Hiện nay, để đảm bảo cuộc sống, Văn Sỹ Hùng vẫn cùng vợ kinh doanh từ xa. Quỹ thời gian còn lại, anh dành cho việc đào tạo bóng đá trẻ ở Trung tâm bóng đá VSH do CLB Hà Nội T&T làm chủ đầu tư đóng trụ sở tại thị xã Cửa Lò (tỉnh Nghệ An).
TUỔI THƠ LANG BẠT CÙNG TRÁI BÓNG
Văn Sỹ Hùng gốc Nghệ An nhưng sinh ra ở Hà Nội. Đó là thời điểm bố anh, ông Văn Sỹ Chi đang khoác áo Thể Công nên đưa cả gia đình từ huyện Quỳnh Lưu ra Thủ đô. Sau đó, cũng chính vì đặc thù nghề nghiệp nên gia đình ông Chi dọn về Thanh Hóa sinh sống, khi ông chia tay đội bóng Quân đội về đầu quân cho Công an Thanh Hóa.
Không chỉ Văn Sỹ Hùng mà cả những người anh em của Hùng như Văn Sỹ Thủy, Văn Sỹ Sơn, Văn Sỹ Linh đều thừa hưởng tài năng bóng đá của ông bố Văn Sỹ Chi.
Sỹ Hùng chia sẻ: “Hồi ấy, bố mình vắng nhà suốt vì phải liên tục đi thi đấu ở trong nước và nước ngoài. Nhưng mỗi lần về thăm gia đình, ông mang rất nhiều bóng và huấn luyện các con những kỹ năng của môn thể thao Vua. Có người cha là cầu thủ nổi tiếng của Thể Công nên Hùng và các em trải qua thời thơ ấu mà lúc nào trong đầu cũng có hình ảnh trái bóng tròn”.
Năm 16 tuổi, phát hiện Hùng có năng khiếu và đủ sức chơi ở những giải đấu đỉnh cao nên ông Chi gửi Hùng ra Hà Nội thi đấu cho CLB Phòng không - Không quân. Tuy nhiên, đen đủi cho Hùng là chỉ sau đó 6 tháng, đội bóng giải thể.
Không muốn về nhà, Văn Sỹ Hùng ở lại làm nhân viên cảnh vệ cho cơ
quan 3 năm trước khi ngược về xứ Thanh khoác áo Công an Thanh Hóa. Trong
3 năm chơi cho đội bóng này, Văn Sỹ Hùng luôn là tiền đạo có hiệu suất
ghi bàn cao nhất. Chính anh là người góp công lớn trong việc đưa Công an
Thanh Hóa thăng hạng năm 1992.
Sau này, vì gia đình trở về Nghệ An nên Hùng cũng khăn gói về theo. Chia tay Công an Thanh Hóa khi đã có chút tên tuổi, Văn Sỹ Hùng trở về và được SLNA nhận vào biên chế. Ở nơi có không ít nhân tài, Hùng càng có điều kiện phát triển khả năng.
“LITTLE BOY” CỦA THÀNH VINH
Chuẩn bị cho SEA Games 18 ở Thái Lan, Văn Sỹ Hùng cùng với Nguyễn Hữu Thắng là 2 cầu thủ của SLNA được gọi tập trung ĐT Việt Nam. Tuy nhiên, vì sau đó dính chấn thương nên Văn Sỹ Hùng đành phải lỡ hẹn với màu áo Tuyển.
Tuy nhiên, từ năm 1996 cho đến năm 2000, Văn Sỹ Hùng liên tục tỏa sáng và đóng góp công sức rất lớn trong các thành công của ĐT Việt Nam như: HCĐ Tiger Cup 1996, HCĐ SEA Games 1997, HCB Tiger Cup 1998, HCB SEA Games 1999…
Văn Sỹ Hùng dù nhỏ con nhưng nhanh nhẹn và rất khéo léo. Trong màu áo của ĐTQG cũng như SLNA, Hùng luôn là nỗi ám ảnh của các hậu vệ đối phương.
Những hậu vệ kỳ cựu trong khu vực Đông Nam Á cũng như trong nước thời điểm ấy khi đối mặt với Văn Sỹ Hùng đều cảm giác như đối mặt với một cơn ác mộng. Trên thực tế, trong rất nhiều trận đấu, Văn Sỹ Hùng đã tỏa sáng với những bàn thắng như thể… trêu đùa hậu vệ và thủ môn đối phương.
Người hâm mộ hẳn sẽ không bao giờ quên màn trình diễn rực sáng của Văn Sỹ Hùng tại SEA Games 1997 khi anh ghi 2 bàn giúp ĐT Việt Nam thủ hòa chủ nhà Indonesia 2-2 ngay tại “chảo lửa” Senayan. Khi đó, những pha đi bóng lắt léo của “Little boy” như cách ví von của báo giới khu vực sau giải đấu đã làm rối loạn hàng phòng ngự gồm toàn các hậu vệ cao lớn của Indonesia.
HỢP TÁC ĂN CHIA VỚI BẦU HIỂN
Sau khi chia tay SLNA, vì muốn “đổi gió”, Văn Sỹ Hùng vào Pleiku đầu quân cho HA.GL. Đây là thời điểm đội bóng của bầu Đức vừa bước chân vào làm bóng đá và những người như Sỹ Hùng, Hữu Đang được xem là công thần. Sau khi cùng đội bóng phố Núi đăng quang ngôi vô địch V.League 2004, Sỹ Hùng chính thức giải nghệ.
Tại Gia Lai, ngoài tình yêu bóng đá, Hùng còn bắt đầu bước chân vào việc kinh doanh. Một thời, vợ chồng anh làm đại lý bán gỗ cho tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai ở Thanh Hóa. Dù vậy, kinh doanh thời trang mới là sở trường của tiền đạo này. Nhờ các mối quan hệ và đặc biệt là cái duyên với việc buôn bán, Văn Sỹ Hùng đã rất thành công với hệ thống các cửa hàng thời trang của mình.
Sự nghiệp đang lên như diều gặp gió thì Hùng nhận được lời mời của bầu Hiển về tiếp quản cơ sở đào tạo bóng đá Hà Nội T&T đóng ở thị xã Cửa Lò. Vì đam mê, Văn Sỹ Hùng gác lại mọi thứ, cùng vợ con khăn gói về quê. Biết rằng sẽ gặp rất nhiều khó khăn nhưng bóng đá như gắn với máu thịt và chỉ chờ thời cơ, Văn Sỹ Hùng đã sẵn sàng đánh đổi tiền bạc lấy sự đam mê trái bóng tròn.
Thời điểm hiện tại, do những liên quan với các đối tác ở TP.HCM, Văn Sỹ Hùng vẫn giữ lại một ki-ốt thời trang ở quận 2. Mọi công việc điều hành, anh đều thực hiện… từ xa. Văn Sỹ Hùng chia sẻ, việc kinh doanh của vợ chồng anh theo kiểu đầu mối nên tuy vợ chồng anh ở Vinh nhưng vẫn có thể điều khiển công việc buôn bán qua… điện thoại và chỉ bay vào TP.HCM xử lý nếu có những phát sinh gấp gáp.
Việc kinh doanh mang lại thu nhập chính và cũng đủ để đảm bảo chi tiêu cho vợ chồng và 2 con, nên Văn Sỹ Hùng không bị phân tán quá nhiều khi làm công việc đào tạo bóng đá. Giờ đây, ngoài Văn Sỹ Hùng, trung tâm của HN.T&T tại Nghệ An còn tập hợp được nhiều danh thủ một thời khác của SLNA.
Từ sự uốn nắn của ê-kíp này, nhiều cầu thủ đã thành danh như: Sầm Ngọc Đức, Ngân Văn Đại, Nguyễn Văn Công, Xuân Luân… Theo tinh thần hợp tác giữa các bên, khi chuyển nhượng thành công, 40% giá trị hợp đồng sẽ thuộc về T&T, 20% được chia cho trung tâm VSH và 40% còn lại thuộc về cầu thủ học viên.
Sau sự nghiệp sân cỏ lừng danh, giờ tiếp tục được hoạt động trong lĩnh vực bóng đá, Văn Sỹ Hùng cảm thấy hạnh phúc. Anh tâm sự: “Dù biết rằng, nếu gác niềm đam mê lại và tập trung cho kinh doanh thì mình sẽ kiếm được nhiều tiền. Nhưng thú thật, cái duyên với trái bóng tròn vẫn còn, nên đến thời điểm này tôi vẫn chưa nghĩ đến việc xa rời bóng đá”.
Vài nét về Văn sỹ hùng
Tên đầy đủ: Văn Sỹ Hùng
Sinh ngày: 1/9/1970
Vị trí: Tiền đạo
Giải nghệ: 2004
THÀNH TÍCH:
Cấp CLB:
- VĐQG 2000, 2001 (SLNA), 2003, 2004 (HA.GL)
- Cúp Quốc gia 2001 (SLNA)
- Siêu Cúp Quốc gia 2000, 2001 (SLNA), 2003 (HA.GL)
Cấp ĐTQG:
- HCĐ Tiger Cup 1996, HCĐ SEA Games 1997, HCB Tiger Cup 1998, HCB SEA Games 1999