Trong cuộc trò chuyện với BĐ&CS, chị tâm sự về chuyện nghề, chuyện đời và những dự định tương lại...
17 năm & gần 200 lần chấn thương, trật khớp
- Nhiều người thấy tiếc khi Thương giải nghệ ở tuổi 23, còn với bản thân chị như thế nào?
+ Thực ra tôi cũng muốn đóng góp được thêm một thời gian nữa, song không thể vì ảnh hưởng từ chấn thương chân dai dẳng. Dù đã được phẫu thuật, nó vẫn không đảm bảo cho việc tập luyện thi đấu nữa. Vả lại, 23 tuổi nhưng tôi đã theo môn này 17 năm, trong đó 11 năm liên tục xuất ngoại tập huấn xa nhà, cũng là thời điểm phù hợp để giã từ nghiệp VĐV để chuyển sang làm HLV. Nhưng nói thật là cũng không thể mãi mạo hiểm với chấn thương, sức khỏe được.
- Có vẻ lúc nào chị cũng bị ám ảnh với chấn thương. Chị có nhớ được mình đã bị chấn thương bao nhiêu lần không?
+ Bây giờ nghĩ lại có thể thấy khác chứ hồi còn tập luyện thi đấu tôi chẳng hề ám ảnh hay sợ hãi gì. Đơn giản có lẽ vì dân thể dục dụng cụ (TDDC) chúng tôi liên tục dính chấn thương đủ loại, nhiều đến mức không nhớ xuể và cũng chẳng ai để ý. Mới đây khi lật giở lại cuốn nhật ký tập luyện mấy năm bên Trung Quốc tôi mới giật mình thảng thốt vì hóa ra mình đã gần 200 lần chấn thương, lệch khớp.
- Có thể chị không để ý song hậu quả của chấn thương thì dù muốn hay không vẫn không tránh nổi?
+ Thì mình cũng phải ráng chịu thôi, vì đó là nghiệp, đam mê mà. Bố mẹ vẫn hay đùa nhưng thực ra rất xót xa rằng tôi như một máy “dự báo thời tiết”. Cứ trở trời, nhất là lạnh, tôi lại lãnh đủ, chân tay tê nhức.
Đứng lên từ đúng chỗ mình gục ngã
- Nhìn lại sự nghiệp của mình, chắc hẳn việc dính doping ở Olympic 2008 chính là một nỗi buồn duy nhất của Ngân Thương?
+ Chính xác, song với tôi đó không chỉ là một nỗi buồn mà còn là một nỗi đau, nỗi tủi hổ. Tôi đã dính doping một cách thật ngu dại, chỉ vì thấy mình nặng nề muốn giảm cân, thanh thoát hơn, tự động mua thuốc dùng mà không hiểu biết gì. Khi ấy tôi đã “sốc” đến mức mấy tháng trời không ra khỏi nhà, không dám đọc báo xem ti vi, với cảm giác của một “tội đồ” gây họa cho cả ngành thể thao, uy tín của đất nước. Ra đường cũng chỉ sợ mọi người nhìn thấy mình. Tôi đã nghĩ đến chuyện giải nghệ và thực tế đã nghỉ 1 năm không tập luyện gì.
- Nếu như thế thì đã không có một Ngân Thương như ngày hôm nay….
+ Mà vẫn là một “tội đồ” và người đáng quên của thể thao Việt Nam. Cũng may nhờ có sự động viên của các thầy, người thân, bạn bè nên tôi đã kịp trấn tĩnh lại. Tôi mới thấm thía rằng mình hèn nhát quá, không dám đối mặt sự thật, và quyết tâm làm lại.
Không phải những tấm huy chương đâu, điều mà tôi có thể tự hào một cách chính đáng nhất với chính bản thân là mình đã đứng lên từ đúng chỗ mình đã gục ngã. Bốn năm sau cú sốc Bắc Kinh, tôi đã có mặt ở London để tranh tài tại Olympic . Khác hẳn với lần trước chỉ nhận suất đặc cách, lần này tôi giành vé chính thức. Tôi còn nhớ như in, ngay cả các quan chức của Liên đoàn Thể dục thế giới cũng đã tìm đến chúc mừng tôi và thể dục Việt Nam vì họ không nghĩ tôi lại có thể trở lại được.
Chưa lấy chồng đã làm mẹ... 6 con
- Được biết hiện tại chị đang làm HLV của đội trẻ Hà Nội. Thế còn đam mê thiết kế thời trang của Thương không có cơ hội thành nghề mới rồi?
+ Thiết kế thời trang chỉ là đam mê thôi, còn TDDC mới là nghiệp đời của tôi. Cũng vì quá bận tập luyện, thi đấu rồi bây giờ là huấn luyện nên đến giờ tôi cũng chưa có nổi một bộ đồ do mình thiết kế, dù mẫu thì đã có sẵn cả trăm. Có lẽ tôi sẽ để dành nó cho… 6 “con” của mình.
Các học trò nhỏ - niềm hy vọng của Ngân Thương
- Sao lại là 6 con?
+ Đó là 6 “con” học trò nhỏ của tôi mà. Môn thể dục của chúng tôi có truyền thống chưa có con, chưa lấy chồng đã phải làm mẹ mà. Ngày trước khi tôi được đưa sang Trung Quốc năm 7 tuổi, cô Giang lúc ấy đã lấy chống chưa có con mà đã phải làm mẹ chăm lo cho chúng tôi từng bữa ăn, giấc ngủ. Bây giờ đến lượt tôi, thậm chí chưa lấy chồng cũng phải làm mẹ, với 6 học trò nhỏ mới chỉ 5-7 tuổi.
- Một hành trình mới đã bắt đầu, mục tiêu mà HLV Ngân Thương hướng đến sẽ như thế nào?
+ Tôi mong có thể truyền lại tất cả khả năng tâm huyết của mình cho các học trò để góp phần đào luyện cho TDDC Việt Nam những VĐV giỏi. Nếu như 6 năm nữa, tại Á vận hội lần đầu do Việt Nam đăng cai, có một hay một vài quân trẻ của tôi được góp mặt, chứ chưa nói đến chuyện giành được huy chương, thì chắc hẳn sẽ là một niềm hạnh phúc lớn của tôi, còn hơn cả khi tôi đăng quang trước đây.
Xin cảm ơn và chúc cho chị đạt được những tâm nguyện của mình
Dự Olympic xong lên ngay bàn mổ
Ngân Thương là VĐV TDDC duy nhất của Việt Nam và Đông Nam Á đến thời điểm này từng 2 lần dự tranh Olympic. Thật khó tin, chị đã xuất sắc vượt qua vòng loại giành suất đến London 2012 với cái chân băng bó, liên tục phải tiêm thuốc giảm đau vì chấn thương tái phát. Trong suốt thời gian chuẩn bị, chấn thương mắt cá chân rồi cả đầu gối của chị ngày càng nặng. Tuy nhiên, tuyển thủ Hà Nội vẫn quyết định nén đau, bó chấn thương để lên đường sang Anh tranh tài, và đã nỗ lực hết mình để thể hiện cao nhất khả năng, quyết tâm của mình.
Dự Olympic xong, chỉ về nước mấy ngày, Thương đã phải lập tức lên bàn mổ để thực hiện ca phẫu thuật mắt cá chân.
Khi “công chúa”... ngỏ lời trước
Dù Ngân Thương luôn kín như bưng, song cả làng thể thao đều biết từ lâu chị đã có một tình yêu tuyệt đẹp với một chàng trai đồng môn, đồng tuổi và đồng hương, thậm chí gần nhà. Thương xin phép được giấu tên song chỉ tiết lộ rằng đó cũng là một thành viên của ĐTQG hiện tại.
Bạn bè của Thương còn kháo nhau một cách rất thú vị rằng trong chuyện tình đặc biệt này, chính “công chúa” mới lại là người tấn công, ngỏ lời trước. Điều này thực ra cũng dễ hiểu vì khi đó cả hai đều hãy còn trẻ, lại quá thân nhau, thậm chí so với đối tượng, nàng xem ra còn bạo dạn hơn hẳn.
Khi đã khẳng định, tin chắc vào sự rung động của trái tim mình, chờ mãi mà không thấy chàng bày tỏ gì nên Thương quyết định giành quyền chủ động. Sau này, anh chàng cũng thú nhận rằng mình đã “chết” Thương từ lâu, và do quá nhút nhát nên chưa tìm ra cách thức, thời điểm nào hợp lý để bày tỏ.
Vài nét về Ngân Thương
Sinh năm 1989 tại Hà Nội, Ngân Thương bắt đầu tập luyện TDDC từ năm 6 tuổi. Cô từng giành 7 HCV SEA Games, 2 lần giành quyền tham dự Olympic. Hiện Ngân Thương đang là HLV của đội tuyển nữ trẻ Hà Nội.