CHỘT DẠ KHI THÁI LAN ĐẦU TƯ MẠNH
Rồi tiền đạo số 1 của ĐT nữ Việt Nam bật mí về mức lương: “Khoảng 10-12 triệu đồng một tháng, bằng mức họ trả cho các tuyển thủ của Thái Lan vậy”. Số tiền này chưa thật hấp dẫn nhưng cũng cao gấp 3-4 lần so với mức lương Minh Nguyệt đang nhận ở đội Hà Nội 1. Tất nhiên, dù có muốn, Minh Nguyệt rất khó nhận được sự đồng ý của đơn vị chủ quản để ra đi.
Song chuyện này cho thấy, bóng đá nữ Thái Lan đang có những bước đi khiến Việt Nam phải e dè. Bên cạnh việc săn đón cầu thủ ngoại cho giải VĐQG, Thái Lan cũng gửi 3 cầu thủ tốt nhất sang CLB Speranza F.C Osaka Takatsuki ở giải hạng Nhất bóng đá nữ Nhật Bản thi đấu nhằm nâng đẳng cấp.
Trở lại với bóng đá nữ Việt Nam. Sau 16 năm kể từ khi giải VĐQG nữ ra đời, từ năm 1998 đến nay, gần như chúng ta không có bước chuyển nào đáng kể khi vẫn gói gọn trong 6 CLB là Hà Nội 1, Hà Nội 2, TP.HCM, Than - Khoáng sản Việt Nam (Quảng Ninh), Hà Nam, Thái Nguyên.
Thậm chí, về phong trào còn thu hẹp hơn khi những năm đầu giải VĐQG còn có Quảng Ngãi và Long An, Lâm Đồng tham dự sau rồi không được tiếp tục đầu tư, đành xóa sổ. Sau cả chục năm vất vả duy trì 6 đội bóng, gần đây mới có tín hiệu khi có thêm đội bóng non trẻ Sơn La với khởi đầu là tuyến U19 với hy vọng sau 2-3 năm nữa giải VĐQG có thêm thành viên thứ 7.
Do vậy, dù có đoạt được vé dự World Cup 2015 hay không thì bóng đá nữ VN cần được đầu tư hơn nữa để có thể phát triển đi lên thay vì… đi ngang như hiện tại.
CẦN DỰA VÀO NỘI LỰC
Ngày trước, các cầu thủ thuộc lứa đầu tiên như Hiền Lương, Thúy Nga, Nguyễn Thị Hà, Minh Nguyệt, Quách Thanh Mai… (Hà Nội) hay Kim Hồng, Mỹ Oanh, Lưu Ngọc Mai, Kim Phụng… (TP.HCM) hoặc những lớp kế cận gồm Đào Thị Miện, Ngọc Anh, Ngọc Châm, Bùi Tuyết Mai, Kim Chi, Kiều Trinh, Văn Thị Thanh, Kim Hồng… đi theo bóng đá vì đam mê mà hy sinh nhiều thứ.
Hiện giờ, hoàn cảnh đã khác, nên những người làm bóng đá nữ phải tạo được chế độ đãi ngộ, lương thưởng tốt hơn mới khuyến khích được các bậc cha mẹ yên tâm phần nào khi gửi con em đi theo nghiệp quần đùi áo số.
Trong số 6 CLB hiện nay của bóng đá nữ Việt Nam, mô hình của Hà Nam có thể coi là hình mẫu. Đội bóng của vùng chiêm trũng này ngày càng phát triển vững chãi nhờ sự quan tâm của lãnh đạo địa phương khi coi bóng đá nữ là môn thể thao mũi nhọn của tỉnh nhà.
Trên sân nhà, các trận đấu của đội nữ Hà Nam, luôn đầy ắp khán giả khi toàn bộ 15.000 chỗ ngồi gần như được phủ kín. Chế độ đãi ngộ của Hà Nam dành cho cầu thủ đội 1 cũng trên dưới 7 triệu đồng/tháng. Hiện tại, lực lượng cầu thủ trẻ của Hà Nam rất dồi dào với đủ 3 tuyến: từ U13 đến U19 và đội 1.
Dẫu chưa được đãi ngộ bằng các đồng nghiệp nam, nhưng bóng đá nữ lại được người hâm mộ yêu mến và luôn cổ vũ bằng tình cảm nồng hậu nhất
Xét về thực tế khách quan, bóng đá nữ vẫn chưa hút được sự quan tâm của các doanh nghiệp, do vậy sự nâng đỡ của địa phương cực kỳ quan trọng trong việc kêu gọi tài trợ cũng như xây dựng cơ sở vật chất, làm đào tạo trẻ và nhất là tạo ra sự ủng hộ của khán giả. Nếu đi từng bước căn cơ, biến bóng đá nữ trở thành một môn thể thao quen thuộc với người dân thì chúng ta mới tính được các bước tiếp theo.
THÔNG TIN THÊM:
Trong buổi họp đầu tiên của Ban chấp hành VFF khóa VII tại TP.HCM diễn ra hồi tháng 4/2014, Chủ tịch VFF, Lê Hùng Dũng trần tình: “Kiếm tiền cho bóng đá nữ khó và cực lắm. Phải đi gõ cửa từng nơi, từng doanh nghiệp để xin tài trợ mà cũng không phải dễ”.
Các cuộc tranh tài trong khuôn khổ bảng A VCK Asian Cup 2014 của thầy trò HLV Trần Vân Phát đều diễn ra trên SVĐ Thống Nhất với các đối thủ Jordan (17h15 ngày 14/5), Nhật Bản (20h15 ngày 16/5), Australia (19h15 ngày 18/5). Nếu xếp thứ 3, ĐT Việt Nam sẽ đá play-off với đội đứng thứ 3 bảng B - gồm: Hàn Quốc, Trung Quốc, Myanmar và Thái Lan - để tranh vé vớt khu vực châu Á đến Canada năm 2015.