Khi ấy, Anh là đội ĐKVĐ. Brazil là đội cực mạnh (rút cuộc họ chính là đội vô địch). Tiệp Khắc thì vào chung kết World Cup 1962 (và sẽ vô địch EURO 1976).
Đến World Cup 1982, báo chí tại nước chủ nhà TBN lại gọi bảng C ở giai đoạn 2 là “Grupo de la muerte”. Khi ấy, Brazil nằm chung bảng với Italia và Argentina, chỉ chọn 1 đội đi tiếp! Tờ The Guardian sau này gọi đấy là bảng đấu “chết chóc nhất” trong toàn bộ lịch sử World Cup.
Khi Uruguay, Đan Mạch, Scotland, Đức rơi vào bảng E tại World Cup 1986 thì khái niệm “Bảng tử thần” hay “Bảng đấu chết chóc” (Group of death, theo tiếng Anh) đã trở nên quen thuộc trên toàn thế giới. Từ World Cup, khái niệm này sau đó trở nên phổ biến ở các giải bóng đá khác và ở cả các môn thể thao khác.
Cụm từ “Bảng tử thần” trở nên quen thuộc tại World Cup 1986 không chỉ vì trọng lượng của bảng E vừa nêu, mà còn vì một câu nói của HLV Omar Borras (Uruguay). Ông nói sau trận Uruguay - Scotland: “Bảng tử thần ư? Thật chính xác. Hôm nay, tôi thấy một kẻ giết người trên sân”!
FIFA đã phạt HLV Borras vì ông ám chỉ trọng tài Pháp Joel Quiniou (ảnh) trong câu nói ấy. Quiniou tỏ ra “hãnh diện” khi thẳng tay đuổi cầu thủ Jose Batista của Uruguay ra khỏi sân và trở thành trọng tài phất thẻ đỏ sớm nhất trong lịch sử World Cup (giây thứ 46).
Thông thường, nguyên nhân khiến “Bảng tử thần” xuất hiện là vì cách chia hạt giống không hợp lý. Nhưng nguyên nhân bao trùm, quan trọng hơn, là trong bóng đá, rất khó quy định rạch ròi đâu là đội mạnh, đội yếu.