1. Đầu tuần này, các fan xôn xao trước việc Trịnh Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch Hội CĐV Than Quảng Ninh, trốn vợ trong ngày cưới bên nhà gái để vận nguyên cả bộ veston cho kịp ra sân Cẩm Phả cổ vũ đội nhà thi đấu với Hải Phòng. Đó là những gia vị tuyệt vời, làm chất xúc tác cho tinh thần, văn hóa cổ vũ. Tuy nhiên, đây không phải là trường hợp CĐV điển hình.
Trong bài trả lời phỏng vấn BĐ&CS, cựu cầu thủ Đặng Gia Mẫn có nói một ý rất hay, rằng “đi xem bóng đá ở Việt Nam vất vả và rủi ro quá trong khi ở Anh ở Đức, cả gia đình đến SVĐ vào ngày cuối tuần như một chuyến picnic”. Bản chất của bóng đá là giải trí. Vì vậy, không phải ai cũng cuồng nhiệt, cũng am tường “chân tơ kẽ tóc” đội nhà và luật lệ thi đấu mới gọi là CĐV.
Khán giả đến sân không chỉ vì mục đích duy nhất là xem thi đấu. Quan trọng không kém là cảm giác vui vẻ, thư thái trong khoảng thời gian ít ỏi cuối tuần để có thể gạt bỏ những áp lực của cuộc sống. Nếu làm được điều đó, bóng đá mới có thể cạnh tranh được với các loại hình giải trí khác, như: xem phim, nghe ca nhạc, xuống biển hay lên rừng nghỉ ngơi để tái tạo sức lao động.
2. Mối quan hệ, tương tác qua lại giữa chất lượng V-League và số lượng khán giả đến sân giống câu chuyện tranh cãi xem quả trứng hay con gà có trước. Tuy nhiên, trường hợp của giải VĐQG Thái Lan có thể là một bài học sinh động cho V.League vì sai lầm khi chú trọng việc nâng cao chất lượng giải đấu hơn là xây dựng, chăm sóc CĐV, dẫn đến tình trạng khán giả èo uột.
Về vấn đề này, Premier League hay Bundesliga là những ví dụ về việc cho phép các Hội CĐV có tiếng nói nhất định tới các hoạt động của CLB. Hoặc như trường hợp J.League của Nhật Bản xây dựng hình ảnh các CLB bằng cách gắn kết với tính truyền thống của từng địa phương, vùng miền qua các cuộc giao lưu, sinh hoạt cộng đồng ở trường học, bệnh viện.
Ở các giải VĐQG thu hút lượng khán giả đông đảo, công tác mở rộng và chăm sóc CĐV luôn được coi trọng. Thậm chí, ngay cả những tiểu tiết như giá đồ ăn, thức uống ưu đãi cũng là yếu tố khiến các fan có thêm nhu cầu đến sân.
Khi nhận thấy lượng CĐV bản địa đã bão hòa, Man Utd, Arsenal hay Liverpool đã ngay lập tức cơi nới thị trường. Arsenal “vừa có tiếng vừa có miếng” khi đón tiếp trọng thị một CĐV vô danh từ một đất nước xa xôi như Running Man Vũ Xuân Tiến, mở một fanpage bằng tiếng Việt.
Quay trở lại V.League, các đội bóng gần đây đã chú trọng đến việc cải thiện chuyên môn và xây dựng hình ảnh, nhưng vẫn chưa coi CĐV là “Thượng đế”. Ngay cả bài học thành công của Đà Nẵng (nhấn mạnh đến slogan: Nhuộm màu da cam để giữ lửa trên sân Chi Lăng) hay Nghệ An (người hâm mộ thường xuyên tổ chức các hoạt động cổ vũ online và offline, đề cao chất Nghệ) cũng chưa được tìm hiểu kỹ càng trước khi đúc rút thành một mô hình xuyên suốt.
3. Bóng đá thiếu vắng khán giả sẽ “chết” vì không thu được tiền bán vé và các dịch vụ đi kèm, khó thu hút tài trợ và bản thân các cầu thủ trên sân thi đấu cũng không “máu lửa”. Quyền Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Việt Nam, Lê Hùng Dũng - trên tư cách một nhà quản lý bóng đá đồng thời là một doanh nhân - đã rất tinh tế khi “lẩy” đúng yếu điểm này.
Trước thềm Đại hội Liên đoàn bóng đá Việt Nam khóa VII, ông Dũng đã chia sẻ với báo giới: “Mục tiêu của tôi là năm 2014 sẽ cải thiện lượng khán giả đến sân. Còn những năm tiếp theo là cải thiện chất lượng giải đấu, để nâng tầm V.League”.