Bóng Đá Plus trên MXH

Đoàn “công tử”, tỷ phú bóng đá & chuyện tay trắng về không
09:24 ngày 19/04/2015
Đoàn Việt Cường thuộc “thế hệ vàng” của bóng đá Việt Nam giành chức vô địch AFF Suzuki Cup 2008. Cường “Dusit” từng được gọi là “công tử”, được coi là tỷ phú bóng đá ở xứ miệt vườn Đồng Tháp, ấy vậy mà giờ đây, anh đi đâu làm gì chẳng còn ai biết đến?.
    TUỔI 20 CỦA VIỆT CƯỜNG
    Sau 2 chức vô địch BĐVN năm 1989 và 1996 với thế hệ vàng: Lai Hồng Vân, Trần Công Minh, Trịnh Tấn Thành, Huỳnh Quốc Cường, Trần Thanh Nhạc… Bóng đá Đồng Tháp tiếp tục sản sinh ra một thế hệ tài năng khác là Trung Vĩnh, Minh Nghĩa, Văn Trãi, Vĩnh Nghi… liên tục được gọi vào chơi cho các ĐTQG. 

    Tiếc thay, khi đã thành tài thì những cầu thủ này cứ thay nhau dứt áo ra đi. Bóng đá xứ bưng biền cứ lên lên xuống xuống như những con nước, và lạ ở chỗ, nhân tài ở cái lò đào tạo này cứ “sóng sau đè sóng trước”. Năm 2005 trở đi, Đồng Tháp tiếp tục chào hàng một loạt cầu thủ xuất sắc khác, đó là Phan Thanh Bình, Châu Phong Hòa, Nguyễn Quý Sửu, Nguyễn Văn Pho, Nguyễn Văn Nghĩa, thủ môn Bùi Tấn Trường, Lương Văn Được Em và Đoàn Việt Cường.

    Trong số những cầu thủ này, Đoàn Việt Cường là cầu thủ có nhiều tố chất để trở thành một ngôi sao lớn của BĐVN. Đúng như kỳ vọng, được đôn lên đội 1 năm 2004, Cường là người được chọn để mang chiếc băng thủ quân của Đồng Tháp ở mọi lứa U. Và bước sang tuổi 20, hậu vệ này đã là đội trưởng của đội bóng xứ bưng biền. 

    Năm 2008, khi Đồng Tháp trở lại V.League (đánh bại Bình Định trong trận tranh play-off), cũng là lúc Đoàn Việt Cường rời xứ Tràm chim để đầu quân cho HA.GL. Và từ đó, đứa con miệt vườn bắt đầu đổi thay, đổi thay đến chóng mặt khi được sống trong nhung lụa, gấm vóc.


    Việt Cường cùng đồng đội vô địch AFF Suzuki Cup 2008

    Những đồng đội ở HA.GL kể rằng, ở độ tuổi 24, Việt Cường là một trong những cầu thủ có chuyên môn xuất sắc, nhưng anh cũng được biết đến là một tay chơi “không phải dạng vừa đâu”. Chắc chắn, phố Núi buồn tẻ không phải là chốn mà Cường “công tử” thường lui tới. Cứ mỗi độ cuối tuần nếu được nghỉ, Cường lại bay về Sài Gòn để cùng đám bạn xả… stress. Hoặc giả sử, muốn “đổi gió” thì các chiến hữu lại ngược lên Pleiku, nơi mà anh nhận được những đặc cách đặc biệt từ đội bóng. 

    Có tiền bạc lại được trọng dụng, nhưng chỉ gắn bóng với phố Núi được 2 năm (theo hợp đồng là 3 năm), Cường bảo vì “ở trển” buồn quá, nên anh quyết định đền bù hợp đồng cho HA.GL khi đã nhận một số tiền rất lớn từ Navibank Sài Gòn (Có thông tin là lên đến 9 tỷ lót tay, trong đó 7 tỷ tiền lót tay và căn hộ trị giá 2 tỷ ở TP.Hồ Chí Minh). Việt Cường là thế, anh chơi rất sành nhưng đá bóng cũng rất hay. Cường vẫn được gọi lên ĐTQG, tuy nhiên kể từ ngày chuyển xuống Sài Gòn “ngọn xanh ngọn đỏ”, cái tên Cường “Dusit” đã trượt một bước dài…

    ĐOÀN “CÔNG TỬ” GIỜ ĐÃ “BÓNG CHIM TĂM CÁ”
    Chuyển về N.SG, đội bóng được coi là “thiếu gia” lúc bấy giờ của bóng đá Việt Nam, Việt Cường được coi là ngôi sao trong đội hình “triệu đô”. Tuy nhiên, chỉ mới chơi được 1 mùa bóng, người ta đã thấy được nhiều sự bất cập và sự nghiệp dư trong công tác điều hành. 

    Rồi cái gì đến cũng phải đến, khi ông chủ cạn hầu bao, cái tên N.SG đã bị “khai tử” theo cái cách… bi hài nhất. Lãnh đạo CLB trốn biệt tích, các cầu thủ bị nợ tiền lương được gọi lên để nói lời thông cảm vì CLB không có tiền, các anh thấy siết nợ được cái gì thì siết… 

    Nhưng với những cầu thủ đã nhận lót tay tiền tỷ thì không có chính sách như vậy, nếu ra đi họ phải đền bù số tiền trong thời gian còn lại của bản hợp đồng. Rất may cho những Quang Hải, Tài Em, Long Giang, Việt Cường… ông Nguyễn Đức Thụy, lúc bấy giờ đang là Chủ tịch CLB XMXT.SG đã chấp nhận mua họ. Đoàn Việt Cường nằm trong “gói cầu thủ” với hình thức trả tiền lót tay, nhưng cầu thủ phải chịu giảm số tiền lương cao ngất ngưỡng.

    Cuộc đời vốn không như là mơ, Việt Cường ngày càng sa sút về chuyên môn. Đoạn cuối cho mối tình của Cường “Dusit” với XMXT.SG là anh phải “ra đường”, do không đáp ứng được yêu cầu chuyên môn. Nhưng trên hết là những “tin đồn” ồn ào bên ngoài sân cỏ, chẳng hạn như Cường dính vào chuyện “bay lắc”, cờ bạc… 


    Trước thềm AFF Suzuki Cup 2012, Việt Cường đã bị gạt thẳng tay khỏi danh sách lên ĐTQG. Thê thảm đến mức, 1 năm sau đó, Việt Cường gõ cửa rất nhiều đội bóng nhưng đều bị từ chối. Ngay cả việc xin về đội bóng quê hương Đồng Tháp thì anh không được chào đón. Cuối cùng, Việt Cường đến thử việc và được ký hợp đồng với đội hạng Nhất TP.HCM có thời hạn 1 năm. 

    Với một ngôi sao như Cường, chơi ở một đội bóng chẳng mấy tên tuổi, có vẻ đó là điều “không chấp nhận được”, nhưng “thế thời, thời thế phải thế thôi”, có chỗ đi lại, có đồng lương ra vào, dù ít còn hơn không. Ấy vậy mà, con ngựa ấy vẫn không chồn chân, mỏi gối. 

    Một HLV của CLB TP.HCM kể với chúng tôi rằng: “Anh ta chỉ đến tập được mấy buổi rồi bỗng nhiên rồi rời đội và khóa máy điện thoại. Ngày ấy, nể có chút tình anh em và Cường cũng có chuyên môn nên nhận vào tập và ký hợp đồng, ai ngờ cậu ấy ra đi không một lời tạm biệt, tôi cũng khó ăn nói với lãnh đạo”.

    Sau cái ngày rời CLB TP.HCM, Đoàn Việt Cường bỗng nhiên “bóng tim tăm cá”. Những người thân của hậu vệ này nói rằng, cái quán ăn mà Cường hùn hạp mở tại trung tâm Sài Gòn với bạn đã bị “dẹp tiệm”. Chiếc xe hơi, vẫn vốn chở những bóng hồng tung tăng cũng “lên đường” vì thân chủ… túng tiền. 

    Chúng tôi hỏi thăm các đồng đội, đồng nghiệp về việc bây giờ Cường ở đâu, làm gì, đều nhận được câu trả lời chung chung: Nghe nói Cường về quê phụ bà già bán hàng, nghe nói Cường đi nước ngoài… 

    Đúng là Việt Cường đi đâu làm gì thì người ta cũng mong anh có được cuộc sống tốt. Nhưng có lẽ không ít người đang tiếc nuối cho anh, bởi ở tuổi 30, là một cầu thủ có chuyên môn tốt, lại có tiền bạc, quan hệ… chuyện Việt Cường giải nghệ trong lặng lẽ và để lại nhiều điều tiếng, đó quả là nỗi buồn không tả siết cho “thần tượng” một thời của những đứa trẻ ở Đồng Tháp và cả BĐVN. Thôi thì chỉ biết thở dài…

    “Lời nguyền”  cho những người...  bỏ xứ ra đi
    Việt Cường, Thanh Bình, Phong Hòa, Qúy Sửu, Được Em, Duy Khanh, Minh Triết, Tấn Trường… đều là những cầu thủ Đồng Tháp có giá trị chuyển nhượng nhiều tỷ đồng trên sàn chuyển nhượng. Nhưng oái ăm thay, gần như tất cả những người ra đi đều không thành công trêm sân cỏ, thậm chí khi quay về họ chỉ còn là cái bóng của chính mình.

    VÀI NÉT VỀ ĐOÀN VIỆT CƯỜNG
    Sinh năm: 1985 tại Đồng Tháp
    Cao 1m71 nặng 67kg
    - 1999: Tập lớp năng khiếu bóng đá Đồng Tháp
    - 2004 - 2008: Đồng Tháp 
    - 2009 - 2011: Hoàng Anh Gia Lai
    - 2012 - 2013: Navibank Sài Gòn và XMXT.SG
    Thành tích: Vô địch AFF Suzuki Cup 2008
    Nhật Thị • 09:24 ngày 19/04/2015

    Bài viết hay? Ấn để tương tác

    Bình luận
    Thông tin Toà soạn
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Tổng biên tập:
    Nguyễn Tùng Điển
    Phó Tổng biên tập:
    Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
    Địa chỉ:
    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Tel:
    (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
    Fax:
    (84.24) 3553 9898
    Email:
    Thông tin Liên hệ
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Hotline:
    0903 203 412
    Email:

    Địa chỉ liên hệ:

    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Đăng nhập
    hoặc

    Email:

    Mật khẩu:

    Quên mật khẩu?


    Bạn chưa có tài khoản? Đăng ký ngay