HLV Howard Wilkinson, từng cùng Leeds United đăng quang giải VĐQG Anh năm 1992 (tiền thân của Premier League), đã bác bỏ vai trò hàng rào: “Vấn đề đầu tiên đặt ra cho hàng rào là phải hiểu người sút là ai, cách sút là gì, tỷ lệ thành công trước đó có cao không? Trong tuyệt đại đa số các tình huống, hàng rào đều không phát huy được tác dụng mong muốn”.
Cựu tiền vệ Tottenham, Chris Waddle đi xa hơn: “Các đội bóng nên dẹp luôn hàng rào phòng ngự với những quả sút phạt với cự ly từ 25 mét trở lên”. Theo ông, hàng rào trong những tình huống như thế thậm chí còn gây tác dụng ngược, tức là vừa vô dụng vừa hạn chế tầm nhìn của thủ môn. Nếu dẹp hàng rào, với tầm nhìn thông thoáng hơn, thủ môn hoàn toàn có đủ thời gian để phản xạ trước các tình huống sút xa của đối phương.
Tony Waiters, thủ môn của ĐT Anh trong năm 1964 và sau đó trở thành một HLV thành công tại Bắc Mỹ, cho biết: “Tôi đã thử dẹp luôn hàng rào và kết quả rất đáng khích lệ. Thủ môn của chúng tôi chỉ để thua một lần duy nhất trong các tình huống đá phạt trực tiếp, nhưng là do... sai lầm của anh ta”.
Oliver Kahn là 1trong số ít các thủ môn vài lần yêu cầu hậu vệ không cần lập hàng rào
Cứ đến trước một loạt trận cuối tuần, các sân tập trên toàn nước Anh đều nhộn nhịp với những bài tập chống đá phạt. Các cầu thủ đứng sát bên nhau trong hàng rào như người chuẩn bị... ra pháp trường, đón chờ một quả sút phạt mà không hề biết quả bóng sẽ bay về đâu.
Trên thực tế, những bài tập như thế chỉ có tác dụng với người sút bóng. Nó khiến cho kỹ thuật sút phạt của họ ngày càng hoàn thiện. Và hiệu quả phòng ngự của hàng rào thì tỷ lệ nghịch. Cầu thủ sút càng chính xác thì hàng rào càng trở nên... vô dụng. Cựu thủ thành Leeds và đội tuyển Anh Nigel Martyn nói: “Việc tập luyện trong hàng rào thực chất không giúp ích gì cho hàng phòng ngự cả”.
Không giúp ích là còn đỡ. Trong một số trường hợp, hàng rào còn đóng vai trò phá hoại. Hàng rào chỉ thật sự là hàng rào nếu các cầu thủ đứng sát vào nhau, hạn chế tối đa khoảng trống có thể.
Nhưng trong đa số các trường hợp, các cầu thủ trong hàng rào vì sợ bóng trúng người mình nên cứ... nghiêng qua một bên (bóng đập vào phần hông đỡ đau hơn đi vào chính diện). Thế là hàng rào hở ra, quả bóng xuyên qua và thủ môn bất lực.
NGUYÊN TẮC 3/10
Hàng rào giúp ích được bao nhiêu cho thủ môn, việc ấy sẽ còn phải bàn cãi. Nhưng có một điều chắc chắn là nó che khuất tầm nhìn của họ. Theo tính toán, sau khi quả bóng vượt qua hàng rào và đi vào tầm quan sát của thủ môn, anh ta có... 3/10 giây để đưa ra quyết định đổ người.
Mặt khác, cầu thủ ngày càng hoàn thiện hơn khả năng sút phạt. Khi khởi nghiệp, Crisitano Ronaldo và Lionel Messi đều không phải là những cầu thủ sút phạt giỏi, nhưng bây giờ họ đều thuộc hàng chuyên gia. Điều ấy chứng tỏ để trở thành một người sút phạt giỏi, bạn chỉ cần ra sức khổ luyện là đủ. Có bao nhiêu cầu thủ được xem là sút phạt giỏi trên thế giới lúc này? Nhiều, rất nhiều. Ở Real đã có sơ sơ 4 nhân vật: Ronaldo, Gareth Bale, Isco và Xabi Alonso, chưa kể Sergio Ramos từng vài lần ghi bàn từ những quả sút phạt.
Crisitano Ronaldo là một trong số rất nhiều chuyên gia sút phạt hiện nay
Có một thực tế, cầu thủ sút phạt giỏi ngày càng nhiều và hàng rào thì ngày càng vô dụng. Cầu thủ có thể sút vồng ra bên hông hàng rào, lên cao rồi chúc xuống hoặc đợi hàng rào nhảy lên rồi ghim một quả sút chìm, chưa kể vô số những tình huống phối hợp khác. Trong những trường hợp đó, số đông cầu thủ làm hàng rào đều là đám bù nhìn không hơn không kém.
Khi kỹ thuật sút bóng của các cầu thủ ngày càng trở nên hoàn thiện, hàng rào phòng ngự dần trở thành lợi thế của họ chứ không còn là bất lợi nữa. Với những khoảng cách nhất định, cách lập hàng rào của các hậu vệ sẽ giúp cầu thủ sút bóng đưa ra phương án xử lý đạt hiệu quả cao nhất.
Chris Waddle nói: “Việc dẹp bỏ hàng rào chưa biết sẽ mang lại bất lợi gì, nhưng trước hết nó cho thủ môn quan sát toàn diện quả bóng từ khi nó rời khỏi chân cầu thủ, họ sẽ chủ động hơn thay vì phụ thuộc vào hàng rào mà không biết cụ thể hiệu quả phòng ngự của nó là gì”.
Cựu thủ thành Tony Waiters nói: “Tôi đã thử đứng trước hàng trăm quả sút phạt có hàng rào và không có hàng rào. Và kết quả thật kỳ lạ: những cầu thủ sút phạt khi không có hàng rào sút ra ngoài nhiều hơn là khi có hàng rào”.
Oliver Kahn, trong thời đỉnh cao của mình, thỉnh thoảng yêu cầu hậu vệ khỏi lập hàng rào. Edwin van der Sar trong năm cuối tại Ajax đã cố tinh giảm số người làm hàng rào để có thêm nhân sự tham gia phòng ngự. Họ là những người hiếm hoi nhận ra việc làm hàng rào không thật sự mang lại những hiệu quả rõ rệt.
Vậy thì tại sao hàng rào vẫn hiện diện trong mỗi trận đấu? Nigel Martin phân tích: “Không có hàng rào, các cầu thủ đứng lố nhố trong vòng cấm địa, khi ấy quả sút có thể chạm người đổi hướng dễ dànkg. Vả lại dù bạn có bỏ hàng rào hay lập hàng rào kiểu khác, cầu thủ tấn công vẫn có những cách ứng phó với nó.”.
Cuối cùng, hàng rào đúng là đã giúp các cầu thủ hoàn hiện hơn kỹ năng sút bóng thật, nhưng những cầu thủ ấy vẫn không đến mức... đại trà. Và xác suất thành công của những quả sút phạt đầu mùa giải này tuy có tăng lên, nhưng cũng chưa phải là một hồi chuông báo động đến mức phải nghĩ đến chuyện dẹp bỏ luôn hàng rào. Đúng là hàng rào ngày một giảm đi sự hiệu quả và thực dụng, nhưng nó vẫn hơn là... không có vành đai bảo vệ nào cả.
CON SỐ
10,8% Tỷ lệ thành công của các quả phạt trực tiếp tại Premier League mùa này. Số bàn đến từ sút phạt chiếm 6,8% tổng số bàn được ghi tại Premier League.
1/3 Tỷ lệ những quả sút phạt vượt qua hàng rào và hướng vào khung thành tính đến trước mùa này là 1/6 (tức cứ 6 quả thì có 1 quả chính xác). Tỷ lệ ấy đầu mùa bóng này tăng lên 1/3.