4 NĂM TU NGHIỆP BÊN ĐỨC
Sinh năm 1963, ông Miura giải nghệ sớm và theo học 2 năm tại Khoa Y học và Giáo dục thể chất, Đại học tổng hợp Iwate ở quê nhà trước khi sang Đức học chuyên ngành HLV tại Đại học Thể dục Thể thao Cologne.
Về nước, ông làm Trợ lý HLV tại các CLB Brumell Senda, Mito Holly Hock (J.League 2) rồi trở thành HLV trưởng Omiya Ardija, Consadole Sapporo (J.League 2) giai đoạn 2000-2008. Trong các năm từ 2009 đến 2011, ông lần lượt dẫn dắt Vissel Kobe và Ventforet Kofu tại J.League 1.
Giới cầm quân ở đất nước Mặt trời mọc đánh giá ông Miura là nhà cầm quân trẻ có ý tưởng, được học hành bài bản trước khi hành nghề và ham học hỏi, tìm tòi.
Trong các quãng thời gian 2002-2003 và 2012-2013, ông từng làm BLV bóng đá trên báo giấy và truyền hình, tham gia viết sách giáo khoa dạy bóng đá. Ngoài bóng đá, ông Miura cũng đặc biệt hứng thú với bóng chuyền và bóng chày - một điểm rất giống với cựu HLV trưởng ĐTQG, Henrique Calisto.
Trước khi sang Việt Nam, ông được Phó Chủ tịch LĐBĐ Nhật Bản, Kozo Tashima tiến cử và HLV CLB Consadole Sapporo (nơi Lê Công Vinh khoác áo năm 2013) Keiichi Zaizen tham vấn. Bên cạnh đó, ông Miura cũng trao đổi với HLV trưởng ĐT Nhật Bản, Alberto Zaccheroni và được nhà cầm quân người Italia khuyên nên sang Việt Nam làm việc.
Có một chi tiết rất thú vị liên quan đến tân HLV trưởng ĐT Việt Nam. Đó là đĩa DVD dạy trẻ em đá bóng mang tên “Soccer Academy Learn” là sản phẩm bán rất chạy trên trang mua sắm trực tuyến danh tiếng Amazon.co.jp với giá 2,194 yên Nhật (tương đương 450.000 đồng).
TỶ LỆ THUA TRẬN CHỈ LÀ 24,22%
Trong 125 lần cầm quân tại J.League 1 và J.League 2, tỷ lệ thắng bại của ông là: thắng 52,34%, hòa 23,44% và thua 24,22%. Đây là nguồn dữ liệu từ trang Wikipedia tiếng Nhật, trái ngược với thông tin một số báo đưa gần đây dựa theo Wikipedia tiếng Anh (độ tin cậy thấp hơn với những nhân vật không thật sự nổi tiếng như ông Miura).
Đây là một con số rất ấn tượng với các giải bóng đá nhà nghề Nhật Bản, J.League 1 và 2, nơi có tính cạnh tranh rất cao và áp lực thành tích rất lớn với các HLV. Nên nhớ, một HLV “số má” như ông Takeshi Okada khi hành nghề ở Nhật Bản cũng chỉ có tỷ lệ thắng trận 61,2% khi dẫn dắt Consadole Sapporo và Yokohama F.Marinos trong 189 trận.
TÔN THỜ CHỦ NGHĨA XÊ DỊCH
Có một sự trùng hợp là ông Miura không làm việc ở chỗ nào quá… 2 năm. Khi còn ở CLB Consadole Sapporo, ông đã từng trả lời báo chí địa phương về quan điểm sống theo chủ nghĩa xê dịch, thích tìm tòi khám khá của mình.
Khi trả lời phỏng vấn độc quyền của nhật báo Bóng đá ngay sau khi chính thức nhận lời “ngồi ghế nóng”, ông đã đưa ra triết lý rất… cá tính. Người đàn ông sắp tròn 51 tuổi này cho rằng: “Tôi được biết ở Việt Nam, đôi khi HLV trưởng không phải chịu trách nhiệm chính với thành tích của đội bóng mà là các nhà quản lý ở VFF.
Dù vậy, tôi không coi đó là bảo bối để kiếm tìm sự an toàn, một lời bào chữa khi đội bóng thất bại. Bóng đá Nhật Bản và bản thân tôi quan niệm, HLV phải là người chịu trách nhiệm cao nhất và cuối cùng cho mọi thành công cũng như thất bại của đội bóng.
Đã theo nghiệp HLV thì bạn phải đủ tố chất để chống chọi và vượt qua áp lực về thành tích. Tôi không coi những thất bại vừa qua của ĐT Việt Nam là áp lực cho bản thân. Thậm chí, đó là cơ hội, là mảnh đất để tôi kiếm tìm những vinh quang trong sự nghiệp”.
BÁO NHẬT TỚI TẤP ĐƯA TIN
Sáng hôm qua, báo chí Nhật sáng qua đã đồng loạt đưa tin, hoặc theo nguồn tin riêng hoặc trích dẫn lại nguồn tin từ báo Việt Nam, về việc ông Toshiya Miura sẽ làm HLV ĐT Việt Nam và đội U23 Việt Nam đến hết năm 2016.
Theo đó, các trang điện tử danh tiếng như Soccer-king.jp, Yahoo.co.jp, phiên bản điện tử của tờ báo giấy hàng đầu xứ Phù tang, Japantimes.co.jp hay Đài truyền hình số 1 Nhật Bản NHK (Nhk.or.jp) đều dành những vị trí “đắc địa” để đăng tải sự kiện này.
Thậm chí, trên Japantimes.co.jp, tin về ông Miura còn có lượt đọc nhiều hơn các bài viết về Xabi Alonso vắng mặt trận chung kết UEFA Champions League hay các tin ngắn trước thềm World Cup 2014.
HLV ngoại thứ 9 của ĐTVN
Bóng đá Việt Nam kể từ khai tái hòa nhập khu vực năm 1991 đã trải qua 9 đời HLV ngoại. Đó là các ông: Edson Tavares người Brazil (1995 và 2004), Karl Weigang người Đức (1995-1997), Colin Murphy người Anh (1997), Alfred Riedl người Áo (1998-2000, 2003 và 2005-2007), Silva Dido người Brazil (2001), Henrique Calisto người Bồ Đào Nha (2002 và 2008-2011), Christian Letard người Pháp (2002), Falko Goetz người Đức (2011) và nay là ông Toshiya Miura.
ĐT Việt Nam đang đứng đầu Đông Nam Á
Theo BXH các ĐTQG tháng 4/2014 do FIFA công bố, ĐT Việt Nam tiếp tục vững vàng ở ngôi vị số 1 Đông Nam Á, hạng 16 châu Á và hạng 116 thế giới. Các đội bóng khu vực xếp sau Việt Nam là Philippines (140 thế giới), Thái Lan (143), Malaysia (145), Singapore (147), Indonesia (152), Lào và Myanmar (cùng 173), Campuchia (190), Brunei (191).
HỌ ĐÃ NÓI VỀ TÂN HLV ĐT VIỆT NAM
CHỦ TỊCH VFF LÊ HÙNG DŨNG:
“HLV Nhật Bản không có yêu sách cầu kỳ rằng phải được ở nhà điều kiện nọ, điều kiện kia. Thậm chí, họ ở cùng với các cầu thủ cũng không sao. Điều này khác hẳn với các HLV châu Âu.
Mặt khác, trong bối cảnh bóng đá Việt Nam phức tạp như hiện nay, một HLV đến từ nền bóng đá quá khác biệt với Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn. Còn nói về năng lực cầm quân, tôi tin rằng những HLV đã thành công ở Nhật Bản có đủ điều kiện để làm việc tốt tại Việt Nam”.
HLV NGUYỄN HỮU THẮNG (CLB SLNA):
“Tất cả chúng ta đều biết Nhật Bản có nền bóng đá mạnh nhất châu Á. Các ĐTQG của họ đều chơi rất đường nét. Để có được điều đó thì đội ngũ HLV của họ chắc chắn phải giỏi.
Hơn nữa, HLV người Nhật Bản sẽ xây dựng lối chơi phù hợp với tầm vóc, thể trạng của cầu thủ Việt Nam hơn các đồng nghiệp đến từ châu Âu thường triển khai chiến thuật dựa trên nền tảng thể lực, thể hình tốt”.
TIỀN ĐẠO LÊ CÔNG VINH:
“Các HLV Nhật Bản không quá đặt nặng tính kỷ luật trong chiến thuật như các ông thày người châu Âu mà muốn phát huy tối đa tính sáng tạo trong cách chơi bóng của cầu thủ.
Vì thế, lối chơi của ĐT Nhật Bản cũng như các CLB đều mang chất Latin đậm nét. Ngoài ra, chúng ta và Nhật Bản đều là những người Á Đông, văn hóa không quá khác nhau nên sự hòa nhập với cuộc sống mới sẽ dễ dàng hơn”.
TRUNG VỆ TRƯƠNG ĐÌNH LUẬT:
“Tôi nghĩ không phải ngẫu nhiên mà VFF lại lựa chọn HLV đến từ Nhật Bản, đất nước có nền bóng đá số 1 châu Á và đã vươn ra tầm thế giới. Tôi cho rằng, bong đá Việt Nam muốn làm cuộc cách mạng thì đi theo bóng đá Nhật Bản là điều hợp lý.
Có lẽ, ĐT Việt Nam nên kế thừa nền tảng cũ và bổ sung, phát triển thêm với ông Miura để xây dựng lối chơi như ĐT Nhật Bản khi cầu thủ 2 nước có điểm tương đồng là không cao lớn nhưng kỹ thuật, khéo léo”.
TIỀN VỆ PHẠM THÀNH LƯƠNG:
“Việc sử dụng HLV ngoại là cần thiết cho ĐT Việt Nam ở thời điểm này sau một quãng thời gian không thành công cùng các HLV nội. Và cũng rất hợp lý khi HLV đó đến từ Nhật Bản, một đất nước có nền bóng đá rất mạnh.
Tôi cũng tin ông Toshiya Miura sẽ đưa ĐT Việt Nam lên đỉnh cao mới, trước mắt là AFF Cup 2014, giải đấu mà 6 năm qua chúng ta vẫn chưa thêm một lần giành danh hiệu vô địch.”