Từ tháng 2/2001, ban tổ chức Bundesliga bắt buộc tất cả 18 đội chuyên nghiệp phải có một học viện trẻ với các đội bóng từ lứa U21 tới tận U12. Sau này, yêu cầu đó được mở rộng cho cả 36 đội ở hai giải đấu hạng cao nhất nước Đức. Ban tổ chức cũng hỗ trợ cho các đội xây dựng được các học viện đào tạo trẻ chất lượng những khoản tiền ý nghĩa. Theo đó, các đội được Bundesliga đánh giá “3 sao” sẽ nhận thêm 400.000 USD mỗi năm cho đào tạo trẻ, khoản tiền rất đáng kể với các đội nhỏ.
Giai đoạn 2001-2011, các đội bóng chuyên nghiệp ở Đức đã chi khoảng 681 triệu USD cho đào tạo trẻ. Cùng lúc, DFB khởi động một chương trình của riêng họ với ngân sách 13 triệu USD mỗi năm cho các tài năng thiếu niên và tính tới nay đã có 366 học viện do DFB bảo trợ đã đi vào hoạt động trên cả nước Đức, thu hút 25.000 trẻ em.
“Chương trình phát triển tài năng” đầu tiên của DFB dựa vào những hệ thống tương tự ở Hà Lan và Pháp, khi liên đoàn thuê 400 HLV chuyên đào tạo trẻ và cấp cho 21 liên đoàn địa phương ở Đức khoản tiền 1 triệu euro (1,35 triệu USD) mỗi năm để phát triển hệ thống tuyển lựa và đào tạo U13.
Một mạng lưới rộng khắp và được đầu tư bài bản như thế có mục đích rõ ràng: phát triển đào tạo trẻ đỉnh cao, nhưng bắt đầu từ bóng đá phong trào. Egidius Braun, Chủ tịch DFB lúc bấy giờ, nói: “Chúng tôi muốn đảm bảo rằng các tài năng bóng đá không phải lái xe hàng trăm cây số để đi học bóng đá, mà có được đầy đủ điều kiện ở một trung tâm ngay gần nhà”.
… và người thừa kế chiếc áo số 10 của anh ở đội U21 hiện giờ, Julian Draxler
Braun cũng vận động thiết lập quy định mỗi đội bóng phải có trong danh sách đăng ký ít nhất 12 cầu thủ đủ điều kiện chơi cho ĐT Đức. Kết quả: năm 2003, có khoảng 44% cầu thủ chơi ở Bundesliga là người nước ngoài, thì giờ chỉ còn 38%, có nghĩa là 62% những người chơi ở giải hạng cao nhất của Đức có thể khoác áo ĐTQG (con số này ở Premier League chỉ là 30%).
Sự đầu tư mạnh tay và những quy định đúng đắn đã được đền đáp. Mùa 2011/12, hơn một nửa cầu thủ ở các đội Bundesliga là những người đã kinh qua các hệ thống đào tạo trẻ, 20% trong số đó hoàn toàn trưởng thành từ các học viện trẻ. Tuổi trung bình của giải đấu trong 10 năm 2001-2011 giảm từ 27 xuống 25. Để rồi năm 2013, hai đội bóng Đức, Borussia Dortmund và Bayern Munich, gặp nhau ở chung kết Champions League.
Rất nhiều thành viên của ĐT Đức vô địch World Cup là sản phẩm của hệ thống hậu 2000. Mario Goetze (Borussia Dortmund), Mats Hummels (Dortmund), Manuel Neuer (Schalke), Per Mertesacker (Hannover), Toni Kroos (Hansa Rostock), Thomas Mueller (Bayern Munich) và Mesut Oezil (Schalke) đều trải qua các học viện trẻ ở Bundesliga. Thêm nữa, 14 trong số 23 cầu thủ Đức dự World Cup có tuổi đời từ 25 trở xuống.
Tất cả những gương mặt đó sẽ bước vào thời kỳ đỉnh cao ở World Cup 2018, miễn là họ không bị thay thế bởi những thế hệ tiếp theo. Tất cả không phải là trùng hợp, không phải là một “Thế hệ vàng” bỗng dưng xuất hiện. Đó là kết quả của một hệ thống bền vững hiệu quả và liên tục.