7 TUỔI MẤT CHA, 15 TUỔI ĐÃ PHẢI NUÔI CHỊ
Nỗi mất mát cùng cuộc sống khổ cực đến giờ dường như hãy còn in hằn trên khuôn mặt và dáng vẻ khắc khổ của cô gái 20 tuổi xinh đẹp. Khi mới 7 tuổi, bi kịch đã giáng xuống đầu Huyền khi người cha bất ngờ qua đời vì bạo bệnh.
Càng khốn cùng hơn cho gia đình Huyền, bởi không lâu sau đó, người chị gái mắc chứng bệnh liên quan đến thần kinh, đâm ra ngơ ngẩn rồi chỉ có thể đi ra đi vào. Mẹ chị đã đau đớn và suy sụp đến đổ bệnh, rồi kể từ đó sức khỏe tụt hẳn, nhất là khi bà phải cố gắng gồng mình lên nuôi con nhỏ.
Chính xác từ năm 15 tuổi, lúc được tuyển vào tuyến năng khiếu của đội điền kinh Nam Định, Huyền đã phải cáng đáng việc giúp mẹ chăm lo cho người chị thiệt thòi. Chị đã phải chắt chiu tiết kiệm từng đồng để mỗi tháng có được vài trăm nghìn từ khoản tiền công tập luyện chưa đến 1 triệu đồng để mang về đưa mẹ. Điều đó được Huyền coi như một tình cảm và nghĩa vụ thiêng liêng với mình, và rất mừng bởi giờ đây chị đã có thu nhập ổn định để có thể hỗ trợ ngày càng tốt cho mẹ và chị.
3 NGÀY GIÀNH 3 HCV, 2 KỶ LỤC, 1 CHUẨN OLYMPIC
Trước SEA Games 28, Nguyễn Thị Huyền vẫn là một gương mặt thuộc diện hoàn toàn vô danh với làng điền kinh khu vực. Thế nhưng, ở Việt Nam, chân chạy sinh năm 1995 từ lâu đã được coi như một tài năng trẻ đặc biệt với xuất phát điểm từ một địa phương mà môn điền kinh quá tụt hậu, gần như chỉ tập luyện tại chỗ, dưới sự dẫn dắt của thầy nội. Thậm chí, trong giai đoạn chuẩn bị quan trọng, chuyến tập huấn tại Mỹ của Huyền đã bị hủy do trục trặc về kinh phí.
Bất chấp sự thua thiệt, bất công về điều kiện, Huyền vẫn miệt mài luyện tập, với bước tiến rất nhanh và vững của các chỉ số chuyên môn. Tuyển thủ chỉ tập ở sân nội, với thầy nội ấy đã sẵn sàng cho một cuộc chinh phục trên đất Singapore, khi các chỉ số chuyên môn đều vượt qua mức HCV SEA Games, chưa kể Huyền còn có lợi thế lớn từ vị trí của một “nhân tố bí ẩn”.
Và rồi chân chạy mới đến từ Việt Nam đã tạo nên một cuộc bùng nổ khó tin để vụt thành một hiện tượng của cả môn điền kinh chỉ qua 3 ngày đấu. Ngay ngày đầu, chị đã đoạt tấm HCV lịch sử ở nội dung 400m rào nữ với một thành quả phá kỷ lục SEA Games đã tồn tại như một thách thức cực lớn suốt 20 năm. Đến ngày thứ 2, Huyền tiếp tục đóng vai chủ lực, hoàn thành quá xuất sắc trọng trách của người chạy thứ 4 nội dung tiếp sức 4x400m nữ, mang về 1 tấm HCV cùng 1 kỷ lục Đại hội cũng đã trụ vững suốt 24 năm.
Càng sáng giá hơn, bởi chính cột mốc 56 giây 15 mà Huyền tạo ra ở nội dung 400m rào đã vượt qua chuẩn Olympic (56 giây 20) để bay thẳng tới đấu trường quốc tế danh giá nhất tại Brazil vào năm tới. Thành tích này cũng giúp Nguyễn Thị Huyền trở thành VĐV điền kinh Việt Nam đầu tiên đoạt vé dự Olympic 2016 tại Rio de Janeiro, Brazil. Sang ngày thứ 3, cô lại mang về cho điền kinh Việt Nam 1 tấm HCV ở nội dung 400m nữ.
CHUYỆN TÌNH ĐẸP VỚI HOT-BOY ĐIỀN KINH NGƯỜI MƯỜNG
Tại đường chạy SEA Games 28, mọi người đã luôn dành sự quan tâm đặc biệt tới hai tuyển thủ Nguyễn Thị Huyền (Nam Định) và Quách Công Lịch (Thanh Hóa). Ngoài lý do họ là hai niềm hy vọng Vàng, còn bởi đây là cặp đôi hoàn hảo của điền kinh Việt Nam, với một chuyện tình đẹp lung linh.
Cặp đôi đẹp làng điền kinh Quách Công Lịch - Nguyễn Thị Huyền
Tình yêu giữa hoa khôi đường chạy với hot-boy điền kinh xứ Mường nảy sinh từ cách đây 3 năm theo kiểu “sét đánh”, khi cả hai mới lên tập huấn ĐTQG. Cả hai cùng tập luyện, thi đấu chung ở tổ chạy 400m và 400m rào. Vô cùng thú vị bởi người đã làm cầu nối và vun đắp hết mình cho bộ đội đẹp này chính là Quách Thị Lan, em gái ruột của Lịch và là đồng đội thân thiết của Huyền.
Chính sức mạnh của tình yêu với chàng trai đầy nam tính mà cũng rất lãng mạn đã đóng vai trò như một động lực tinh thần quý giá để Huyền vượt qua mọi trở ngại, với không ít thất bại để thăng tiến không ngừng. Ngược lại, tình yêu của Huyền cũng là bệ phóng giúp Lịch bay cao. Có kém hơn người yêu một chút, song Lịch cũng đã đoạt ngay một tấm HCB 400m rào nam, mà đáng ra phải là Vàng nếu như không bất ngờ xuất hiện đối thủ người Mỹ nhập tịch Philippines, Cray Iric Shauwn (50 giây 29 so với 49 giây 40) và 1 HCB 400m nam vào ngày 12/6.
Ngang ngửa HCV ASIAD Không chỉ là 1 HCV lịch sử, 1 kỷ lục được phá sau 20 năm, 1 suất chính thức tới Olympic mà thông số 56 giây 15 của Huyền ở cự ly 400m rào nữ còn mở ra những cơ hội tranh chấp sáng giá cho điền kinh Việt Nam. Cụ thể, nó đã vượt cả mức HCĐ (56 giây 29), lẫn HCB (56 giây 21) và ngang ngửa với HCV (56 giây 12). Có nghĩa là, khả năng để ngôi sao 20 tuổi đang lên tranh chấp ngôi đầu nội dung này tại các đấu trường châu lục như giải vô địch hay ASIAD là cực sáng. |