NỬA NĂM TẬP LÊN SÀN ĐẤU, 25 TUỔI GIẢI NGHỆ
Chuyện tuyển chọn, đào tạo VĐV boxing nữ sau 10 năm gây dựng giờ vẫn khó như lên trời, vì đủ các lý do, như định kiến xã hội, việc tập luyện thi đấu vất vả, chế độ đãi ngộ. Cả nước hiện chưa có nổi 100 tay đấm tính từ tuyến năng khiếu và trẻ, trong đó riêng Hà Nội đã chiếm khoảng 20. Nhiều địa phương tiếng là có song thực chất trong đội hình chỉ lèo tèo 2-3 người.
Do quá thiếu người, nên hầu hết các nữ võ sĩ đều lập tức được tung vào tranh tài tại các giải quốc gia chỉ sau mấy tháng làm quen. Họ đã phải lên sàn trong tình trạng chưa nắm được các kỹ năng sơ đẳng nhất, chưa có sự chuẩn bị ở mức tối thiểu nhất, vừa đấu vừa học, lấy tinh thần làm chính.
Như một vòng luẩn quẩn, chính sự đốt cháy giai đoạn và thiếu cơ bản ấy đã khiến cho hàng loạt võ sĩ triển vọng, kể cả tuyển thủ quốc gia, rơi vào nghịch cảnh “sớm nở tối tàn”. Boxing nữ là môn có tuổi nghề đỉnh cao ngắn nhất, thường chỉ 4-5 năm, mà hầu hết đều giải nghệ trước tuổi 25. Thậm chí, nhà Á quân trẻ thế giới 2011 Phạm Thị Phương đã lặng lẽ biến mất, dù mới 22 tuổi.
Lê Thị Bằng
MÔN SỞ TRƯỜNG CỦA CÁC SƠN NỮ
Có thể coi như một hiện tượng kỳ thú khi boxing nữ, ngay cả ĐTQG lại có sự áp đảo của các tay đấm người dân tộc thiểu số vùng cao. ĐT Việt Nam các lứa luôn xuất hiện các gương mặt lạ người dân tộc Mông, Dao, Giáy, hay mới đây là Ê-đê, Ba-na.
Nhiều người về tập huấn tại Hà Nội trong tình trạng nói tiếng phổ thông chưa thạo, mang theo cả nếp sinh hoạt riêng ở núi rừng. Điều quan trọng, họ luôn chứng tỏ được ý chí, khả năng đặc biệt của mình, rõ nhất về độ “lì”.
Trong đó, nổi bật nhất có võ sĩ người Mông Lừu Thị Duyên - ngôi sao số 1 Việt Nam, từng giành HCV SEA Games, huy chương Asiad và đang nhắm tới một suất chính thức tới Olympic 2016. Ngành thể thao đã quy hoạch đặt 2 “lò” phát hiện, đào tạo trọng điểm tại Lào Cai và Đăk Lăk.
Cội nguồn của nó thực ra lại rất đơn giản, gắn với thực tế buồn nhiều hơn vui khi boxing nữ gần như không thể thu hút và giữ chân được các nhân tố ở các trung tâm lớn, rồi ngay những vùng nông thôn cũng vô cùng khó khăn.
Trong khi đó, món đấm bốc hãy còn rất xa lạ, phần nào đó bị định kiến với phụ nữ Việt Nam ở miền xuôi này, lại có thể dễ dàng được các thiếu nữ vùng cao chấp nhận, chính xác hơn còn thấy thích thú.
Họ cũng có sự phù hợp mức cao về mặt chuyên môn, cũng như không có nhiều đòi hỏi về điều kiện hay lương thưởng. Không phải ngẫu nhiên, như ở Lào Cai, boxing được coi như một niềm đam mê và cơ hội đổi đời của nhiều sơn nữ người dân tộc thiểu số.
Lừu Thị Duyên
TOẠC MẶT, RÁCH MẮT & MỨC LƯƠNG BÈO BỌT
Trong làng thể thao Việt, chắc chắn không môn nào có thể so với boxing nữ về sự khắc nghiệt của việc tập luyện, thi đấu, giống như một sự tàn phá liên tục, lâu dài mà chỉ có một số ít có thể vượt qua.
Bất cứ nữ võ sĩ nào khi bắt đầu đội mũ so găng cũng là mục tiêu của những cú đấm như trái phá của các thầy hay các đàn chị đến mức hộc máu mồm hay lệch quai hàm để thử khả năng chịu đòn như một quy định bất thành văn. Rồi ngày ngày, họ đều phải dơ mặt ra cho nhau đấm, với đủ các mức độ và kiểu cách, mà sau mỗi buổi ai cũng bị toạc mặt, rách mắt.
Có đến quá nửa đã phải bỏ cuộc giữa chừng, có khi chỉ sau vài tháng hay vài tuần vì hãi quá. Hai tuyển thủ giành HCĐ ASIAD 2014 Lừu Thị Duyên, Chu Thị Bằng sau nhiều năm, thi thoảng vẫn bàng hoàng và khóc như mưa vì thấy rằng khuôn mặt mình đã bị biến dạng một cách khủng khiếp.
Các cô gái đấm bốc đã chấp nhận hy sinh, vượt khó chịu khổ như thế song chỉ nhận được mức thu nhập bèo bọt đến khó tin, chưa có một chút đặc thù nào. Cỡ tuyển thủ quốc gia trụ cột cũng chỉ nhận 4 triệu đồng/tháng, từ tiền công tập luyện ngày nào tính ngày ấy.
VĐV cấp tỉnh còn thấp hơn nhiều, vỏn vẹn 2 triệu đồng. Khác với quốc tế, boxing Việt Nam cũng chưa có các giải đấu mở rộng mang tính chuyên nghiệp giúp các võ sĩ có thể kiếm thêm, trong khi chỉ có vài người đạt tới đẳng cấp tranh huy chương quốc tế để lĩnh thưởng theo quy định từ ngành thể thao.
2 năm cho một câu trả lời
Boxing nam được khôi phục trở lại vào năm 2002 sau 8 năm ròng bị cấm hoạt động do sự cố vỡ sới tại giải VĐQG 1994. Việc gây dựng boxing nữ cũng được đặt ra ngay từ khi ấy song đã vấp phải rất nhiều ý kiến phản đối, cho rằng nó nguy hiểm, bạo lực và không phù hợp với phụ nữ Việt Nam.
Phải mất đến 2 năm kiên trì thuyết phục và đấu tranh, các nhà quản lý huấn luyện môn này mới được đồng ý cho làm boxing nữ theo diện thử nghiệm. Lực lượng ban đầu hoàn toàn nhờ cậy vào các võ sĩ wushu, karatedo, hay võ cổ truyền chuyển sang.
Những người trong cuộc vừa làm vừa lo ngay ngáy vì nguy cơ có thể bị cho dừng bất cứ lúc nào. Rất may, quyết tâm và nỗ lực của họ đã được đền đáp xứng đáng bởi boxing nữ đã sớm vượt xa cả boxing nam lẫn nhiều môn võ thế mạnh khác để trở thành “mũi nhọn” hàng đầu của TTVN. Boxing nữ đã được đưa vào danh sách 10 môn trọng điểm nhóm 1, giành cả HCV giải trẻ thế giới, SEA Games và huy chương ASIAD.
Có thêm 5-7 triệu đã mừng rơi nước mắt
Hai năm nay, nhờ sự nhập cuộc của một đối tác truyền thông, boxing mới có một giải đấu theo hơi hướng chuyên nghiệp, tổ chức thi đấu hàng tuần, được truyền hình trực tiếp và có phần thưởng cho từng trận.
Mức thưởng chỉ mang tính thí dụ cho có, với 3,5 triệu đồng cho người thắng và 1,5 triệu đồng với người thua, nhưng đã đủ khiến các nữ võ sĩ mừng rơi nước mắt. Bởi lần đầu tiên, họ biết thế nào là đấu có tiền thưởng trực tiếp, và khoản 5-7 triệu đồng sau khi đấu cả giải cũng đã hỗ trợ được rất nhiều.