Đó là trận chung kết Champions League năm 2008 với Chelsea tại Moskva. Ronaldo chơi ở cánh trái, và mở đầu trận đấu như mơ với một bàn thắng. Nhưng chỉ thế là không đủ cho một sự thừa nhận: Anh hoàn toàn bất lực với nhiệm vụ ngăn cản Michael Essien, trận đó chơi ở cánh phải. Chính từ một pha bỏ vị trí của Ronaldo, Essien đã giúp Frank Lampard cân bằng tỉ số, và dìu trận đấu đến chấm phạt đền.
Ở đó, Ronaldo đã đá hỏng một trái, với thái độ cẩu thả và kiêu ngạo. Khi anh trở về vạch giữa sân, không có sự an ủi hay thông cảm. Anh đá văng một chai nước, đứng bất động một lúc, ném một ánh nhìn trống rỗng về phía khung thành, cứ như thể tâm trí đang phiêu lưu ở hành tinh nào.
May cho Ronaldo, Nicolas Anelka và John Terry đều đá hỏng. Man United chiến thắng, nhưng khi nằm dằn dỗi và úp mặt xuống cỏ, Ronaldo hiểu rằng bàn thắng mở tỉ số của anh đã trở thành vô nghĩa. Chiến thắng ấy dường như không thuộc về anh.
Trong một trận derby Madrid cách đây ba năm, sau khi Real dẫn 2-0 chỉ trong vòng 30 phút đầu, Ronaldo, khi ấy bị ám ảnh bởi Pichichi và Chiếc giày Vàng châu Âu, đã dành toàn bộ thời gian còn lại để tung ra những cú dứt điểm từ khoảng cách rất xa và góc độ khó.
Suýt nữa Madrid phải trả giá: Sergio Aguero gỡ lại một bàn khi thời gian thi đấu chỉ còn 5 phút, và khiến các CĐV Madrid phải hoảng sợ những phút cuối. Real suýt hòa trong một trận đấu họ có thể thắng với tỉ số áp đảo. Chúng ta hay nói rằng sự ích kỷ ấy là dễ hiểu và đáng được cảm thông, nhưng liệu giải thưởng cá nhân có ý nghĩa gì, nếu nó không thể mang lại danh hiệu tập thể?
Hãy nhìn vào danh sách các cầu thủ từng giành Chiếc giày Vàng châu Âu. Eusebio, Gerd Mueller, Josip Skoblar, Hans Krankl và Ian Rush là những huyền thoại thực sự, nhưng liệu có ai còn nhớ (hoặc biết) đến Hector Yazalde (chơi cho Sporting và giành giày Vàng năm 1974), Kees Kist (AZ Alkmaar 1979), Rodion Camataru và Dorin Mateut (Dinamo Bucharest năm 1987 và 1989), David Taylor (Porthmadog 1994), Arsen Avetisyan (Homenmen 1995), và Zviad Endeladze (Margveti 1996)? Tất cả đều là những tay săn bàn hàng đầu, nhưng hẳn Ronaldo hay Messi không muốn bị sử sách lãng quên như họ.
Lionel Messi có thể tự hào rằng anh đang giữ kỷ lục mọi thời về số bàn thắng ghi trong một năm (96 bàn năm 2012), nhưng đó cũng là thời điểm mà Barca bắt đầu thoái trào. Thống kê cho thấy vào những mùa ghi bàn khủng khiếp nhất, Messi cũng... chạy ít nhất. Hãy nhớ là khi cùng Barca đoạt cú ăn năm mùa 2010/11, anh “chỉ” ghi được 53 bàn trên tất cả các đấu trường. Mùa 2011/12, Messi nổ súng 73 lần, nhưng Barca thì trắng tay.
Đó là về các cuộc đua ghi bàn, còn Quả bóng Vàng thì sao? Đó luôn là một danh hiệu cảm tính và đôi khi được lựa chọn chẳng dựa trên tiêu chí rõ rệt nào. Công chúng thì thường có ấn tượng với 5 phút xem một cầu thủ qua một đoạn clip trên Youtube mà không cần quan tâm đến quá trình lâu dài của họ.
“Tôi nghe nói rằng HLV của võ sĩ quyền Anh Carlos Monzon, ông Amilcar Brusa, từng bảo là khi một võ sĩ thượng đài mà được truyền hình trực tiếp, điều quan trọng là anh ta phải tung ra thật nhiều cú đấm, còn đấm và mặt hay không khí thì cũng mặc xác. Đó là bởi truyền hình đòi hỏi như thế” - Cựu Giám đốc Thể thao của Real Madrid, ông Jorge Valdano, chia sẻ.
Tất cả những cầu thủ vĩ đại nhất như Pele, Diego Maradona, Johan Cruyff, Ferenc Puskas, Franz Beckenbauer, Alfredo Di Stefano đều là những cá nhân kiệt xuất, nhưng cũng là những đồng đội tuyệt vời. Họ là thiên tài, nhưng có lẽ đều hiểu rằng họ có thể chẳng là gì cả, nếu không được chơi cạnh những đồng đội tốt.