BÓNG ĐÁ SAU BỨC TƯỜNG BERLIN
Bóng đá đương nhiên phải chịu các tác động tương ứng. Mùa giải 1989/90 kết thúc với ngôi vô địch cho Dynamo Dresden sau khi Magdeburg thua Chemnitzer FC, lúc đó còn mang tên FC Karl Marx Stadt, vào ngày cuối cùng của mùa giải.
Tháng 5/1991, giải vô địch Đông Đức bị giải tán và 8 đội Đông Đức gia nhập các giải chuyên nghiệp Tây Đức. Hansa Rostock và Dynamo Dresden, 2 đội nhất nhì trong mùa giải cuối cùng ở Đông Đức, giành quyền chơi ở Bundesliga. 6 đội khác đã ở giải hạng Nhì: Stahl Brandenburg, Chemnitzer FC, Rot-Weiss Erfurt, Chemie Halle, Carl Zeiss Jena và VfB Leipzig.
Magdeburg, đội Đông Đức duy nhất từng giành cúp châu Âu (Cúp C2 năm 1974 sau khi đánh bại AC Milan), không đủ chuẩn, một phần vì tai nạn thảm khốc của ngôi sao Wuckel. Tháng 3/1990, không lâu trước sinh nhật 23 tuổi, Wuckel bị xe đâm, vắng mặt 11 tháng và không bao giờ trở lại với phong độ như xưa.
Đội hình ra sân của tuyển Đông Đức ở trận gặp Bỉ
Ngày nay, 25 năm sau khi bức tường Berlin sụp đổ, cả 8 đội Đông Đức cũ đều đã bị đá văng khỏi 2 giải chuyên nghiệp hàng đầu của Đức. Chỉ còn lại duy nhất 1 đội ở Bundesliga nằm ở phần Đông Đức cũ, nhưng lại thuộc Tây Berlin, phần lãnh thổ của Tây Đức cũ là Hertha Berlin. Ở hạng Nhì còn 3 đội của miền Đông: Union Berlin, Erzgebirge Aue và RB Leipzig. Nhưng Leipzig có chút khác biệt, nó chẳng có lịch sử gì gắn với Đông Đức mà do các doanh nhân người Áo thành lập mới năm 2009.
Sự suy tàn của những đội bóng Đông Đức một thời hùng mạnh và đầy tự hào để lại nhiều tiếc nuối. Hãy bắt đầu với mùa giải áp chót ở Đông Đức, khi Dresden và Magdeburg cạnh tranh chức vô địch.
Chỉ 6 ngày sau khi bức tường sụp đổ, Đông Đức đá trận vòng loại World Cup gặp Áo ở Vienna. Ngồi trên khán đài là hơn 100 tay săn cầu thủ từ khắp các CLB châu Âu. Đông Đức nổi tiếng là nơi sản sinh ra những cầu thủ tài năng, nhưng vì lý do chính trị, họ không được ra nước ngoài thi đấu. Bức tường sụp đổ là cơ hội vàng để các đội bóng có thể săn tìm những tài năng lớn gần như miễn phí.
Bayer Leverkusen là đội nhanh tay nhất. Trong khi trận đấu vẫn đang diễn ra, một tay đại diện của Leverkusen đã lẻn xuống khu vực kỹ thuật của Đông Đức và thương lượng chuyện tiền nong với các tuyển thủ. Không có gì lạ khi Đông Đức thua trận 0-3.
Cuối mùa đó, Dresden mất 5 cầu thủ cho các đội Bundesliga, bao gồm Sammer, Kirsten và Pilz. Pilz chỉ ở Fortuna Cologne 3 tháng. Anh có chiếc BMW và căn hộ sang trọng mơ ước, nhưng không phải là một cầu thủ với triển vọng vô bờ như Sammer. Anh đã gần 32 tuổi và không thật sự hòa nhập được với cuộc sống tư bản phương Tây. Tháng 10/1990, Pilz trở lại Dresden.
Nhưng anh là một ngoại lệ, hầu hết các cầu thủ Đông Đức một đi là không trở lại. Schuster của Magdeburg gia nhập Eintracht Braunschweig mùa Hè năm 1990. Tiền vệ kiến tạo cực kỳ tài năng Rico Steinmann của Karl Marx Stadt nhận một đề nghị hấp dẫn từ Cologne và chỉ chịu ở lại sau khi đội bóng của anh hứa tăng lương gấp mấy lần.
Một tờ báo địa phương nói Steinmann được ký một hợp đồng với mức lương năm 240.000 mark (khoảng 130.000 USD theo thời giá bấy giờ), con số khó tin với những người dân của một quốc gia khi đặt mua xe phải đợi khoảng 17 năm mới được nhận.
Steinmann sau này nói lẽ ra anh cũng nên ra đi. “Chúng tôi đều tin mình sẽ có thể giành quyền chơi ở Bundesliga”, anh kể lại hồi năm 2010. “Nhưng tôi không chỉ được trả cao hơn một chút so với những người khác, mà cao hơn rất nhiều. Tôi là mục tiêu bị công kích và ghen tị. Thật đáng tiếc”.
Như thế, hầu hết các ngôi sao lớn ra đi. Tình hình thêm tồi tệ với các đội bóng miền Đông sau nhiều năm được quản trị trong hệ thống xã hội chủ nghĩa. Eduard Geyer, cựu HLV Dresden và ĐT Đông Đức, nhớ lại: “Chúng tôi chẳng thể trách ai. Chúng tôi lũ lượt đi thuê những HLV hạng 5 và các tay quản lý xoàng xĩnh từ miền Tây, nghĩ rằng họ sẽ cứu vớt chúng tôi, nhưng đó chỉ là một lũ ăn hại”.
Sự lừa gạt đôi khi là trắng trợn, khi mà phần lớn các đội bóng Đông Đức sau nhiều thập niên sống trong hệ thống xã hội chủ nghĩa, không thích nghi nổi với môi trường tư bản khắc nghiệt cá lớn nuốt cá bé.
NHỮNG KHÁC BIỆT HIỆN TẠI
Tuy nhiên, điều đó không thể giải thích tại sao 1/4 thế kỷ sau, tình hình của bóng đá Đông Đức vẫn chưa được cải thiện. Ngày nay, bất lợi của họ rõ ràng không phải là lịch sử, chính trị, ý thức hệ hay kinh nghiệm. Một thống kê của tạp chí thể thao Sport Inside cho thấy có 108 giải vô địch thể thao đồng đội cấp quốc gia các loại được tổ chức trong mùa 2013/14 và chỉ 8 đội đăng quang là đến từ miền Đông.
Magdeburg không chỉ chứng kiến sự suy tàn trong bóng đá. Khoảng 10 năm trước, đội bóng ném SC Magdeburg là số 1 không chỉ ở Đức mà cả châu Âu, vô địch Champions League bóng ném vào năm 2002. Hiện giờ, đội bóng từng 10 lần vô địch Đông Đức không còn có thể cạnh tranh ở đỉnh cao. “Ngân sách của các CLB khác lớn gấp nhiều lần, và lương cầu thủ của họ ở trên trời”, Marc-Henrik Schmedt của SC Magdeburg nói.
Các đội bóng Đông Đức thiếu tiền do thiếu những doanh nghiệp lớn có thể đóng vai trò tài trợ. Trong 13.000 công ty xếp loại lớn ở Đức, chỉ 1.400 đóng trụ sở ở miền Đông và sức mạnh kinh tế của miền Đông vẫn kém hơn miền Tây 30%.
Nhìn vào bảng xếp hạng các giải chuyên nghiệp, bạn sẽ thấy ngay kinh tế có vai trò quan trọng thế nào với bóng đá: Wolfsburg, được hãng Volkswagen tài trợ, đang xếp thứ 2 ở Bundesliga, trong khi FC Ingolstadt, một đối tác của Audi, dẫn đầu giải hạng Nhì. Vào thời mà Dresden và FC Magdeburg còn tung hoành ở châu Âu, những đội đó đang ở hạng Ba (Wolfsburg) hay thậm chí là chưa tồn tại (Ingolstadt).
Như thế phải chăng Dresden, với đội ngũ CĐV đông đảo, và Magdeburg, với một lịch sử đầy tự hào, sẽ không bao giờ vươn lên được nữa? Chủ tịch Chemie Halle, Michael Schadlich, kết luận: “Tôi không hoàn toàn mất hết hy vọng. Trong 5 năm tới, sẽ có nhiều CLB miền Đông ở giải hạng Nhì hơn bây giờ”. Tuy nhiên, Geyer tỏ ra nghi ngờ: “Tôi sợ rằng sự chênh lệch này sẽ còn kéo dài nhiều năm nữa. Tôi không thấy có lý do gì để lạc quan”.
Trận đấu cuối cùng
Dù bức tường Berlin sụp đổ từ năm 1989, mãi tới ngày 12/9/1990, ĐT Đông Đức mới chơi trận cuối cùng của họ với tư cách là một ĐTQG. Đó là một trận giao hữu với Bỉ tại Brussels, trên sân Parc Astrid.
Ban đầu, đó lẽ ra là trận đấu thuộc khuôn khổ vòng loại EURO 1992 của Đông Đức. Họ sẽ ở cùng bảng với Bỉ, Luxembourg, Xứ Wales và Tây Đức. Nhưng việc thống nhất nước Đức đã được quốc hội Đông Đức thông qua ngày 23/8, nên trận Bỉ-Đông Đức giờ chỉ còn là giao hữu. Đông Đức đã thắng 2-0, với cả 2 bàn do công Matthias Sammer, người hiện đang làm giám đốc thể thao ở Bayern Munich.
Trận đó, HLV Đông Đức Eduard Geyer cho ra sân 3 cầu thủ sau này sẽ chơi cho ĐT Đức thống nhất: đội trưởng Sammer (6 bàn trong 23 trận cho Đông Đức; 8 trong 51 trận cho ĐT Đức), Dariuz Wosz (7 trận cho Đông Đức, 1 bàn trong 17 trận cho ĐT Đức) và Heiko Scholz (7 trận cho Đông Đức, 1 trận cho ĐT Đức).
5 cầu thủ khác cũng chơi cho cả 2 đội tuyển và đi vào lịch sử là: Ulf Kirsten (14/49 và 20/51), Andreas Thom (16/51 và 2/10), Thomas Doll (7/29 và 1/18), Olaf Marschall (0/4 và 3/13) cùng Dirk Schuster (0/4 và 0/3).