Ông đã dẫn dắt CLB này trong 26 năm, giành hơn 30 danh hiệu (gồm 13 chức vô địch Premier League). Quan trọng nhất, SAF đã biến M.U từ một CLB thể thao bình thường thành một thương hiệu toàn cầu đắt giá.
Kể từ khi Premier League ra đời vào mùa 1992/93 cho đến mùa 2011/12, doanh thu của M.U đã tăng từ 39 triệu lên 520 triệu USD, tức gấp 13 lần và chiếm 15% tổng doanh thu của cả giải Ngoại hạng Anh. Giá trị của thương hiệu M.U tăng trưởng dưới đế chế SAF còn thể hiện rõ ràng qua thị trường chứng khoán.
Năm 1991, tổng giá trị cổ phiếu của M.U tại sàn chứng khoán London là 74 triệu USD. Vào thời điểm Malcom Glazer thâu tóm M.U năm 2005, giá trị cổ phiếu đã là 1,47 tỉ USD. Còn tại thời điểm này, giá trị của M.U trên sàn chứng khoán ước tính khoảng 3,5 tỉ USD.
Một con số khác cũng chứng minh rằng SAF đã giúp M.U làm ăn lời như thế nào. Trong mùa 1992/93, tổng lợi tức của 20 đội Premier League là 341 triệu USD, trong đó M.U đóng góp 12,5%. Đến hết mùa giải 2012/13, tổng lợi tức của toàn Premier League là 3,76 tỉ USD, và mức đóng góp của M.U là 13.4%.
Điều đó có nghĩa, ở kỷ nguyên Premier League, đế chế SAF đem lại mức tăng trưởng 11% cho M.U. Con số 11% này tương đương với 385 triệu USD, tức là SAF đã làm giàu cho M.U 385 triệu USD trong tổng số 3,5 tỉ USD giá trị thương mại.
Giáo sư Andre Spicer - chuyên ngành Tổ chức hành vi tại trường Kinh doanh Cass ở London - cho rằng M.U đã mất “một nhà lãnh đạo vĩ đại” và sự kiện này cũng giống như “cái chết” dành cho một công ty. 10 phút sau khi tin SAF về hưu được đăng tải, giá cổ phiếu của M.U trên sàn chứng khoán New York đã sụt giảm từ 18,77 xuống còn 17,88 USD, và hiện tại đã rơi xuống 17,42 USD.
Tuy nhiên, nhiều người lại cho rằng việc SAF giải nghệ chỉ làm ảnh hưởng tí chút tới M.U chứ không thể làm sập đổ thương hiệu này. Chuyên gia thẩm định giá trị thương hiệu Jonathan Gabay nhận định: “Đế chế SAF đã thoái trào, nhưng điều đó không có nghĩa là đế chế mới sẽ không bao giờ trỗi dậy. SAF là một phần của thương hiệu huyền thoại này, nhưng ông ấy không vĩ đại hơn nó”.
Thực tế, M.U vẫn là cỗ máy in tiền sau khi kỷ nguyên của SAF. Đầu tháng 7/2013, M.U vừa ký hợp đồng quảng cáo giá trị kỷ lục trong lịch sử: 559 triệu USD trong vòng 7 năm với thương hiệu Chevrolet, bắt đầu từ mùa 2014/15 (thay thế đối tác hiện tại là công ty bảo hiểm AON). Ngày đầu tiên HLV David Moyes ra mắt, M.U ký hợp đồng với nhà tài trợ thứ 40, một kỷ lục của CLB.
Thế nên, thương hiệu M.U đã được xây dựng trong nhiều năm, bởi cả những cầu thủ có sức hút rất lớn, như Ronaldo và Beckham, bởi những chiến lược tiếp thị và quảng bá hình ảnh. Sir Alex có thể là người đã đề ra những chiến lược ấy, nhưng không có nghĩa là ông còn lớn hơn thương hiệu ấy.