MÓN QUÀ BẤT NGỜ
Cho đến bây giờ, Phạm Đức Huy và Đỗ Duy Mạnh vẫn còn bất ngờ về lời mời sang Nhật Bản thử việc. “Thật sự, khi mới nhận được tin, bọn em tưởng các chú lãnh đạo nói đùa. Bởi chúng em chưa có kinh nghiệm thi đấu đỉnh cao gì tại V.League, hay các giải đấu khác. Thế nên, chỉ đến khi cầm thư mời trên tay, chúng em mới dám tin mình được đi Nhật Bản thử việc”.
Rất nhanh chóng, 2 tuyển thủ này đã hoàn thành thủ tục giấy tờ để lên đường. Tối 15/12/2013, cả hai đã đáp chuyến bay tới Tokyo trong tâm trạng đầy hồi hộp bởi đây là lần đầu tiên phải “độc lập tác chiến”. Cuối cùng, họ đã đặt chân tới xứ Phù Tang, bắt đầu cuộc kiếm tìm cơ hội tại Nhật Bản. Tại đây, 2 tuyển thủ U19 Việt Nam đã được BTC J.League đưa đón, bố trí ăn ở rất chu đáo.
Đương nhiên, quan trọng nhất vẫn là buổi thử việc tại Tokyo. Đức Huy kể: “Mọi thứ đều lạ lẫm với chúng em. Hôm đó, có khoảng 50 cầu thủ được tập trung rồi được chia đội hình thi đấu đối kháng. Mỗi người được thi đấu 30 phút cho các tuyển trạch viên của các CLB xem giò.
Trên khán đài có rất nhiều phóng viên đến theo dõi. Buổi thử việc vì thế giống như một sự kiện của bóng đá Nhật. Em và Duy Mạnh khá hài lòng với màn trình diễn của mình, dù đối thủ của chúng em đều dạn dày kinh nghiệm, lớn tuổi hơn chúng em rất nhiều”.
HỨNG KHỞI VỚI TUYẾT
Sau chuyến thử việc tại Tokyo, 2 tuyển thủ U19 Việt Nam đã được BTC J.League giới thiệu đến CLB Consadole Sapporo đang chơi giải hạng Nhì của Nhật Bản. Consadole Sapporo cũng chính là đội bóng mà tiền đạo Lê Công Vinh từng thi đấu khá thành công.
Tiền vệ Duy Mạnh cho biết: “Từ Tokyo, chúng em đã cảm thấy bỡ ngỡ vì bóng đá ở Nhật Bản rất khác so với bóng đá chúng ta. Khi được đến tập luyện cùng đội 1 Consadole Sapporo thì chúng em mới cảm thấy mọi thứ tuyệt vời hơn.
Điều đầu tiên cần phải nói đến, cơ sở vật chất tập luyện ở đây rất chuyên nghiệp, sân bãi đẹp, được bố trí khoa học. Họ chỉ là một đội bóng hạng Nhì, nhưng nếu nhìn vào cơ sở vật chất, có lẽ đội bóng V.League nào cũng phải thèm muốn”.
Trong khi đó, Đức Huy lại có những cảm nhận của riêng mình: “Chúng em gặp rào cản về ngôn ngữ, nhưng điều đó đã bị xóa nhòa khi mà các đồng đội, các bạn ở Consadole Sapporo rất thân thiện.
Họ đã giúp đỡ chúng em rất nhiều, chứ không chỉ riêng trong tập luyện. Điều mà em thích nhất, đó là Consadole Sapporo không phải là một đội bóng, mà nó giống như một gia đình, chính vì thế ai nấy đều cảm thấy rất thoải mái. Bây giờ đã có những người bạn tốt đến từ Nhật Bản”.
Có một điều đáng quan tâm khác đó là giáo án tập luyện của Consadole Sapporo . “Khi chúng em đến đây, các ngoại binh của CLB đã về nước nghỉ ngơi. Chúng em chỉ tập luyện với các cầu thủ người Nhật. Có thể nói, giáo án của CLB không khác gì mấy so với các đội bóng Việt Nam, nhưng tính hiệu quả thì vượt trội. Dù có những sự bỡ ngỡ, nhưng chúng em đã thích nghi rất nhanh và cảm thấy rất hào hứng”.
Một trong những “đối thủ” lớn nhất của hai tuyển thủ U19 Việt Nam là thời tiết và chuyện ăn uống. Tuy nhiên, theo Đức Huy: “Nhiệt độ ở Nhật Bản bây giờ là -30C, tuy nhiên điều đó lại đang khiến bọn em thích thú vì lần đầu được thấy tuyết rơi đẹp đến thế”. Dù thích nghi nhanh với thời tiết, nhưng không giống như người đồng đội Duy Mạnh rất hợp với các món ăn Nhật, Đức Huy lại không ăn được nhiều. Để cung ứng năng lượng, cậu đã phải chén rất nhiều mì gói, cũng như ăn kèm theo những cái gì có thể ăn từ đồ Nhật. “Mì gói vẫn hảo hạng nhất, nhưng nếu có thêm thời gian nữa thì em sẽ trở thành một người Nhật chính hiệu”. Đức Huy chia sẻ.
J.LEAGUE “TỔNG TẤN CÔNG” ĐÔNG NAM Á
Không phải vô cớ mà BTC J.League lại nhắm đến thị trường cầu thủ Đông Nam Á. Theo kế hoạch của các nhà lãnh đạo J.League, trong tương lai các cầu thủ đến từ Đông Nam Á sẽ được công nhận là “nội binh”.
Chính vì thế, trong đợt tuyển quân đến Nhật thử việc lần này, ngoài 2 tuyển thủ đầy triển vọng của bóng đá Việt Nam là Đức Huy và Duy Mạnh, BTC J.League còn mời khá nhiều cầu thủ ĐNÁ khác. Chẳng hạn như Noppanon Kachaplayuk và Surawich Logarwit của Thái Lan; Ruben Karel Sandi, Syakir Sulaiman và Irfan Bachdim của Indonesia. Thực tế, J.League là giải đấu bóng đá hàng đầu của châu Á. Chính vì thế, đây chính là thiên đường và là nơi các cầu thủ Đông Nam Á có thể cạnh tranh sòng phẳng để chơi bóng ở một đẳng cấp không quá chênh lệch.
Đương nhiên, cái gì cũng có lí do của nó cả. Và chắc chắn, một trong số đó chính là việc quảng bá J.League đến Đông Nam Á, một mảnh đất tiềm năng chưa được nhiều ông lớn châu Á khai thác. Đáng chú ý nhất là vấn đề bản quyền truyền hình. Chủ tịch của J.League, ông Kazumi Ohigashi bày tỏ: “Không giống như Premier League hay các giải đấu khác, J.League sẽ là một giấc mơ đối với hầu hết các cầu thủ Đông Nam Á bởi đây là một giải đấu hay nhất châu Á . Trong tương lai gần, chúng tôi hy vọng rằng sẽ có nhiều cầu thủ ngôi sao Đông Nam Á chơi ở J.League và nó ngày càng phổ biến trong khu vực”.
Thông điệp này đã được các LĐBĐ Đông Nam Á ủng hộ nhiệt tình. “J.League là một giải đấu có trình độ cao, dù chưa thể so sánh với các giải châu Âu nhưng chúng tôi cho rằng, đây là điểm đến lý tưởng của các cầu thủ Đông Nam Á, trong đó có Thái Lan.
Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ, bởi trong tương lai, nếu CĐV được xem một cầu thủ chơi ở J.League thì nó sẽ thu hút rất nhiều sự chú ý”. Ông Worawi Makudi - chủ tịch Liên đoàn bóng đá Thái Lan cũng tán thành quan điểm.
Lò HA.GL - Arsenal JMG được ngắm
Học viện HA.GL - Arsenal JMG đang được các tuyển trạch viên từ Nhật quan tâm. Điều này không chỉ xuất phát từ sau thành công của U19 Việt Nam tại vòng loại giải U19 châu Á, mà trước đó là việc U17 HA.GL - Arsenal JMG đại diện cho Việt Nam tham gia giải Sanix Cup tại Nhật Bản và đã giành hạng 6/16.
Tại sao người Nhật quan tâm đến Đông Nam Á?
Thái Lan, Malaysia, Indonesia… là những thị trường, điểm đến quen thuộc của các đội bóng như Man United , Liverpool, hay Chelsea. Premier League cũng là giải đấu phổ biến nhất ở khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo J.League vẫn tin rằng, trong tương lai “miếng bánh” này sẽ phải chia sẻ với họ.
Ông Daisuke Nakanishi, giám đốc tiếp thị của J.League khẳng định: “Có những lợi thế rất lớn của J.League ở Đông Nam Á đó là chúng tôi gần hơn về mặt địa lý, sự gần gũi và tương đồng văn hóa. Hơn thế nữa, J.League đang phát triển rất nhanh, và chúng tôi nghĩ rằng, sẽ rất hạnh phúc nếu được chia sẻ với bóng đá Đông Nam Á sự thành công. Đó là lí do ra đời của những bản dự án hợp tác toàn diện”.