SUÝT GIẢI NGHỆ SỚM VÌ CHẤN THƯƠNG
Có bố là một võ sĩ Thiếu Lâm, Vi bén duyên làng võ từ năm 8 tuổi nhưng chẳng theo môn của bố, cũng không hề có mục tiêu trở thành võ sĩ chuyên nghiệp mà chỉ tập wushu – loại hình taolou cho khỏe và thích.
Được đánh giá có tố chất tốt song nếu như so với mặt bằng chung của môn này vốn tầng tầng lớp lớp những tài năng, cô bé sinh năm 1993 chỉ thuộc loại khá. Nhiều người trong giới chuyên môn vẫn đánh giá, nếu như ở thời “đỉnh” của wushu, chắc Vi khó có cơ hội. Bù lại, điểm tựa cho Vi chính là ý chí và sự khổ luyện hơn người, đến mức lì lợm trước mọi gian khó.
Hồi 2007 - 2008, một biến cố lớn đã xảy ra khi Vi dính hàng loạt
chấn thương ở chân (trong đó nặng nhất là đầu gối bị giãn) khiến võ sĩ
trẻ gần như lúc nào cũng đi tập tễnh, tập luyện thi đấu trong tình cảnh
nén đau.
Thúy Vi với vẻ đẹp tươi tắn tuổi đôi mươi
Thương con quá, bố mẹ khuyên Vi giải nghệ. Vi cũng đã tính đến chuyện này, nhất là lúc đó chưa có thành tích gì. Rất may cuối cùng niềm đam mê đã chiến thắng để rồi Vi tiếp tục “phi thân” trên thảm đấu, và đó là lý do đến giờ hãy còn rất trẻ mà đã mang đủ loại thương tích hệt như một cựu binh.
GIÀNH HAT-TRICK HCV TRONG ĐÚNG 10 THÁNG
Ít ai biết cách đây mới chỉ 3 năm, Vi hãy còn là một võ sĩ đúng nghĩa hoàn toàn vô danh. Thậm chí, cô gái đất Hà Thành đã khởi đầu sự nghiệp quốc tế với một thất bại đáng quên tại SEA Games 2009 khi đứng cuối trong số 6 võ sĩ dự tranh nội dung Thương thuật. Tuyển thủ 16 tuổi đã mắc những sai sót sơ đẳng do quá khớp tâm lý. Đến SEA Games 2011 trên đất Indonesia, dù có bước tiến vượt bậc so với chính mình, Vi vẫn chỉ có thể về nhì đao thuật.
Tưởng như Vi sẽ phải mãi chấp nhận đóng một vai phụ thế nhưng cô đã xoay chuyển tất cả để giành lấy mọi vinh quang đáng mơ ước chỉ trong môt thời gian ngắn kỷ lục, có thể coi như một sự thần kỳ: 10 tháng.
Cú đột phá ngoạn mục của Vi bắt đầu từ tháng 11 năm ngoái với tấm HCV thương thuật tại giải vô địch thế giới, cùng đó là 1 HCB, 1 HCĐ. Điều quan trọng, ở đó, hot girl này đã mang đến một hình ảnh mới của một võ sĩ đẳng cấp với bài thi có độ khó, sự toàn diện cực cao và đầy thần thái. Chỉ sau đó đúng 1 tháng, Vi lại tiếp tục bước lên ngôi cao nhất tại SEA Games 2013, lần này là ở kiếm thuật.
Và đến Asiad 2014 - đấu trường chất lượng cao và khắc nghiệt hơn
rất nhiều, gương mặt xinh tươi tuổi 21 đã hoàn thành trọn bộ hat-trick
HCV. Đây cũng là tấm huy chương quý, khó nhất mà wushu Việt Nam phải mòn mỏi trông chờ trong sự vô vọng kể từ năm 1990.
NGƯỜI ĐƯỢC CHỌN CHO… LỊCH SỬ
Có
quá nhiều sự hội tụ một cách khó tin rất khó lý giải dưới góc nhìn
thông thường, được đặt ở người đẹp làng võ này, hay nói chính xác hơn là
với tấm HCV Asiad. Vi đã giải cơn khát Vàng đằng đẵng 24 năm cho wushu
Việt Nam khi mà chẳng ai còn dám tin, lực lượng của ĐTVN sa sút hơn
nhiều các lứa trước, vị thế - quan hệ của cả môn cũng xuống chưa từng
có.
Dương Thúy Vi giành HCV xứng đáng
Cần phải nói thêm, đúng là Vi có thuận lợi rất cơ bản, phần nào đó rất quyết định, bởi nội dung của cô không có hảo thủ nào của “nôi” Trung Quốc. Song mặt khác cũng phải thấy trong những kỳ Đại hội trước, có không ít võ sĩ Việt Nam cũng “tránh” được mà chưa ai đoạt nổi Vàng. Duy nhất Vi đã thành công.
Chính tâm lý thỏa mái vì không phải chịu áp lực tranh Vàng đã giúp cô thực hiện hoàn hảo bài thi của mình. Và dường như phần còn lại không phụ thuộc vào Vi mà là chuyện của số phận khi đối thủ chính không hề thua kém cô Li Yi (Macau - Trung Quốc) đã không có được phong độ cao nhất cùng những lợi thế riêng của mình.
Sau khi kết thúc hai bài thi kiếm thuật và thương thuật, các trọng tài đã phải hội ý rất lâu rồi mới quyết định Vi chính là nhà vô địch với điểm số chỉ hơn người xếp sau đúng 0,02 điểm - một khoảng cách vô cùng mong manh thường chỉ xuất hiện ở môn như wushu.
Trong chiến tích Vàng của Vi có cả sự tỏa sáng xuất sắc của một tài năng, sự may mắn và hơn thế nữa còn là kết đọng của hàng loạt yếu tố khác. Vì thế nó vô cùng khó và đặc biệt quý, rất xứng đáng cho dù có thể không quá thuyết phục về mặt chuyên môn thuần túy. Có thể Vi không xuất sắc hơn những Phương Lan, Mỹ Đức, Mai Phương và đặc biệt Thúy Hiền song có một điều mà các đàn chị chẳng thể có được: sự lựa chọn kỳ lạ của lịch sử wushu Việt Nam và Asiad.
THÔNG TIN:
Suất đặc cách vào biên chế chờ sẵn
Vi đúng là con người của lịch sử môn wushu, và phần nào đó cả thể thao Hà Nội với những sự hội tụ ở mức khó tin. Ngay trước thềm Đại hội, Hà Nội đã quyết định sẽ lần đầu tiên đặc cách xét vào biên chế cho tuyển thủ nào giành HCV Asiad. Và giờ suất đặc cách ấy đang chờ sẵn nhà vô địch đặc biệt này. Trước đó, thể thao Thủ đô mới chỉ từng có một HCV Asiad ở môn Cầu mây song ở nội dung đồng đội, và lực lượng VĐV Hà Nội chỉ đóng vai phụ.
Thoát nạn cháy xe rồi lại quảng cáo xe
Hồi đầu năm nay, ngay trước Tết nguyên đán, khi cùng chiếc xe tay ga mới cóng vừa tậu được nhờ tiền thưởng SEA Games đậu trên vỉa hè, Vi đã suýt gặp nạn vì chiếc xe SH của một người ở ngay sát đó bốc cháy đùng đùng. Người này hốt hoảng quăng xe lên vỉa hè, ngay sát vị trí của Vi rồi bỏ chạy. Với phản xạ mau lẹ của dân nhà võ, Vi cũng lập tức bỏ của chạy lấy người, cho dù biết rằng rất có thể chiếc xe của mình hoàn toàn có thể bùng cháy theo. Rất may một số người dân ở đó đã kịp thời dùng nước dập cháy cho chiếc xe SH giờ chỉ còn trơ khung nên không chỉ người an toàn mà cả xe của Vi cũng nguyên vẹn.
Chẳng biết có phải vì cú thoát nạn này mà sau đó Vi được hãng Yamaha mời tham gia quảng cáo cho dòng sản phẩm mới, với mức thù lao 3.000 USD, gấp mấy lần mức thưởng cho tấm HCV SEA Games.