đạn bắn từ nòng súng còn không thể đi thẳng, nên muốn cho quả bóng bay thẳng cũng... đâu có được! Vậy nên, đường bóng gần như thẳng băng của Ronaldo hóa ra lại là “độc chiêu”. Khi sút phạt, Ronaldo cố gắng loại bỏ độ xoáy đến mức tối đa. Ban đầu, quả bóng gần như bay thẳng lên trời. Sau đó, vì trọng lực và lực cản không khí, bóng bắt đầu cắm xuống khi đã tiến gần đến khung thành. Đến đây, khác biệt lớn mới lộ rõ.

    Thủ môn có thể thua vì phản ứng chậm hơn tốc độ bóng hoặc bó tay trước điểm rơi quá “ác” của những cú sút “kiểu Beckham”, nhưng ít ra cũng luôn biết rõ (“biết”, chứ không chỉ là phán đoán nữa) hướng bay của bóng. Sút kiểu Ronaldo thì quả bóng chuyển động tịnh tiến và rất khó đoán “địa chỉ cuối cùng”, bởi khi không còn đủ lực để bay thẳng thì bóng có thể “cắm” một cách ngẫu nhiên về bất cứ hướng nào.

    Nhà khoa học thể thao Andy Harland sau khi nghiên cứu cách sút phạt kỳ lạ của Ronaldo đã gọi anh là “tiến sĩ”! Phân tích đường bóng về mặt lý thuyết thì đơn giản, nhưng sút được như vậy trên thực tế lại là điều cực khó. Yêu cầu đầu tiên: phải sút cực mạnh và cách tiếp xúc phải cực chuẩn (đứng thẳng người chứ không nghiêng người như Beckham). Dáng vẻ Ronaldo khi sút phạt làm không ít người xem “thấy ghét” chẳng qua cũng vì anh sút... không giống ai.

    BẠN CÓ BIẾT?
    Kỷ lục thế giới về tốc độ bóng là 210 km/h hay 58,3m/s, thuộc về cú sút phạt của cầu thủ người Brazil Ronny Heberson. Ở mùa bóng 2006/07, Heberson khoác áo Sporting Lisbon và ghi bàn từ cú sút phạt ngay sát vạch 16m50. Cú sút cực mạnh của anh đưa bóng vào khung thành chỉ trong 28% giây. Nếu không xem lại qua hình ảnh chiếu chậm, nhiều người gần như không thể nhìn thấy quả bóng sau cú sút sấm sét ấy!
    KHƯƠNG DUY • 19:59 ngày 30/03/2015

    Bài viết hay? Ấn để tương tác

    Bình luận
    Thông tin Toà soạn
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Tổng biên tập:
    Nguyễn Tùng Điển
    Phó Tổng biên tập:
    Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
    Địa chỉ:
    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Tel:
    (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
    Fax:
    (84.24) 3553 9898
    Email:
    Thông tin Liên hệ
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Hotline:
    0903 203 412
    Email:

    Địa chỉ liên hệ:

    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Đăng nhập
    hoặc

    Email:

    Mật khẩu:

    Quên mật khẩu?


    Bạn chưa có tài khoản? Đăng ký ngay