TỪ “CỤC CƯNG” CỦA HENRIQUE CALISTO
“Cậu này là ai vậy?”, trong một lần đến xem buổi tập của Năng khiếu Long An, HLV Henrique Calisto vốn được đăng ký chức danh Giám đốc kỹ thuật đã hỏi như thế về chàng trai 17 tuổi – Đỗ Đình Vinh. Sau “lần xem mắt” đấy, Vinh đã được bốc lên đội 1 của Đồng Tâm Long An, nay là Long An. Năm 2003, lúc bấy giờ nhà cầm quân người Bồ Đào Nha mới đến Việt Nam theo lời mời của ông bầu Võ Quốc Thắng.
Một cuộc cách mạng nhân sự được tạo ra, ông Calisto đã sử dụng rất nhiều cầu thủ trẻ trong đội hình, chẳng hạn như Phan Văn Tài Em, Lê Hoàng Thương, Nguyễn Thanh Xuân, Huỳnh Ngọc Quang… Và tất nhiên không thể không nhắc đến, phi vụ chuyển nhượng gây ầm ĩ lúc bấy giờ, đó là tiền vệ Nguyễn Minh Phương từ Cảng Sài Gòn về ĐT.LA với cái giá 400 triệu đồng. Đỗ Đình Vinh cũng là một sự lựa chọn để hướng tới những đỉnh cao của đội bóng xứ Tân An. Và chỉ 2 năm sau, ĐT.LA đã giành 2 chức vô địch V.League 2005 và 2006.
Đỗ Đình Vinh không được xem là “thế hệ vàng” của bóng đá Long An. Nhưng anh cũng đặt những dấu giày trong chức vô địch của đội bóng này ở mùa 2005, đó là mùa bóng mà Minh Phương chơi tiền vệ cánh phải còn cánh đối diện thuộc về Đình Vinh. HLV Calisto rất thích Đình Vinh, một chàng trai cơ bắp, chịu khó và cần mẫn trên sân cỏ.
Hơn thế nữa, cầu thủ sinh năm 1984 này, rất hợp với sơ đồ phòng ngự phản công lúc bấy giờ của Gạch. Thế nên, có người mới nói, Đình Vinh là một sản phẩm, hay là đứa con cưng của ông thầy người Bồ. Nhưng rồi những phút bốc đồng của tuổi trẻ đã đẩy Vinh xa rời những ánh hào quang mà anh từng nắm trong tay.
ĐẾN ĐỨA CON LƯU LẠC BỐN PHƯƠNG
Lúc còn trên đỉnh, CLB ĐT.LA còn có một đội bóng khác dành cho các cầu thủ trẻ hoặc những người không có nhiều cơ hội vào sân thể hiện mình, có tên là Ngói Đồng Tâm Long An. Cuối năm 2005, ĐT.LA tiếp nhận đội bóng Ngân hàng Đông Á, xây dựng thành đội hình 2 với tên gọi Sơn Đồng Tâm Long An để thi đấu ở Giải bóng đá hạng Nhất 2006. Tuy nhiên, kết thúc mùa bóng 2006, đội bóng Sơn Đồng Tâm Long An được nhập hộ khẩu về Ninh Bình và có tên Vinakansai Ninh Bình, tiền thân của đội Ninh Bình hiện đã giải tán.
Cùng nằm trong gói chuyển giao này có thủ môn Quốc Cường hiện đang chơi cho Long An và có cả Đỗ Đình Vinh. Nhưng chỉ đúng 1 năm sau, Đình Vinh đi theo tiếng gọi của HLV Nguyễn Văn Vinh với cái giá lót tay nửa tỷ, cho 3 năm tại CLB Hòa Phát Hà Nội. Đáo hạn, Đình Vinh tiếp tục phiêu bạt tới một loạt đội bóng khác như An Giang, Quảng Nam, Đồng Nai. Cũng có lúc, anh quay về chơi cho đội bóng quê hương là Long An (năm 2013 và 2014) nhưng vốn là một cầu thủ thích “xê dịch”, Đình Vinh đã chọn Đồng Tháp với ý nghĩ sẽ chơi nốt phần đam mê còn lại trước khi treo giày.
“Anh Mười (Phan Văn Tài Em) nói tôi ở lại Long An chơi. Tôi nói với anh ấy, ở lại cũng được nhưng muốn tìm kiếm một cơ hội mới, chơi nốt quãng đường còn lại của đời cầu thủ”, Đình Vinh chia sẻ. Tiền vệ sinh ra tại huyện Bến Lức này đã chọn điểm đến là Đồng Tháp.
Và không ngờ đây cũng là lần cuối cùng, anh được hít thở bầu không khí của V.League. Chấn thương giãn dây chằng khiến Đình Vinh đi đến quyết định giải nghệ, dù HLV Lư Đình Tuấn lúc bấy giờ đang làm HLV trưởng cho Đắk Lắk từng có nhã ý mời anh lên Tây Nguyên chơi bóng. Gác lại nỗi nhớ, gác lại những ký ức, Đình Vinh đã chuyển sang làm một nhân viên kinh doanh xe hơi.
XIN CHÀO SẾP VINH!
Thực ra, để đi đến quyết định dứt khỏi bóng đá và chọn 1 hướng đi mới Đỗ Đình Vinh đã nhờ tới sự giới thiệu của một người anh vào làm nhân viên kinh doanh tại một chi nhánh lớn của một hãng xe hơi uy tín. “Lúc đầu cũng bỡ ngỡ lắm vì hồi xưa đến giờ đi đá bóng chẳng biết kinh doanh là cái gì. Nhưng làm riết rồi cũng quen. Nghĩ lại giờ thấy mình đã đúng khi rời bóng đá ở tuổi 32, vốn vẫn còn có thể chạy thêm vài năm nữa rồi giải nghệ cũng được”, Đình Vinh cho biết.
Con đường kinh doanh của Đình Vinh có vẻ hanh thông hơn bóng đá. Chỉ mới được 1 năm anh đã được đề bạt lên làm chức trưởng phòng kinh doanh. Nói vui như các cầu thủ Long An, bây giờ ra đường là người ta đã chào sếp Vinh. Nói về nghề mới của mình, cựu tiền vệ này nói rằng: “Từ cầu thủ vốn chỉ sử dụng bằng chân, nay chuyển sang làm nhân viên, kinh doanh buôn bán xe phải nói nhiều hơn. Hơn thế nữa, nói như thế nào và ra sao để thuyết phục khách hàng lại càng khó. Nay thì đỡ rồi…”.
Chắc chắn, một trong những điều mà người ta quan tâm nhất chính là mức thu nhập của Đình Vinh ngày còn đá bóng với bây giờ như thế nào. Cựu tiền vệ này bật mí: “Thực ra lương của của công việc buôn bán xe cũng cũng vô chừng, cơ bản thì 3-4 triệu, quan trọng là “mồm mép đỡ chân tay”, có khi có tháng thu nhập 50-60 triệu đồng là bình thường, nhưng cũng có khi chỉ đủ ăn”.
Trong giới cầu thủ Việt Nam, rất nhiều người sau khi giải nghệ đã chọn con đường kinh doanh bởi như người ta vẫn nói “phi thương bất phú”. Đình Vinh không phải là sao số, cũng chẳng có nhiều tiếng tăm trong làng bóng. Thế nhưng về sự cầu tiến cũng như chí thú làm ăn, có lẽ nhiều người phải học ở cựu tiền vệ của ĐT.LA này.
Sau tất cả... Sau tất cả những mệt nhọc của công việc không chỉ trước đây là một cầu thủ bóng đá mà ngay cả bây giờ, Đình Vinh cũng luôn tìm về ngôi nhà nhỏ của mình. Vinh kể, anh quen bà xã của mình hồi cô còn là một nữ sinh viên. Quen nhau được 2 năm thì rủ nhau lên xe hoa và cho đến nay, anh đã có hai bàn thắng cuộc đời có là hai cậu con trai lên 4 và 1 tuổi. Từng được gọi lên U22 Việt Nam Để chuẩn bị cho SEA Games 25, ĐT U22 Việt Nam đã được thành lập. Trong số những cái tên được lựa chọn có Đỗ Đình Vinh. Tuy nhiên, Vinh cùng một vài cái tên khác đã bị Gạch Đồng Tâm giữ lại để chơi cho đội hạng Nhì Ngói Đồng Tâm. Cho đến nay, Đình Vinh vẫn còn tiếc nuối bởi đó là cơ hội duy nhất mà anh được khoác áo đội tuyển nhưng lại bỏ lỡ vì những vấn đề khách quan. |