Bóng Đá Plus trên MXH

Điểm mặt những đối thủ của ĐT U19 Việt Nam: Đấy chính là tương lai của châu Á
13:57 ngày 11/10/2014
Thất bại của các đội bóng châu Á ở World Cup vừa rồi, khi cả 4 đại diện của châu lục này đều bị loại ngay từ vòng bảng và không đội nào giành lấy nổi một chiến thắng. Nhưng với giải U19 châu Á đang diễn ra ở Myanmar, tương lai của bóng đá thế giới rất có thể là tại châu lục đông dân nhất hành tinh.
    NHẬT BẢN & HÀN QUỐC ĐỀU LÀ CƯỜNG QUỐC BÓNG ĐÁ
    Dù cho những cầu thủ giỏi nhất đều sẽ lần lượt chuyển sang chơi bóng ở châu Âu, một số giải VĐQG chất lượng nhất của châu lục, J.League của Nhật Bản, K.League của Hàn Quốc và nhiều giải vô địch ở các nước vùng Vịnh giàu có, đang ngày càng được cải thiện về mặt chất lượng. 

    “Cùng với Nhật Bản, Hàn Quốc đang trở thành tiêu chuẩn ở châu Á” - Bob Houghton, HLV giàu kinh nghiệm người Anh đã có hơn 20 năm làm việc cho nhiều đội bóng châu Á khác nhau, bình luận. 2 ĐT U19 Hàn Quốc và Nhật Bản cũng sẽ là ứng cử viên nặng ký cho những tấm vé đi tiếp ở bảng C giải U19 châu Á tại Myanmar, nơi Việt Nam cũng góp mặt (đội còn lại là Trung Quốc).

    “Các giải J.League và K.League giờ đang xuất khẩu cầu thủ ra nước ngoài, các ĐTQG ở đó thường xuyên được dự World Cup. Hàn Quốc đặc biệt là một mô hình lý tưởng về mặt kinh tế bóng đá”. 


    Houghton cũng chỉ rõ rằng Hàn Quốc và Nhật Bản từ lâu đã rất coi trọng các giải trẻ như U19 châu lục. Cùng với các kỳ Asian Games, đó là sân chơi lý tưởng để nhiều đội bóng chuẩn bị cho các thế hệ kế cận, nơi những Park Ji Sung, Shinji Kagawa hay Ali Daei tiếp theo sẽ chập chững những trận đấu lớn đầu tiên.

    Hàn Quốc là quốc gia thành công hơn ở các kỳ World Cup, và các CLB của họ cũng tỏ ra mạnh hơn các đối thủ J.League tại các sân chơi châu Á, và các mô hình của họ đều rất đáng học tập. “Chúng tôi luôn chăm chút cho trình độ phong trào và các giải trẻ, dù còn có thể làm tốt hơn, mà cách làm của Nhật Bản là rất đáng học tập” -  Phó tổng giám đốc K.League Kwon Sung Jin nói - “Chúng tôi đang rất nỗ lực vì điều đó, chúng tôi có nhiều cầu thủ trẻ ở K.League, ĐTQG và cả những người chơi ở nước ngoài. Chúng tôi đã sống còn trên đấu trường quốc tế bằng tinh thần chiến đấu, nhưng chúng tôi cũng cần thêm kỹ năng và thực lực”. 

    THÁCH THỨC CỰC LỚN CỦA ĐT U19 VIỆT NAM
    Ở giải U19 châu Á lần này, Hàn Quốc sẽ là một trong những ứng cử viên nặng ký nhất. Về lịch sử, họ là đội giàu thành tích nhất giải, với 12 lần vô địch, vượt xa đội xếp thứ 2, chủ nhà Myanmar (7 lần). Về nhân sự, trong đội hình của HLV Kim Sang Ho có 4 cầu thủ chơi bóng ở nước ngoài rất đáng chú ý: tiền vệ Paik Seung Ho, mới 17 tuổi, đang khoác áo FC Barcelona Juvenil A, tức đội U19 của Barca trứ danh; tiền vệ Kim Seung Ju đang chơi ở giải hạng Nhì của Mỹ cho Orange County Blues FC; tiền đạo Kim Shin của đội Lyon B ở Pháp và tiền đạo Kim Young Gyu của đội Almeria B ở Tây Ban Nha.

    Giống như với Hàn Quốc, thành công của bóng đá Nhật Bản, nhất là ở lứa trẻ, là quá trình gầy dựng lâu dài. Ông Tom Byer, 53 tuổi, từng chơi bóng ở Nhật Bản từ trước khi J.League ra đời năm 1993, là người sáng lập ra chuỗi trường dạy bóng đá cho trẻ em lớn nhất nước này, khẳng định tầm nhìn dài hạn cho bóng đá cấp độ trẻ và phong trào ở Nhật đang giúp các cấp độ đội tuyển gặt hái thành công. 


    “Trình độ chung của bóng đá Nhật Bản được cải thiện qua từng năm” - Byer nói - “Tôi cho rằng bạn có thể thấy họ có rất nhiều cầu thủ trẻ ngồi dự bị ở Asian Cup vừa rồi. Nhật Bản giờ không chỉ dựa vào vài cầu thủ ngôi sao như trong quá khứ nữa. Họ đã có một kế hoạch 20 năm và LĐBĐ nước này nhấn mạnh vào việc đào tạo trẻ nhiều năm qua. Bóng đá phong trào và bóng đá trẻ rất mạnh ở Nhật Bản”.

    Họ sẽ muốn thể hiện sức mạnh đó ở giải U19 lần này, thật ngạc nhiên, là giải cấp độ đội tuyển duy nhất ở châu lục mà Nhật Bản chưa một lần đăng quang, dù đã 6 lần về nhì. HLV Yasushi Yoshida sẽ mang tới Myanmar đội hình mạnh nhất của ông, với nhiều cầu thủ kỳ cựu ở J.League, dù chưa quá 21 tuổi, và ngôi sao lớn nhất là Yuya Kubo, tiền đạo đang khoác áo CLB Thụy Sỹ BSC Young Boys (ghi 9 bàn/39 trận).

    Những cầu thủ như anh dần dần sẽ chuyển sang chơi ở Bundesliga hoặc Premier League, có thể qua những nền bóng đá trung gian như Hà Lan hay Italia, như Keisuke Honda, Park Ji Sung hay Shinji Kagawa đã làm. “Kagawa mới 10 tuổi khi bắt đầu được đào tạo ở một trong những trường của tôi”, Byer nói. “Tôi lập tức nhận ra cậu ấy là một trong những người giỏi nhất, nhưng Nhật Bản còn nhiều Kagawa nữa”.

    Đối thủ còn lại trong bảng đấu của Việt Nam, Trung Quốc, cũng đang đầu tư mạnh tay cho bóng đá nói chung, và bóng đá trẻ nói riêng trong thời gian qua. Với quốc gia 1,3 tỉ dân đang trỗi dậy mạnh mẽ, nỗi thất vọng triền miên với môn thể thao vua vẫn là một vết nhơ với nền thể thao nước này, và họ quyết tâm thay đổi điều đó.

    Chuẩn bị cho giải U19 châu Á, mà Trung Quốc đã vô địch 1 lần (1985), HLV Zheng Xiong (Trịnh Hùng) mang theo một đội hình với 4 tài năng trẻ đã được tôi luyện ở nước ngoài từ nhỏ: Gaon Zhunyi (Cao Chuyết Dực, Kataller Toyama-Nhật Bản), Wei Shihao (Vi Thế Hào, Boavista-BĐN), Tang Shi (Đường Thi, Botafogo - Brazil) và Xiang Baixu (Hướng Bá Húc, St. Etienne-Pháp). 

    Xem ra, những thử thách phía trước với U19 Việt Nam sẽ là không hề nhỏ.

    CON SỐ
    12 Đội có số lần vô địch giải nhiều nhất là Hàn Quốc, 12 lần. Tiếp theo là Myanmar, 7 lần. Đội xếp thứ 3 là Israel, 6 lần, không còn cơ hội nâng thành tích vì đã chuyển sang chơi ở châu Âu.

    10 Quốc gia làm chủ nhà giải U19 châu Á nhiều nhất là Thái Lan, 10 lần. Việt Nam từng tổ chức một lần dưới thời Việt Nam Cộng hòa vào năm 1964.

    3 Số đội tuyển U19 ở giải lần này có HLV là người nước ngoài, bao gồm Myanmar (Gerd Friedrich-Đức), Qatar (Felix Sanchez-TBN) và Việt Nam (Guillaume Graechen-Pháp).

    BẢNG NÀO CŨNG KHÓ
    Tương quan lực lượng của các đội trẻ ở châu Á không khác nhiều so với các đội đàn anh, với những ứng cử viên hàng đầu cho chức vô địch tại giải U19 châu lục ở Myanmar vẫn sẽ là ĐKVĐ Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia và Iran. Tuy nhiên, các cấp độ trẻ thường chứng kiến nhiều bất ngờ hơn. 

    Thật ra, vòng loại đã ghi nhận không ít bất ngờ, mà vang dội nhất chính là chiến thắng 5-1 của U19 Việt Nam trước đối thủ mạnh Australia. Ở bảng G của vòng loại, Indonesia cũng đã gây tiếng vang khi đứng đầu bảng đấu có mặt Hàn Quốc trong chiến thắng đầy kịch tính 3-2 ở Jakarta. Cùng với Thái Lan, CHDCND Triều Tiên, Indonesia được chờ đợi là 3 ngựa ô của giải đấu.


    Bảng tử thần của giải chính là bảng C của Việt Nam, với 3 đối thủ cực mạnh Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Tuy nhiên, các bảng khác cũng không nhẹ hơn là mấy. Iran là ứng cứ viên số 1 ở bảng A. Chủ nhà Myanmar và Thái Lan sẽ tranh giành tấm vé thứ 2, trong khi Yemen bị đánh giá thấp nhất. 

    2 đội mạnh hơn ở bảng B là Uzbekistan và Australia, nhưng không có gì đảm bảo chắc chắn là họ sẽ đi tiếp, bởi 2 đội còn lại trong bảng này, UAE và Indonesia, đều có khả năng gây bất ngờ. Cuối cùng ở bảng D, Iraq và Triều Tiên được đánh giá cao hơn so với Oman và Qatar.
    Phương Loan • 13:57 ngày 11/10/2014

    Bài viết hay? Ấn để tương tác

    Bình luận
    Thông tin Toà soạn
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Tổng biên tập:
    Nguyễn Tùng Điển
    Phó Tổng biên tập:
    Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
    Địa chỉ:
    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Tel:
    (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
    Fax:
    (84.24) 3553 9898
    Email:
    Thông tin Liên hệ
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Hotline:
    0903 203 412
    Email:

    Địa chỉ liên hệ:

    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Đăng nhập
    hoặc

    Email:

    Mật khẩu:

    Quên mật khẩu?


    Bạn chưa có tài khoản? Đăng ký ngay